Thành phố Kon Tum cần sớm giải quyết dứt điểm việc “cấp đất trên giấy” cho dân

27/09/2016 09:28

Hàng loạt hộ dân ở xã Đăk Cấm và các vùng lân cận được thị xã Kon Tum trước kia (nay là thành phố Kon Tum) cấp đất trên giấy. Đã nộp tiền, có quyết định giao đất nhưng khi ra thực địa lô đất trên đã được cấp cho người khác, nhiều lô đất được cấp cho 3-4 bìa đỏ… là thực trạng chung trong suốt hơn 20 năm qua. Nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân xã đã được gửi đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.

Nộp tiền hơn 20 năm chưa được giao đất

Năm 1994, thị xã Kon Tum lúc bấy giờ thực hiện chủ trương mở khu dân cư tuyến 1, 2 và bán đất cho người dân ở khu vực xã Đăk Cấm cùng những người có nhu cầu. Theo đó, mỗi lô được bán với giá 300 nghìn đồng cho tuyến 1 và 500 nghìn đồng cho tuyến 2.

Sau khi giao tiền, chính quyền xã đã có biên lai nhận tiền và được thị xã trao Quyết định giao đất cho dân. Tuy nhiên, sau 22 năm các quyết định giao đất trên chỉ có trên giấy, còn thực địa thì không.

Là một trong những cá nhân tham gia mua đất, được cấp quyết định giao đất nhưng bác Nguyễn Văn Lưu ở thôn 9 xã Đăk Cấm chỉ nhận được 1 lô, trong khi nộp tiền 3 lô. 2 lô còn lại vẫn chưa có. Theo đó, tổng số tiền bác Lưu nộp là 1.050.000 nghìn đồng (150 nghìn tiền lệ phí cho 3 lô).

Theo quyết định, bác Lưu được cấp 1 lô ở thửa số 64 với diện tích 350m2. Tuy nhiên, đến năm 2001 khi làm bìa đỏ thì địa chính xã chỉ làm 1 bìa ở lô 62. Riêng 2 lô liền kề bác đã nộp tiền nhưng xã không cấp và hứa sẽ làm sau nhưng suốt 20 năm chưa thấy. Thế nhưng, một thời gian sau 2 lô liền kề đã được cấp cho người khác và đã xây dựng nhà ở kiên cố. Kiến nghị nhiều lần đòi đất nhưng tới nay bác Lưu vẫn chưa nhận được câu trả lời nào thoả đáng.

“Giờ tôi già, con cái lớn đã lập gia đình, tôi chỉ muốn nhận 2 lô còn lại để lo cho con cái. Giờ 2 lô liền kề đã cấp cho người khác thì tôi mong chính quyền sớm cấp 2 lô khác cho tôi để lo cho các con. Cả nhà đã đợi quá lâu rồi”  - bác Lưu cho biết.

Tại thôn 1, gia đình bác Bùi Duy Phượng là gia đình chính sách, mẹ vợ là Mẹ Việt Nam anh hùng, anh và em là liệt sĩ, được chính quyền cấp 1 lô đất (Quyết định số 7851/QĐUB ngày 12/12/1994) tại thửa số 131, tổng diện tích là 350m2. Quyết định có thể hiện 4 tứ cận của lô đất kèm sơ đồ vị trí đất. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua gia đình chẳng nhận được lô đất nào, ngoài giấy quyết định cấp đất.

Ngoài ra, gia đình bác Phượng có nhận chuyển nhượng 1 lô đất khác của ông Tống Văn Nhương. Theo đó ông Tống Văn Nhương đã bán thửa đất số 391 có chiều dài 50m, chiều ngang 6m và có quyết định giao đất của thị xã cho bác Phượng.

Đến nay cả 2 lô đất này chỉ có trên giấy, còn thực tế thì không.

Theo bác Huỳnh Thị Nga (vợ bác Phượng) cho biết: 2 lô đất trên một cái người ta đã làm nhà, cái còn lại tranh chấp vì đây là đất do người khác khai hoang. Tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng suốt 2 nhiệm kỳ qua HĐND xã cũng chỉ hứa sẽ cấp nhưng đến nay chưa thấy.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thì còn nhiều lô đất được cấp nhầm cho 2-3 bìa đỏ. Có hộ của bác Hồ Thị Sen, thôn 9, xã Đăk Cấm thì đất được cấp trùng vào đất của nhà chùa đang sử dụng. Bên cạnh đó, đất cấp trên vùng tranh chấp có rất nhiều.

