Tháng Sáu về, xin gửi chút niềm riêng

20/06/2021 06:07

Gần 20 năm gắn bó với nghề, vui, buồn của những ngày đầu vẫn vẹn nguyên, tươi mới như hôm qua. Nên cứ mỗi dịp tháng Sáu về, với tôi, ký ức chuyện nghề từng năm, từng năm quay chậm lại, hiện lên rõ nét.

Tôi quyết định chọn nghề báo khá sớm và có thể nói là mới mẻ so với nhận thức của một học sinh lớp 9 ở nông thôn, thỉnh thoảng mới nghe đài, xem ti vi và hiếm khi được cầm một tờ báo. Chả là năm đó, chị gái kế tôi đạt giải nhì học sinh giỏi môn Văn toàn quốc. Khi ấy, đã rất lâu, tính từ ngày tỉnh Quảng Bình tái lập mới có một học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia cao như vậy. Thôi thì, không phải kể cũng hiểu được niềm vui không chỉ của riêng gia đình tôi, mà còn của thầy cô, nhà trường, của ngành Giáo dục tỉnh nhà thời điểm ấy. Ghi nhận sự nỗ lực của một học sinh trường huyện vượt khó học giỏi, Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã đến trao đổi, trò chuyện, quay phim, chụp ảnh… Và tất cả những lần các cô, các chú phóng viên đến làm việc, tôi đều có mặt.

Cảm giác được tận mắt chứng kiến phóng viên tác nghiệp trước hết phải nói là thích. Với một cô bé 15 tuổi cũng khó mà giải thích được vì sao mình thích. Chỉ đơn giản thấy rằng, kiểu trò chuyện của các cô, chú phóng viên với gia đình tôi rất cởi mở, khơi gợi, vui vui. Chỉ đơn giản nghĩ rằng, làm nghề báo được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và đặc biệt là những người có những thành tích trong công tác, học tập, cuộc sống sẽ tạo thêm nguồn năng lượng sống tích cực cho mình học hỏi, làm theo… Vậy là, từ chỗ ngày ngày mỗi khi rảnh lại đứng trước chiếc bảng để luyện viết đề mục các tác phẩm, tác giả trong chương trình sách giáo khoa môn Văn, tôi lại chuyển sang xem, nghe chương trình thời sự trên ti vi, đài… Ngày thi đại học tôi chọn ngành Ngữ văn - Báo chí và luôn nghĩ sau này khi học xong đại học sẽ đi theo nghề báo…

Gần 20 năm gắn bó với nghề, vui, buồn của những ngày đầu vẫn vẹn nguyên, tươi mới như hôm qua. Ảnh: N.P

 

Và giống như cơ duyên, tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào công tác tại Báo Kon Tum, đúng với ao ước của tôi từ nhỏ. Nhưng, “đời không như là mơ”. Câu nói cửa miệng vốn dĩ mọi người vẫn hay đùa vui với nhau lại trở nên đúng vô cùng với một nữ sinh viên báo chí vừa bước từ giảng đường ra đời thực.

Sinh ra, lớn lên ở vùng đồng bằng – nơi địa hình bằng phẳng, đường sá đi lại thuận tiện và ước mơ làm báo của tôi kéo theo đó cũng vô cùng đơn giản, thuận tiện, nói cách khác là tràn ngập một màu hồng rực rỡ. Nhưng, trải qua thời gian công tác, trải nghiệm thực tế mới nhận ra, những khác biệt về phong tục tập quán, khó khăn về đường sá, điều kiện sống, những hạn chế về hiểu biết… đã khiến cho con đường đến với nghề báo không đơn giản như tôi vẫn tưởng.

Còn nhớ thời điểm năm 2001, 2002, lúc tôi được nhận vào công tác tại Báo Kon Tum, đường sá về các xã vùng sâu muôn vàn gian khó. Ngay tuyến Quốc lộ 24 về xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Plông (cũ), sát với thành phố Kon Tum cũng nhão nhoét, bùn lầy vào mùa mưa, bụi mù vào mùa nắng. Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi cảm giác khép nép, chực chờ ngã lăn xuống con đường nhão bùn đất khi ngồi sau lưng một đồng nghiệp nam đi công tác.

Không chỉ vậy, những cuộc hẹn làm việc ở cơ sở cũng vô cùng khó khăn. Bà con trên địa bàn tỉnh phần lớn đi làm rẫy xa nhà, dài ngày. Muốn gặp gỡ bà con, chỉ một chuyến đi không đủ. Ngày đó, điện thoại di động là chuyện hiếm, bản thân phóng viên cũng chẳng có, tất cả đều phải nhờ qua điện thoại bàn của các xã. Nhưng đâu phải hẹn là được. Lắm khi cán bộ cơ sở đã hẹn ngày giờ cụ thể nhưng khi chúng tôi đến nơi bà con hoặc mải việc hoặc quên nên lại đi vào rẫy, vậy là phải tiếp tục hẹn cho lần sau.

