Thân thương góc bếp nhà sàn

14/07/2018 08:14

Làng ở gần rừng, cạnh đường đi vào vùng cao biên giới. Không còn du canh du cư, cuộc sống đã đổi thay khá nhiều. Giữa bao nhiêu nhà ngói nhà xây đan ken, vẫn lặng lẽ một nếp nhà sàn bình yên. Mái tranh thẫm nâu, tường thưng ván cũ.

Chủ nhà đã hơn 60 mùa rẫy nương, xởi lởi dễ gần. Bà bảo với tôi, nếp sàn có chừng hơn 30 năm, bằng cái tuổi của thằng con trai ngày nào lẫm chẫm tập đi, giờ đã con bồng con bế. Trải bao mưa nắng, phong sương; mái lá, vách, nền đã mấy lần sửa sang, tu bổ. Bao nhiêu đổi thay qua rồi, mà gian bếp nhỏ ở một góc nhà thì vẫn còn nguyên.

Từ thuở xa xưa, cũng như các dân tộc thiểu số anh em sống trên dải Trường Sơn, với đồng bào Giẻ - Triêng vùng Bắc Tây Nguyên, nhà sàn là mái ấm thân thương, gần gụi.

Nhà làm theo kiểu truyền thống có gian bếp nhỏ ở ngay trong lòng. Có lẽ, ngày trước, rừng núi thâm u, mỗi năm mùa mưa lê thê lại thêm những tháng lạnh cắt da nên góc bếp không chỉ sum vầy bữa cơm, mà còn là nơi sưởi ấm. Ở đó, những hòn than bé nhỏ từ ngày qua đêm được ủ tro ủ củi, chỉ cần lấy cây cời ra là đã có thể thổi bùng. Ở đó, hầu như tất cả đơn sơ cho những bữa cơm gia đình, cho mọi sinh hoạt gần gũi hàng ngày đều được bình yên sắp đặt.

Đã từng đi đến nhiều nơi, thật vui khi điều nhận ra của tôi là người Giẻ - Triêng dù chưa hết khó khăn, nhưng nếp ở ăn vô cùng ngăn nắp. Nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh, nên gian bếp cũng chính là nơi ghi dấu nét siêng năng, vén khéo.

Bà bảo, người Giẻ - Triêng dù có nghèo đến đâu, thì từ thuở xưa, gian bếp vẫn được nhà nhà chăm lo giữ lửa. Khi đã chọn một góc nhà, người ta dùng bốn mảnh ván dày- mỏng tùy ý để ghép lại thành hình vuông, hay là chữ nhật; đổ đất vào đấy để tạo thành nền bếp, “cách nhiệt” hẳn với sàn nhà. Cũng có khi, nền bếp được chủ ý cắt đặt, làm hơi thụp xuống, thấp hơn sàn nhà. Kiềng bếp giản đơn bằng đá hay bằng sắt, đủ cao và vững chãi.

Trên bếp, người nhà thường làm nên cái giàn bếp, nhiều khi, không chỉ một tầng. Ở đó, không chỉ rổ, rá, xoong nồi được kê gác, mà còn chính là nơi hong phơi con cá, miếng thịt, mớ rau... để dành cho mùa giáp hạt, hay những khi khách đến chơi nhà. Mỗi lần bẫy được con sóc, con mang... thế nào giàn bếp cũng thơm lừng mùi thịt khói. Muốn để dành mớ chuột khô, phải qua gác bếp mới thành.

Trong không gian góc bếp, những cái giàn khác cũng được gác lên, để cất giữ những vật dụng bằng nứa tre, mây song... làm thành vật dụng. Cả những chiếc rổ rá dở dang, những đường nan gùi giữa chừng...

 Căn bếp là nơi cả nhà quây quần. Những đêm mưa dầm, rét mướt, bếp lại thành ổ ấm giấc khuya. Ngày xưa, con trai Giẻ - Triêng thường theo về nhà gái. Căn bếp là nơi chuyện trò thủ thỉ...

***

Làng ở ngay bên lòng phố. Đường xe tấp nập sớm chiều. Giữa nhiều thấp cao mái bằng tường xây, một nếp nhà sàn vẫn lành hiền lặng lẽ. Bếp ở bên mé chái. Người Ba Na từ xưa vẫn vậy, hoặc bếp ở trong, hoặc được ngăn về một phía chái nhà.

Ông là một trong số ít người cao niên của làng đến bây giờ vẫn còn chứng kiến niềm vui cuộc sống. Ông bảo, ngày trước, nhà to nhà lớn thì bếp cũng rộng, cũng cao. Tuy vậy, cho dù nhà có rộng có lớn hay không thì gian bếp đơn sơ vẫn là nơi gần gũi mà thiêng liêng cho mọi người sum vầy, tề tựu. Những câu chuyện cổ chuyện xưa đã được hát, kể bên bếp lửa mải mê hết đêm này sang đêm khác. Gian bếp thân thương gắn với sử thi diệu kỳ.

 Năm tháng đổi thay, nhịp đời cũng khác. Bây giờ, nhà sàn chẳng còn bao nhiêu nên góc bếp thuộc quen càng được chăm chút, giữ gìn. Bữa cơm quây quần đầm ấm. Địu con, bế cháu à ơi. Ở đó, ông vẫn đón các vị khách gần xa bên ché rượu cần nồng đượm, bà vẫn hồn hậu cời than cho củ sắn thơm lừng. Ở đó, những chiếc rổ chiếc nơm sậm nâu bồ hóng chưa khi nào hết là vật dụng thân gần cả trong những giờ lên lớp say sưa...

Thanh Như

Chuyên mục khác