13/08/2020 13:01
Tầm vào những ngày tháng Tám này, thể nào trong hai chiếc thúng đặt ở hai đầu quang gánh của mệ Nga nhà ở lối bên chuyên bán buôn hàng rau trái ở chợ cũng có thêm những quả thị nho nhỏ xinh xinh. Thỉnh thoảng, như món quà thảo thơm, mệ Nga làm quà cho ba chị em gái của mẹ mỗi đứa một quả thị. Mấy bước chân bé nhỏ luýnh quýnh chạy từ nhà ra ngõ đón mệ, líu ríu nhận quà, tay nâng niu, cánh mũi bé xíu phập phồng…
Có thị, chẳng bao giờ ăn liền. Mấy chị em đặt quả thị bên bệ cửa sổ, trên đầu giường… Chẳng cần ghi tên, chẳng cần điểm chỉ, nhưng chẳng khi nào lẫn thị của nhau. Theo gió đưa hương, mùi thơm của thị cứ thế mà lan tỏa dìu dịu khắp căn nhà nhỏ, ru mẹ chìm vào giấc ngủ, mơ về “quả thị thơm cô Tấm rất hiền”. Những hôm có thị, việc đầu tiên của mẹ sau mỗi sáng thức dậy là ngắm nghía, để sát mũi hít hà căng lồng ngực. Dìu dịu, ngòn ngọt, một mùi hương thật khó diễn tả, nhưng thích lắm, sảng khoái lắm. Đợi cho đến hôm sau, hôm sau nữa, khi quả thị chín, ngả màu vàng ươm, mùi hương đậm nồng hơn thì mẹ bóp nhẹ cho mềm dần, rồi ăn từng chút một như kiểu ăn quả vú sữa. Vị ngọt dịu xen lẫn vị chát của thị rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Mùi hương ấy, vị ngọt dịu ấy cứ ấp ủ mẹ vương nhẹ theo những giấc mơ xa… Mẹ mơ, biết đâu cứ như chuyện cổ tích, từ quả thị bước ra cô Tấm dịu hiền giúp ông bà ngoại bớt đi lam lũ, nhọc nhằn sớm hôm; biến mong ước của mẹ có bộ quần áo nền trắng bông màu tím hoa cà nho nhỏ xinh xinh giống nhỏ Hoa cùng lớp thành hiện thực để được mặc đi chơi trong dịp Tết Độc lập.
|
Nhắc đến Tết Độc lập mẹ mới nhớ, dịp này năm nào quê mẹ cũng tổ chức lễ hội lớn, kéo dài hai, ba ngày. Nào là đua thuyền, giải bóng chuyền, nào là cắm trại, văn nghệ… Hàng quà bánh trái nhiều vô kể, có những thứ trái, thứ bánh ngày thường mẹ chẳng thấy bao giờ. Già trẻ gái trai ai nấy đều nô nức. Trẻ con như mẹ cũng theo các anh chị lớn tham dự. Lần nào mẹ cũng được bà ngoại cho vài ba đồng để mua que kem, cái bánh cho bằng chúng bạn. Với số tiền ít ỏi có được, thể nào mẹ cũng dành mua một quả thị. Bàn tay bé nhỏ nâng niu suốt cả chặng đường về…
Sau này lớn lên, quả thị… hít của ngày thơ đi vào ký ức rồi ngủ quên ở đâu đó. Mẹ đã đọc một tản văn đại ý rằng, khi khứu giác của ta tình cờ bắt gặp một mùi hương quen thuộc, nó sẽ đưa tâm tư ta về với một ký ức nào đó trong quá khứ gắn liền với mùi hương ấy, và ta gọi đó là “hương gây mùi nhớ”. Thế nhưng, với mỗi người – có mẹ, những thứ “hương gây mùi nhớ” như thế dường như chỉ còn sống trong trí nhớ. Để hôm nay, hương thơm dìu dịu thân thương đã khiến cho hình ảnh quả thị tròn tròn, vàng vàng, thơm thơm ngày xưa của mệ Nga dạo qua miền nhớ. Bao nhớ thương bỗng ào ạt ùa về, rõ nét, hiển hiện trong mẹ. Những hoài niệm về quả thị, về những năm tháng tuổi thơ, về những lần tay nâng niu quả thị, cảnh mũi bé nhỏ hít hà căng lồng ngực… mãi là miền nhớ để mẹ và bao người lớn lên từ đất quê ruộng làng dù có đi xa cỡ nào luôn cảm thấy yên bình từ trong tâm khảm…
Mẹ mải chìm trong lãng đãng suy tưởng, con ngắm ngắm nghía nghía thứ quả thơm thơm, xinh xinh vì chưa được thấy bao giờ. Quả này thơm mẹ nhỉ. Ừ, đây là quả thị “Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn” trong truyện cổ tích Tấm cám mà con đã từng đọc đấy.
Các con không biết cũng phải thôi. Các con lớn dần lên, nhìn quả thị vàng thanh tao giản dị nằm lẻ loi trên phố đủ sắc màu cây trái với ánh mắt lơ đễnh. Con chẳng bao giờ được ngắm, được hít, được ăn quả thị bằng tất cả sự mong ngóng, đợi chờ của mẹ ngày xưa nên làm sao con cảm được.
Còn mẹ, sắc thị, hương thị vô tình đến trong một ngày cao nguyên chuyển mưa. Bỗng thấy quê nhà không ở đây mà như đang ở đây, bỗng thấy những ngày thơ ấu đã lùi rất xa mà cũng như chỉ vừa mới diễn ra trong chớp mắt, trong lãng đãng hương thơm, trong vấn vít sắc màu. Con trai gật gù, quả thị thơm, đáng yêu lắm mẹ. Ừ, đáng yêu chứ sao không, bởi đây là quả ngóng, quả trông theo mẹ suốt những tháng năm thơ ấu đấy, con à.
Nguyên Phúc