14/03/2019 13:09
Ca dao xưa có câu “Bao giờ cho đến tháng ba. Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Bởi khi hoa nở thì mọi người có thể yên tâm cất chiếc chăn dày cộp vẫn hay dùng vào mùa đông để đón một mùa hè nóng ấm.
Đối với người dân Kon Tum, tháng 3 cũng là bắt đầu mùa hoa gạo nở mà theo tên gọi của đồng bào DTTS tại chỗ là hoa pơlang. Trước đây, ở các vùng đồng bào DTTS, cây pơlang mọc khắp nơi từ bìa làng ra đến bãi sông, rồi kéo dài đến tận ruộng, rẫy của người dân. Nhưng rồi, cùng với nhịp sống ngày càng phát triển, cây pơlang cũng thưa dần. Dù giờ không còn nhiều, song mỗi độ tháng 3 về, những cây pơlang ven làng vẫn rực lửa, đỏ thắm nổi bật trên nền trời xanh đủ để níu chân lữ khách với những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến...
Người dân Kon Tum đã quá quen với câu chuyện truyền thuyết về tình yêu nồng thắm, mãnh liệt của một đôi trai gái xưa gắn liền với loài hoa pơlang, vì thế họ coi đây là loài hoa biểu trưng cho tình yêu nồng cháy của trai gái trong làng.
Hoa pơlang còn biểu trưng cho sự thịnh vượng, sung túc của từng làng. Người ta tin năm nào hoa nở nhiều và càng thắm màu thì đó là tín hiệu dự báo cho những vụ mùa bội thu, thóc đầy nhà kho, heo gà đầy chuồng... Thế nên, tháng 3 về cũng là lúc dân làng bắt tay vào việc phát rẫy, làm nương cùng với những hy vọng về một vụ mùa ấm no.
Nhắc đến tháng 3 có lẽ không thể không nhắc đến mưa. Mưa tháng 3 thường là những trận mưa dông bất chợt đến rồi đi nhanh như thoảng. Những cơn mưa ngắn chẳng thể giúp bổ sung nguồn nước cho các sông, suối, hồ đập; nhưng lại làm dịu mát bầu không khí khô nóng giữa mùa khô cũng như làm dịu mát tâm hồn ta giữa hanh hao nắng cháy. Sau cơn mưa cầu vồng xuất hiện càng làm cho những ngày tháng 3 thêm đẹp, thêm đặc biệt hơn.
Tháng 3 về với cả thế giới không thể không nhắc tới một ngày đáng tự hào – Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). Đó là ngày để tôn vinh những người phụ nữ, ngày để những người thân yêu thể hiện tình yêu, lòng biết ơn dành cho người bà, người vợ, người chị, người yêu, người bạn... Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng quan tâm hay để ý đến ngày ấy.
Tôi lại nhớ mẹ. Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ thôn quê khác hầu như chẳng bao giờ quan tâm hay để ý đến những ngày lễ, tết của mình, trong đó có ngày 8/3. Có lần, cha con tôi cũng muốn tạo cho mẹ một niềm vui bất ngờ nên 3 cha con bảo nhau mua 1 món quà về tặng mẹ. Ai ngờ, đến lúc nhận quà, mẹ không tỏ ra hào hứng mà nói: “Vẽ chuyện, quà với chả cáp. Đáng ra tiền mua quà để cả nhà làm một bữa ăn thịnh soạn có hơn không. Mẹ chỉ cần cả nhà mình thương nhau, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười thì mỗi ngày đều là mùng 8/3 rồi”.
Giờ đã có gia đình, tôi mới hiểu, thật ra mẹ tiếc tiền khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thật ra món quà lớn nhất với người phụ nữ là người bạn đời luôn thấu hiểu và sẻ chia, là các con luôn vâng lời. Những món quà về vật chất dù có lớn đến đâu mà thiếu đi sự yêu thương, sự thấu hiểu thì cũng thiếu đi ý nghĩa thực sự...
Mỗi khi đến ngày 8/3, 20/10 hay sinh nhật mình, tôi thường hay nói với chồng mình “Đừng mua gì cả, để dành tiền cả nhà mình đi chơi đâu đó, chụp mấy tấm hình kỷ niệm làm quà là mẹ vui rồi!”.
Tháng 3 lại về, một thoáng nhìn thôi cũng hóa yêu thương. Có người còn khẽ nhắc tôi rằng, đừng quên, tháng 3 này còn là tháng của tuổi trẻ, tháng của nhiệt huyết thời thanh xuân với biết bao phần việc, bao hành động góp sức xây dựng quê hương...
Thùy Hương