11/01/2025 13:20
Đó là mẹ than thở vậy thôi, chứ với con trẻ như chị em chúng mình ngày ấy tháng Chạp luôn là những tháng ngày mong ngóng nhất trong năm. Cảm giác có cái gì đó vừa thiêng liêng, vừa trông ngóng nên ngày của tháng Chạp bỗng chốc dài ơi là dài, lâu ơi là lâu.
Mà ngày đã dài, thời gian trôi lại càng lâu thì biết đến bao giờ Tết mới về. Vậy là em càng nôn nóng ngóng trông, càng ấp ủ bao ước mong hy vọng. Em ngóng được mẹ may cho bộ quần áo mới, nền vải trắng có những bông hoa màu tím nho li ti như nhỏ bạn cùng lớp. Ngóng mẹ đi chợ tết về với những bánh trái, thịt thà treo lúc lỉu trước ghi đông xe đạp. Ngóng mùi thơm của nồi bánh tét, của mẻ mứt gừng luôn khiến cánh mũi em phập phồng hít hà, khiến đôi chân em líu ríu chạy nhanh xuống bếp.
Nhưng, mặc cho người lớn có thở than, mặc cho đám con trẻ có ngóng trông, tháng Chạp vẫn cứ thong thả, từng ngày, từng ngày một bước qua những con đường nhỏ về đầu mỗi xóm, về đầu cổng mỗi nhà. Cha tranh thủ mấy ngày nắng, lột vỏ mấy chiếc chăn bông có hình con công đỏ đỏ cho chị em mình mang ra giếng làng giặt giũ, rồi quét tước mạng nhện mái nhà, cắt tỉa lá hàng chè tàu cho thẳng tăm tắp. Mẹ thì tất tả với đủ việc, việc to, việc nhỏ ở đẩu ở đâu cứ rùng rùng kéo đến không cắt nghĩa nổi. Xong việc trường, mẹ hết ra vườn cắt mươi bó rau lang đem ra chợ bán, lại nấp nom xem buồng chuối nơi góc vườn để dành có kịp tết.
|
Thỉnh thoảng, mẹ cùng các bà, các mẹ trong xóm túm tụm bên góc đường, hỏi nhau Tết này gói bao nhiêu cái bánh tét, nhà đã làm mứt gừng chưa, để dành được bao nhiêu con gà ăn Tết. Rồi bỗng chốc ai đó thốt lên, tháng Chạp về, ngày như ngắn lại, mà đêm chộn rộn những lo toan nên cũng chẳng rộng dài khiến ai nấy như chép miệng thở than.
Nào đâu là chuyện của các mẹ, các bà, em cũng thấy tháng Chạp đến nhanh, mang theo không khí rộn ràng, ngóng chờ từ nhà ra ngõ. Con trẻ thì ngóng chờ, hồn nhiên đếm ngược từng ngày tháng Chạp chờ đến tết. Người lớn thì rộn ràng chạy đua với thời gian, với công việc, với muôn nỗi lo cơm áo gạo tiền như bao tháng ngày nay lại kèm thêm nỗi lo ngày Tết.
Câu chuyện những ngày tháng Chạp, những lo toan của người lớn, những hồn nhiên của con trẻ đưa Tết thong thả chạm dần vào cửa. Ngoài sân, mai đơm nụ, trong nhà, bếp lửa đã rực hồng, cả nhà rộn ràng bàn chuyện Tết. Kiểu cái xôn xao, rộn ràng của những ngày tháng Chạp nhen lên nét lấp lánh, háo hức trong đôi mắt trẻ thơ, mang đến cho người lớn những lo toan xen lẫn những niềm vui nho nhỏ âm thầm hiển hiện.
Đi qua bao nhiêu tháng Chạp, đi qua bao nhiêu ngóng trông, chị em mình cũng men theo đó mà lớn lên, mà trưởng thành. Giờ đây, em đã là mẹ hai con. Nhịp sống hiện đại gấp gáp, mọi thứ với em bỗng trở nên đơn giản. Em chẳng còn ngóng trông tháng Chạp về được mẹ may cho bộ quần áo mới, ngóng mẹ đi chợ tết về với những lúc lỉu bánh trái, thịt thà, ngóng mùi thơm của nồi bánh tét, của mẻ mứt gừng, của dĩa miến xào như năm nảo, năm nao. Ấy thế mà sáng nay, lắng nghe những âm thanh hối hả của phố phường những ngày tháng Chạp, em lại thấy lòng mình như đang Tết. Có nỗi ngóng chờ của con trẻ, có cả muôn nỗi bận rộn, lo toan mỗi khi tháng Chạp về như mẹ, như cha.
Cuộc sống vẫn cứ chảy trôi mà những ngày tháng Chạp mỏng như cái chớp mắt vẫn cứ trôi qua, chẳng chờ, chẳng đợi. Em biết, chẳng mấy chốc nữa, chị em mình từ muôn nẻo xa lại xúm xít, rộn ràng những ngày sum họp. Để không chỉ nhớ đến mùi thơm thơm của nồi bánh tét, của mẻ mứt gừng mà còn được bồi hồi quay về nơi góc nhỏ mến thương ngày càng thưa vắng. Để nhớ những ngày em lẽo đẽo theo chị ra giếng làng giặt giũ chăn màn cho sạch sẽ thơm tho, hăm hở cùng chị ngồi bên bên bếp lửa, tay hết đảo mẻ mứt gừng rim, lại đút thêm thanh củi cời sáng ngọn lửa cho nồi bánh tét.
Chỉ vậy thôi mà em bỗng chốc như năm nảo, năm nào, lại ngóng trông những ngày tháng Chạp về!
NGUYÊN PHÚC