Cả trăm hộ chờ đợi

Bức xúc trước thực trạng trên, 17 hộ dân trong xã đã làm đơn khiếu kiện lên các cấp. Theo đó, người dân đã chỉ ra nhiều sai lầm trong việc cấp đất tại xã khi 1 lô đất có nhiều quyết định cấp, mua 3 lô được 1 lô hay dân đã sang nhượng đất (sang nhượng quyết định giao đất) nhưng đất chỉ có trên giấy.

Giấy tờ đất của ông Phương. Ảnh: C.N

 

Trước sự việc trên, UBND xã Đăk Cấm đã rà soát danh sách được cấp đất ở các tuyến 1, tuyến 2 vào năm 1994. Theo đó, có tới 94 hộ ở Đăk Cấm và các vùng lân cận bị liên đới, ảnh hưởng gồm: 52 hộ có quyết định giao đất nhưng chưa có đất tại thực địa, còn lại đã nộp tiền mua đất nhưng không có quyết định giao. Ngoài ra, có 5 hộ dân khai hoang đất nơi đây, khi xã vận động hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, dân hiến nhưng không thực hiện…

UBND xã Đăk Cấm cũng đã có nhiều báo cáo về vụ việc trên, riêng năm 2016 xã đã có ít nhất 2 báo cáo.

Cụ thể, ngày 22/4 báo cáo về việc xử lý tồn tại trong công tác giao đất tuyến 1, 2. Ngày 26/8 xã tiếp tục có báo cáo số 87 về vụ việc trên.

Trước bức xúc của dân, bà Võ Thị Lý - Chủ tịch UBND xã Đăk Cấm cho biết: Để giải quyết kiến nghị của dân, chính quyền đã báo cáo vụ việc lên UBND thành phố. Theo đó xã đã giới thiệu vị trí đất do xã quản lý để giải quyết tồn đọng trên và các hộ nghèo không có đất ở.

Theo khảo sát, hiện xã Đăk Cấm còn 45 lô đất công do chính quyền quản lý. Theo tính toán số diện tích trên sẽ bồi thường cho những hộ đã nộp tiền, có quyết định giao đất. Hiện Đăk Cấm đang xin cơ chế giải quyết theo hướng ưu tiên cho hộ nghèo không có đất đã nộp tiền rồi.

“Ưu tiên những hộ đã nộp tiền nhưng không thuộc diện nghèo thì xin chủ trương cấp đất. Nếu quỹ đất còn dư thì sẽ trả cho người có hộ khẩu ngoài Đăk Cấm” - bà Lý khẳng định.

Hiện tại,  tất cả hồ sơ, thủ tục xã đã nộp về thành phố và giờ chờ chủ trương. Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Lý nếu đấu giá thì người dân không đủ tiền, nếu trả lại tiền kèm lãi nhà nước thì dân không thống nhất.

Trước sự việc trên, UBND thành phố Kon Tum đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố chủ trì, phối hợp với UBND xã Đăk Cấm trích đo địa chính các vị trí đất, dự thảo phương án phân lô các vị trí đất theo đề xuất của UBND xã Đăk Cấm; cập nhật các vị trí đất trên vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của thành phố và có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt.

Ngoài ra, thành phố Kon Tum cũng giao UBND xã Đăk Cấm xây dựng phương án xét duyệt giao đất hoặc bốc thăm, trong đó tập trung giải quyết đất ở cho các hộ có hộ khẩu tại xã Đăk Cấm hiện không có đất ở, sau đó nếu còn quỹ đất sẽ xem xét giải quyết các trường hợp còn lại

Theo ông Phan Văn Thế - Chủ tịch UBND thành phố việc cấp đất thu tiền ở cấp xã thuộc quyền của địa phương. Tuy nhiên, để giải quyết những tồn tại trên, UBND thành phố đã có chủ trương và thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Thường trực Thành uỷ đang giao UBND xã Đăk Cấm rà soát lại toàn bộ quỹ đất trên địa bàn xã và đặc biệt là quỹ đất ở tuyến 1, tuyến 2 và xây dựng phương án để giao cho các hộ.

Theo đó, những trường hợp được giao đất (ở thời điểm đó) nhưng hiện chưa có đất hoặc nhà ở thì phải xây dựng phương án để giao, bố trí các hộ đó một lô đất để được ổn định. Trường hợp thứ 2, nếu các hộ đã có nhà ở ổn định hoặc chuyển đi nơi khác mà không còn ở trên địa bàn thì tiếp tục giao cho UBND xã Đăk Cấm rà soát lại các khoản ngân sách và cũng có thể thoái thu lại theo quy định.

Cao Nguyên

Chuyên mục khác