Thành phố Kon Tum: Cả thập kỷ sống chung với quy hoạch “treo”

16/09/2016 13:55

Đã 10 năm qua, người dân ở tổ dân phố 10, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) sống trên mảnh đất được quy hoạch chi tiết “treo”. Tuy nhiên, điều đáng buồn là gần 200 hộ dân nơi đây không hề hay biết các quy hoạch chi tiết này như thế nào nên luôn sống trong phập phồng, âu lo... Nhiều kiến nghị đã được người dân phản ánh qua các buổi tiếp xúc cử tri cấp thành phố, tỉnh nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Hiểm nguy rình rập

Những năm 1980, tổ dân phố 10, phường Duy Tân ngày nay là khu vực lò gạch thủ công. Đến năm 2007, sau khi được chính quyền quy hoạch, toàn bộ khu vực với 380 hộ dân đã di dời lên vùng đất mới để định cư tiếp tục sống chung với nghề gạch tại xã Hòa Bình và phường Ngô Mây (cây số 8). Số còn lại gần 200 hộ vẫn ở trên mảnh đất cũ và đã được chính quyền thành phố quy hoạch là khu dân cư.

Tuy nhiên, sau 10 năm chờ đợi, khu dân cư trên vẫn cứ “treo” quy hoạch. Chờ triển khai quy hoạch, nhà cửa của dân xuống cấp, trong khi cả khu vực chủ yếu nhà tạm bợ, đã xây dựng lâu. Thống kê của Phòng Quản lý đô thị thành phố thì khu vực tổ 10 hiện có tới 65 căn nhà xuống cấp, trong đó có 11 căn có nguy cơ sập vì bị ảnh hưởng, vướng mắc quy hoạch “treo”.

Theo ông Nguyễn Thế Trọng - Bí thư Chi bộ 10 và Nguyễn Văn Lích - Tổ trưởng tổ dân phố 10 khẳng định, một số hộ tiến hành sửa chữa, xây nhà thì chính quyền phường không cho vì đất quy hoạch.

Không được sửa, một số hộ có nhà đã xuống cấp trầm trọng phải đi ở nhờ hoặc chuyển đi nơi khác (hiện chỉ còn 140 hộ/191 hộ còn trú thường xuyên).  Căn nhà cấp 4 của ông tổ trưởng tổ dân phố 10 Nguyễn Văn Lích xây dựng từ cuối những năm 1980, hiện đã quá xuống cấp: trần sập, tường nứt toác, mái và cột bị hư hỏng nhiều. Để đảm bảo an toàn, ông Lích phải đến ở nhà người con trai cách nhà ông 20m.

Cũng bị xuống cấp như nhà của ông Lích, căn nhà của ông Nguyễn Dũng như “ma trận” với hàng loạt tường cột, kèo chi chít chống sập nhà. Để chống mái sắp sập, ông Dũng dựng cột chống đỡ. “Nhà tôi thuộc khu quy hoạch nên dù có muốn sửa lại để ở tạm cũng không được. Tôi chỉ mong chính quyền sớm quy hoạch để dân sửa nhà. Có an cư mới lạc nghiệp được” - ông Dũng tâm sự.

Nhà bị gió lốc cuốn, chị Châu Thị Phúc phải dựng tạm túp lều bằng tôn. Ảnh: Cao Nguyên

 

Trận gió lốc trong tháng 4 vừa qua đã cuốn bay nhà của chị Châu Thị Phúc, một hộ nghèo trong tổ dân phố 10. Theo chị Phúc kể thì khi đến kiểm tra thực tế, thấy hoàn cảnh khó khăn của chị Phúc, lãnh đạo phường Duy Tân đã ghi nhận trường hợp nhà chị Phúc xứng đáng được hưởng nhà tình thương. Tuy nhiên vì đất quy hoạch nên không thể xây nhà tình thương cho chị Phúc nên gia đình được hỗ trợ 3 triệu dựng túp lều bằng tôn cho chị ở qua ngày cạnh nhà con trai. Chị Châu Thị Phúc tâm sự: Tôi chỉ mong muốn nhà nước nếu có quy hoạch thì làm sớm để cho người dân có chỗ ở.

Còn nhiều vướng mắc

Trước thắc mắc của dân, ông Nguyễn Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum khẳng định, thành phố không cấm dân sửa chữa, nâng cấp nhà.

“Đối với tổ dân phố 10, phường Duy Tân, thành phố đã quy hoạch chi tiết đến từng khu đất. Tuy nhiên, thành phố chưa nhận được đề xuất nào điều chỉnh quy hoạch ở khu vực đó của chính quyền địa phương (phường Duy Tân - PV) ông Ninh khẳng định.

Sau nhiều năm sống trong hiểm nguy, đến cuối năm 2015, UBND thành phố mới chỉ đạo các xã, phường rà soát lại toàn bộ các nhà ở đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý và sử dụng. Theo đó, thành phố đề nghị, yêu cầu, vận động người dân phải cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn.

Riêng việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, UBND thành phố đã có chỉ đạo UBND các xã, phường hướng dẫn người dân đến Phòng Quản lý đô thị để được chỉ dẫn cải tạo, sửa chữa theo đúng quy định. Tuy nhiên, những chỉ đạo muộn trên của thành phố vẫn chưa đến được người dân ở tổ dân phố 10 nên mọi người vẫn không dám sửa nhà.

Ngoài việc hiểm nguy rình rập, người dân sống ở tổ 10 nơi đây có rất nhiều hộ không được cấp quyền sử dụng đất, dù gia đình định cư trước khi có quy hoạch. Việc không có giấy chứng nhận đã cản trở người dân trong việc an cư, lập nghiệp cũng như khó khăn trong cuộc sống, sản xuất khi muốn vay vốn để sản xuất, làm ăn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Ninh giải thích: Các trường hợp không được cấp quyền sử dụng đất là do chưa phù hợp với quy hoạch nên cơ quan chức năng chưa cấp giấy quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, giải thích trên không thuyết phục vì theo lý giải của Phòng Quản lý đô thị thành phố tại báo cáo số 549, ngày 1/9 vì “Tiến độ quy hoạch chậm, chưa thực hiện đồng bộ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân cũng như xin hợp thức hoá cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, còn nhiều vướng mắc và bất cập về chuyển đổi mục đích sử dụng, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

“Việc quy hoạch nhiều năm không thực hiện, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống sinh hoạt của người dân tổ dân phố 10 mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đường giao thông cũng không được đầu tư để xã hội hoá các tuyến đường đất cũng bị vướng vì quy hoạch” - Phòng Quản lý đô thị thừa nhận tại báo cáo 549.

Được biết, khu dân cư tổ 10, phường Duy Tân được quy hoạch chi tiết  gần 100ha, trong đó thành phố chỉ mới triển khai được 9,8ha. Tại đây, thành phố đã giao nhà đầu tư triển khai phân lô theo đồ án quy hoạch khu đô thị phía tây bắc Duy Tân. Số còn lại chiếm 9/10 tổng diện tích tất cả vẫn bỏ hoang, chưa triển khai khiến người dân phải sống trong âu lo, chờ đợi từng ngày.

Cao Nguyên

Chuyên mục khác