20/11/2018 07:01
Phải rất lâu rồi tôi mới trở lại trường cũ, mọi thứ có vẻ thay đổi nhiều. Mái tóc cô giáo tôi cũng đã điểm những sợi bạc.
Cô hỏi han tôi rất nhiều, từ quãng thời gian học cấp 3 cho đến khi vào đại học, rồi đến chuyện gia đình và công việc hiện tại… Cô còn nhắc tên và miêu tả khuôn mặt của từng đứa bạn trong lớp tôi ngày đó rõ mồn một khiến cho ký ức tuổi học trò tràn về trong tôi với bao kỷ niệm và nỗi niềm nhớ nhung da diết.
Trong số những câu chuyện mà cô Nga đã kể với tôi, có một câu chuyện khiến tôi thật sự xúc động và day dứt đó là chuyện về thầy giáo Phước - giáo viên chủ nhiệm lớp 8, lớp 9 của tôi ngày ấy và bây giờ đã là phó hiệu trưởng nhà trường.
Cô Nga tiết lộ: Ngày các em ra trường, vì không có cơ hội gặp lại học sinh của mình để thăm hỏi tình hình trường lớp chuyển cấp của các em nên thầy Phước lo lắng lắm. Để giải tỏa nỗi lo của mình, thầy đã bỏ nhiều công sức để dò tìm kết quả thi của từng bạn trong lớp rồi thầy mới yên tâm…
Sau lần gặp gỡ cô giáo Nga và câu chuyện về thầy Phước cứ khiến tôi day dứt mãi, vì ngày trước, tôi cũng là đứa học trò được thầy hết mực yêu thương. Vậy mà giờ đây, sau bao nhiêu năm rời xa mái trường, vì nhiều lý do, tôi vẫn chưa một lần trở về thăm thầy.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi đã quyết định dành thời gian đến thăm các thầy cô giáo cũ của mình, trong đó có thầy Phước. Bởi với tôi, thầy Phước không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, mà còn là thầy giáo rất tận tụy, hết lòng với bao thế hệ học sinh, trong đó có tôi.
Vào một ngày cuối tuần, tôi và một người bạn cùng học cấp 2 tìm đến nhà thầy Phước. Tuy đã trưởng thành và đi làm rồi nhưng thú thật, khoảng thời gian đứng trước cổng nhà để chờ đợi gặp lại thầy giáo cũ của mình chúng tôi vừa hồi hộp xen lẫn lo lắng. Chỉ đến khi, thầy giáo ra mở cửa, nắm thật chặt tay từng đứa học trò và nở nụ cười hiền lành, cảm xúc hồi hộp trong chúng tôi mới được xua tan.
Mời học trò vào nhà, thầy chậm rãi pha trà, rót nước cho từng đứa. Vừa nhấp ly trà, thầy thong thả nói: “Cũng đã lâu lắm rồi thầy trò mình không có dịp gặp nhau. Bây giờ, nhìn bạn nào cũng đã trưởng thành, thầy mừng lắm”.
Rồi thầy nói tiếp: Hôm trước đi công tác về, thầy có nghe mấy thầy cô trong trường thông tin lại, Thành sau khi ra trường đã có công ăn việc làm nên thầy mừng cho em lắm. Còn Xuân nữa (cô bạn đi cùng tôi) có định về Kon Tum công tác hay vẫn quyết định lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh?
Cô bạn tôi ngạc nhiên: Sao thầy biết em có ý định ở Thành phố Hồ Chí Minh?
Thầy bảo: Dù không có điều kiện và cơ hội gặp lại những học trò của mình nhưng thông qua người thân, bạn bè, thầy luôn thăm hỏi và dõi theo bước đi của các em...
Câu nói của thầy càng khiến cho chúng tôi thêm xúc động vì bao nhiêu năm rồi vẫn được thầy nhớ đến.
Ngày gặp lại thầy, chúng tôi thấy thầy giáo của mình gần gũi và cởi mở hơn trước. Thầy nói vui, không phải thầy khó tính mà vì đặc thù công việc khiến thầy phải nghiêm nghị như vậy mới có thể “trị” được những đứa học trò tinh nghịch như chúng tôi ngày ấy.
Cũng chính sự gần gũi ấy của thầy mà chúng tôi được dịp chia sẻ nhiều kỷ niệm về thầy, từ những việc được thầy giúp đỡ trong học tập, cho đến những lúc bị thầy phạt và kể cả những trò nghịch ngợm trêu chọc thầy của lũ học trò khi còn ngồi trên ghế nhà trường chẳng đứa nào dám khai…
Điều lạ là, trong suốt buổi chuyện trò, thầy hỏi han chúng tôi thật nhiều mà không hề có một câu trách móc hay hờn giận những đứa học trò hơi vô tâm của mình…
Trong giây phút chuẩn bị chia tay, thầy còn nắm chặt tay chúng tôi không quên dặn dò: Các em phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc và cuộc sống, bởi không có thành công nào mà không có sự nỗ lực từ chính bản thân mình...
Đúng là lòng thầy lúc nào cũng bao dung, vị tha, lặng thầm như những người lái đò đưa khách qua sông…
Dù không nói ra nhưng chúng tôi luôn hứa với lòng, mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để đến thăm thầy và các thầy cô giáo cũ. Đây cũng là một cách để chúng tôi tỏ lòng tri ân đến thầy cô giáo của mình.
Tất Thành