Mà những lần đi về theo những cuộc hẹn không thành ấy, ngày nắng ráo còn đỡ, ngày mưa thì… chao ôi là buồn. Ngày tôi được nhận vào Báo Kon Tum, anh trai đang công tác ở một cơ quan trên địa bàn tỉnh biết được những cơn mưa triền miên của cao nguyên đã sắm cho em gái một bộ áo quần đi mưa loại tốt với số tiền gần bằng một tháng lương của tôi ngày ấy. Nhưng, với những cơn mưa dầm dề, với quãng đường chạy xe máy xa, về tận các thôn, làng vùng sâu, bộ quần áo mưa đó cũng chẳng che chắn nổi. Để không bị ướt sũng, tôi đành phải mặc thêm một lớp áo mưa ngoài. Nhớ lại những ngày mưa đi công tác ở các huyện, các xã, dừng xe ở ngoài, cởi hai, ba lớp áo mưa, lúc nào cũng nghiêng mặt soi vào kính chiếu hậu của xe máy, vuốt vuốt mái tóc cho bớt ướt nhẹp, lau lại khuôn mặt cho khô mà thương.

Nào đâu chỉ chuyện đường sá, điều kiện tác nghiệp…, mà tôi – một phóng viên mới ra trường và cả những đồng nghiệp của tôi ngày ấy còn đối mặt những khó khăn về điều kiện sống: lương thấp, nhuận bút thấp… Đảm bảo mức sống tối thiểu đã khó, nói gì đến những ước mơ xa xỉ như máy tính, xe máy và thậm chí cả chiếc máy ảnh, vốn được xem là vật bất ly thân với phóng viên báo viết...  Nên mới có chuyện cả phòng 7, 8 phóng viên phải chia giờ để được gõ tin, bài trên máy vi tính, chuyện có phóng viên vì quá khó khăn mãi chẳng mua nổi chiếc xe máy, đành phải nhờ xe phóng viên khác đi công tác, chuyện đăng ký mượn máy ảnh của cơ quan để tác nghiệp… lắm khi cứ như “cổ tích”.

Nhưng, đúng như ai đó đã nói, hoàn cảnh tạo nên tính cách, nghịch cảnh sinh ra nội lực. Chẳng nề hà gian khó, chúng tôi cứ thế mà đi - viết - lắng nghe - đồng cảm và chia sẻ, cuốn sổ tay ghi chép của tôi cũng từ đó chi chít những nét chữ viết vội. Chính những chuyến đi về các thôn, làng vùng sâu trên chiếc xe máy cọc cạch trong những cơn mưa dầm dề tháng Sáu đã cho tôi trải nghiệm với vùng đất cao nguyên còn nhiều gian khó nhưng rất nghĩa tình, nuôi dưỡng tôi lớn lên theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính những gian khó trong những tháng ngày mà lương, nhuận bút không đủ chi tiêu trong tháng để hiểu hơn những thắm đượm tình người. Chính những con chữ trong những bài báo viết dở phải chập chờn cùng giấc ngủ đêm khuya của các con và cả những lần đành ngậm ngùi cho con ngồi lên đùi, một tay ôm con, một tay gõ bàn phím vì bài đến hạn sáng sớm mai phải nộp, đã giúp tôi trải lòng tâm tình hơn với nghề. Chính những lần gặp gỡ những con người chân chất, lạc quan, không hoa mĩ nhiều về mình đã giúp tôi sống một cuộc đời phong phú, hiểu hơn sức mạnh tiềm tàng, khát vọng vươn lên mãnh liệt của mỗi con người, rồi tự nhắc nhủ với lòng mình, hãy học nghị lực và niềm tin vào cuộc sống của chính những con người bình dị ấy…

Gần 20 năm gắn bó với nghề, vui, buồn của những ngày đầu vẫn vẹn nguyên, tươi mới như hôm qua. Nên cứ mỗi dịp tháng Sáu về, với tôi, ký ức chuyện nghề từng năm, từng năm quay chậm lại, hiện lên rõ nét. Nhớ lại những ngày hôm qua để thấy cuộc sống ngày càng phát triển, những khó khăn của mấy chục năm trước sẽ giảm bớt đi nhưng lại xuất hiện những khó khăn mới: áp lực thông tin, áp lực trước sự phát triển của mạng xã hội, lằn ranh đạo đức nghề nghiệp… để cho tôi và các đồng nghiệp nhắc nhủ nhau cùng tiếp tục nỗ lực với nghề đã chọn. Nỗi niềm ấy, tâm tư ấy âu cũng là điều dễ hiểu.

Tháng Sáu về, tôi xin gửi chút niềm riêng là vậy!

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác