30/09/2021 06:10
Sau cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn tỉnh lại hào hứng tham gia cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum” để hiểu và nhận thức sâu sắc về cuộc đấu tranh quả cảm, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tại Ngục Kon Tum trong giai đoạn chống thực dân Pháp và tay sai.
Sau khi Ban tổ chức cuộc thi phát động, các huyện đoàn, xã đoàn và đoàn viên tích cực đăng thông tin về thể lệ, thời gian thi, số lượng câu hỏi, dung lượng, nội dung... để mọi người cùng nắm bắt. Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tìm hiểu các nội dung về cuộc đấu tranh lưu huyết để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.
Với người dân tỉnh Kon Tum nói riêng, người dân trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước nói chung, cuộc đấu tranh lưu huyết của các chiến sĩ cộng sản trong lao tù để chống lại chế độ khổ sai của thực dân Pháp đối với tù chính trị đã đi vào lịch sử. Đặc biệt, di tích lịch sử Ngục Kon Tum không chỉ là dấu ấn hào hùng mà còn là một trong những nhân chứng cho những gian lao, sự hy sinh anh dũng mà nhiều chiến sĩ cách mạng đã trải qua trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bởi vậy, dù quá khứ đã lùi xa, song hình ảnh những người tù chính trị quả cảm ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước luôn sống mãi trong trái tim của người dân Kon Tum.
|
Trong các sự kiện chính trị, các buổi ngoại khóa, thông tin về cuộc đấu tranh lưu huyết luôn được tuyên truyền đến toàn thể người dân để mọi người hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử. Nhờ đó, từ nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên hay cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, bằng các hình thức khác nhau, ai nấy phần nào biết về cuộc đấu tranh lưu huyết.
Lịch sử luôn được viết lại, thế nhưng, không phải ai cũng có thể nắm rõ, cặn kẽ. Có thể, trước đây, không chủ động tìm hiểu, khi được nghe qua loa, hoặc đọc lướt thông tin, mỗi người chỉ hiểu phần nào về ý nghĩa lịch sử chứ chưa chú ý đến những chi tiết hoặc những hoạt động cụ thể trong cuộc đấu tranh. Giờ đây, khi phát động cuộc thi, người dân lại có thêm động lực để tìm hiểu. Các cuộc thi được phát động mở thêm cơ hội để mỗi người hiểu rõ hơn về lịch sử, về cội nguồn.
Để làm tốt cả phần trắc nghiệm và tự luận, mỗi người tham gia phải tự đọc thật kỹ các tư liệu, vừa để hiểu, để nhớ, để hiểu rõ giá trị lịch sử. Cứ lặp đi lặp lại, mỗi lần tìm hiểu để thi, lại thêm một lần để nhớ. Và nhiều lần như thế, những kiến thức, những mốc thời gian khắc được in đậm, in sâu, nhớ lâu.
Đọc, nhớ, hiểu ý nghĩa để từ đó cảm thấy tự hào về truyền thống, khơi dậy tình cảm yêu nước. Từ đó, có động lực và hiểu ra rằng, mỗi người phải luôn cố gắng học, làm theo những điều tốt đẹp để không phụ máu xương cha ông đã đổ xuống. Thực tế, không ít các bạn trẻ, từ nhiều cuộc thi lịch sử đã nhận thức sâu sắc hơn về sự hy sinh, sự cống hiến của cha ông và có những hành động thiết thực. Không chỉ cố gắng học tập, các bạn còn có trách nhiệm hơn trong việc góp sức giữ gìn các di tích lịch sử.
Cuộc thi không bắt buộc, nhưng tin rằng, với ý nghĩa sâu sắc sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, để hiểu hơn về lịch sử, về cội nguồn, về những con người có công với địa phương, với đất nước, với dân tộc.
Hoài Tiến