Tháng Tư, nhắc nhớ những ngày

30/04/2022 06:04

Với gia đình tôi, ngày 30/4/1975 là ngày của mất mát, nhưng cũng là ngày được sống, đoàn tụ và được yêu thương- Hùng xoay xoay ly nước trên tay, xúc động nói.

Tôi lặng lẽ ngồi bên cạnh, dùng sự im lặng của mình để bày tỏ sự chia sẻ cảm xúc và sẵn sàng lắng nghe. Chơi với nhau đã lâu, tôi hiểu rằng ngày 30/4 luôn gợi lên trong anh nhiều cảm xúc.

Mấy hôm nay ông cụ mệt, nhưng cứ đòi đưa đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ. Hay lúc nào cậu đến “vận động” giùm tôi chút- anh nói.

Nhắc đến bố Hùng, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh người lính già đứng trong Nghĩa trang liệt sĩ đọc bài thơ Đồng chí, một bên cánh tay áo phất phơ bay trong gió.

Ngày 30/4/1975, Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

 

Ngày 30/4/1975, ông có mặt trong đoàn quân giải phóng lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn dưới ánh nắng phương Nam chói chang. Trước khi vào chiến trường, ông được tranh thủ về nhà 3 ngày. “Có thể anh sẽ hy sinh. Nhưng vì toàn thắng anh sẵn sàng” - ông nói với vợ lúc chia tay.

Thỉnh thoảng, chúng tôi đến nhà Hùng chơi. Tôi thích ngắm ông cụ mỗi khi kể lại chuyện chiến đấu cho đám cháu nội ngoại lớn có nhỏ có nghe. Những mái tóc xanh chụm sát mái tóc bạc. Đứa nhỏ nhất kéo kéo cái ống tay áo đang đung đưa của ông. 

“Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị ông được giao nhiệm vụ tham gia đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y và Tổng nha cảnh sát ngụy...”- ông bắt đầu bằng một sự nghiêm túc, dù là kể cho những khán giả nhí, còn mải chí chóe giành nhau ngồi sát ông.

Cứ thế, đám trẻ như thấy ông mình cùng đồng đội tiến công thần tốc, tiêu diệt, bức rút, bức hàng toàn bộ hệ thống đồn bốt trên trục tiến công. Rồi từ những cánh rừng bầm dập vì đạn pháo bắt đầu cơ động tiến đánh 2 mục tiêu là cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y vào 5 giờ sáng ngày 30/4.

Địch chống trả với hỏa lực mạnh. Chúng dùng đại liên, pháo 12 li 7 đặt trên các nóc nhà bắn như mưa vào đội hình ta. Sau hơn 4 tiếng chiến đấu, đến 9 giờ 30 phút, quân ta làm chủ trận địa.

10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, các mũi tiến công của đơn vị ông bắt đầu tiến vào  đánh chiếm Tổng nha cảnh sát ngụy. Những phản kháng lẻ tẻ nhanh chóng bị dập tắt. Đến 11 giờ, ta làm chủ toàn bộ tình hình khu vực, bảo vệ tuyệt đối an toàn nơi lưu trữ nhiều tài liệu mật của địch.

Những khán giả nhí vỗ tay, reo hò váng nhà.

Nhưng ngay trước giờ chiến thắng, một mảnh đạn pháo đã cắt đứt tay trái của ông.

Có những chuyện ông chỉ kể với chúng tôi, thường là sau bữa cơm thân mật mừng Ngày Chiến thắng, được ông duy trì từ ngày vào Kon Tum ở với Hùng. Đó là cảm xúc không thể nào quên khi đặt những bước chân đầu tiên lên mặt đường trải nhựa nóng hầm hập của đô thị.

Mới vừa đêm hôm qua thôi, mọi người còn lầm lụi chặt cây, đào hầm ém quân trong rừng, ngụy trang kín ba lô súng đạn chờ lệnh tiến công, mà bây giờ đang đường hoàng, thần tốc tiến quân vào trung tâm đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn. 

