Thân thương chiếc nón quê hương

10/05/2020 06:11

Nón lá là hình ảnh thân thuộc với quê hương Việt Nam, gắn liền với hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm trên cánh đồng, người chị đảm đang từng phiên chợ hay nàng thiếu nữ e thẹn duyên dáng bên tà áo dài thướt tha. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt Nam.

Là người dân đất Việt, không mấy ai mà không biết đến chiếc nón lá thân thương gần gũi. Mặc dù ngày nay chiếc nón lá đã không còn sử dụng phổ biến nữa nhưng hình ảnh của nó đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đất Việt. Là người gốc Huế nên với tôi chiếc nón và tà áo dài duyên dáng đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Nón lá là hình ảnh thân thuộc với quê hương Việt Nam, gắn liền với hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm trên cánh đồng, người chị đảm đang từng phiên chợ hay nàng thiếu nữ e thẹn duyên dáng bên tà áo dài thướt tha. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt Nam.

Không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng thường ngày mà chiếc nón lá còn chứa đựng cả một kho tàng lịch sử, văn hóa của người Việt. Là sản phẩm kết tinh của tính chăm chỉ, sáng tạo, sự khéo léo của người thợ và thể hiện trình độ văn hóa của vùng đất đã sản sinh ra nó. Tùy vào mỗi vùng miền sẽ có cách làm nón khác nhau để phù hợp, nhưng nhìn chung mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cách làm thủ công truyền thống và ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Khi đội chiếc nón lên đầu, mọi thiếu nữ đều vô cùng duyên dáng. Ảnh minh họa

 

Các cô gái ngày xưa chăm chút chiếc nón như một vật trang sức. Và họ thường dùng rất nhiều loại quai để trang trí cho chiếc nón của mình, khi là một dải lụa thanh tao, khi là một mảnh vải bằng nhung rất sang trọng… Nó làm tôn lên nét duyên cho người phụ nữ và phù hợp với thẩm mỹ của người Việt là đẹp một cách tế nhị, kín đáo.

Biết bao cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ từ chiếc nón lá, từ nụ cười e ấp của cô gái đương xuân trong vành nón hay đôi má bừng đỏ và lấp lánh mồ hôi trong trưa hè nào đó. Cả hình bóng quê hương như gói trọn trong chiếc nón lá mong manh:“Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che” (“Quê hương” của Đỗ Trung Quân). Nếu ở một nơi xa xôi nào đó không phải trên đất nước Việt Nam, bạn bỗng thấy chiếc áo dài tha thướt - một chiếc nón lá trắng xinh, thì ta sẽ hiểu rằng đó chính là dấu ấn của Việt Nam.

Nếu như quê hương đất võ Bình Định có làng nón ngựa Phú Gia thì ở Huế quê tôi cũng có làng nón gọi là làng nón Mỹ Lam (thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang,  Thừa Thiên Huế). O tôi lấy chồng bên làng nón ấy, mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi cũng thường hay ghé thăm o và các anh chị. Điều tôi mê mẩn nhất vẫn là xem những người thợ lành nghề nơi đây chằm nón và cũng không quên mang về những chiếc nón bài thơ thật đẹp làm quà tặng cho bạn bè ở Tây Nguyên.

Để làm ra được chiếc nón tưởng chừng đơn giản ấy, những đôi tay khéo léo của những người thợ lành nghề nhất phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón. Tất cả sự kỳ công ấy đã tạo nên được chiếc nón bài thơ thanh mảnh, từ đường kim, cho đến vành nón tất cả đều thanh tao, nhỏ mà sắc nét.

Đặc biệt khi soi lên nắng ta sẽ thấy được dưới hai lớp lá nón những hoa văn, những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những bức tranh của sông Hương, núi Ngự hoặc những câu thơ trữ tình như: “Ai ra xứ Huế mộng mơ/Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.

Nghe mẹ tôi kể rằng, chiếc nón lá gắn liền với mẹ từ lâu lắm rồi. Ngày mẹ về nhà chồng. Ngày vui trong bộ áo cưới lộng lẫy của mẹ cũng không thể thiếu chiếc nón lá che nghiêng. Những lúc nhớ nhà, mẹ giấu đi những giọt nước mắt hạnh phúc, mẹ đội nón lá ra ngõ, nhìn về phía quê. Rồi sau này mẹ vẫn thường dùng chiếc nón để quạt ru chị em tôi đi vào giấc ngủ nồng nàn hoặc là những lúc che chở cho chị em tôi lúc mưa về, nắng đến… Cũng với chiếc nón ấy mẹ đội nắng, phơi sương nuôi chị em tôi lớn khôn từng ngày.

Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, cuộc sống ngày càng phát triển nhưng nón lá Việt Nam vẫn sẽ là biểu tượng của nét văn hóa Việt và là người bạn thân thiết của phụ nữ Việt Nam.

Hạ Mi

Chuyên mục khác