Với những người lính từng trải qua những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh, cảm xúc ấy thật dễ hiểu. Bởi vì đã bao nhiêu đêm rồi, bác cùng đồng đội sống giữa rừng tràm, rừng đước, giữa những bờ cây bình bát, trâm bầu, chất chứa khát vọng tiến về giải phóng Sài Gòn- ông rủ rỉ.

Trong hành trang đơn sơ của ông khi vào Tây Nguyên sinh sống với anh em Hùng, có một cuốn nhật ký bị cháy một góc và lỗ chỗ vết đạn mà ông quý hơn vàng. Tôi chỉ biết đến nó trong một lần được mời đến dự bữa cơm thân mật mừng Ngày Chiến thắng.

“Trước đêm tiến vào Sài Gòn, một đồng chí trinh sát đạp phải mìn bị thương vào bàn chân phải ở lại; hai đồng chí hy sinh. Trận đánh cuối cùng kết thúc, chúng tôi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn, ngay trước giờ phút hòa bình. Với chúng tôi, chiến tranh đã kết thúc trong một khoảng lặng như vậy”- nhật ký có đoạn.

Có lần, tôi đã khóc khi được đọc những dòng chữ, lúc cẩn thận, rõ ràng, khi vội vàng, nguệch ngoạc ấy.

Cuộc sống đôi khi có sự trùng hợp đến kỳ lạ. 47 năm trước, ngày 30/4/1975, khi Hùng chào đời được vài tiếng đồng hồ thì cả làng, xã náo nức tin vui giải phóng Sài Gòn.

Một năm sau giải phóng miền Nam, ngày 30/4/1976, bố anh mới trở về, với  một cánh tay áo bay phất phơ trong gió và tấm thẻ thương binh.

Cả làng đến chúc mừng. Có nhiều người ôm lấy ông, nước mắt cứ chảy dài, rồi về nhà sắp mâm cơm lên bàn thờ, mừng Ngày Chiến thắng và thầm lặng khóc chồng, con, em không trở về.

4 năm sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 30/4/1979, gia đình mới nhận được giấy báo tử của chú ruột. Chú hy sinh đúng ngày 30/4/1975, trước cửa ngõ Sài Gòn. Nhà có 5 anh em, 2 trai 3 gái, anh đi bộ đội được 2 năm thì em cũng xung phong nhập ngũ.

Ngày anh về phép, biết em cũng đi bộ đội, đã tìm mọi cách để liên lạc với em nhưng không được. Có biết đâu, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả 2 anh em đều trong đội hình Quân đoàn 3 tiến về giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây Bắc.

Suốt 4 năm, mỗi bữa cơm, bà nội Hùng vẫn ngóng ra cổng, đôi mắt đục lờ ứa lệ. Chiều chiều, bà ngồi trước sân, nhìn về dãy núi xanh rì xa tít chân trời, như kỳ vọng, như chờ đợi một điều gì đó.

Ngày nhận được giấy báo tử. Không như sự lo lắng của con cháu, bà nội chỉ bật kêu “con ơi” một tiếng, rồi lặng lẽ thắp nhang trước di ảnh. 

Nhiều năm qua, trong bữa cơm Ngày Chiến thắng nhà Hùng, có sự náo nức mừng vui, cũng có sự ngậm ngùi vì một phần cơ thể của bố gửi lại chiến trường; có ánh nến mừng sinh nhật, biểu tượng của sự hồi sinh, cũng có  những giọt nước mắt khóc thương người chú đã khuất ở tuổi đôi mươi.

Và vì vậy mới hiểu, vì sao với nhiều gia đình, trong đó có gia đình Hùng, ngày 30/4 là ngày của mất mát, nhưng cũng là ngày được sống, đoàn tụ và được yêu thương.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác