Tết là nhớ thương

29/01/2022 13:19

Tết là sum họp, là nhớ thương. Có nếm trải những ngày Xuân xa xứ mới hiểu thấu nỗi lòng của bao người làm ăn xa luôn đau đáu tìm đường về nhà khi năm hết tết đến!

Loáng cái, Tết lại hùi hụi tới.

Một sáng đầu Xuân, có gió hiu hiu, có se se lạnh, hắn ngồi một mình trong quán cà phê, nghe mấy bạn trẻ bàn bên hỏi nhau rằng “Tết này có về nhà không” mà ngẩn ngơ.

Mệt nhoài với cuộc mưu sinh, câu nói của bạn trẻ đã chạm vào nơi mềm nhất trong lòng hắn.

Tết là đoàn tụ, là sum họp. Nếm trải những ngày Xuân xa xứ mới hiểu thấu nỗi lòng của bao người làm ăn xa luôn đau đáu tìm đường về nhà khi năm hết Tết đến!

Thật ra, từ tháng 10 âm lịch, khi Tết còn ở tận đẩu tận đâu với nhiều người, thì hắn và đồng nghiệp đã cảm nhận được Tết xồng xộc sau lưng.

Nó bắt đầu từ khi kế hoạch báo Xuân được duyệt, rồi cuốn phăng hắn vào vòng xoáy của những chuyến đi và trò chơi chữ nghĩa. Hết ngày lại đêm, hắn bò ra bàn, lăn ra đất mà cố gắng tưởng tượng, cố gắng hình dung ra không khí ngày Xuân để lấy cảm xúc viết bài, mặc bên ngoài nắng hừng hực, gió ầm ào.

Đến khi dứt ra khỏi bàn phím máy tính thì thiên hạ đã bàn tán rầm rĩ năm nay được nghỉ Tết mấy ngày. Bạn bè hắn quê ở khắp Bắc, Trung, Nam cũng chộn rộn khoe lịch về Tết, hoặc chí ít, cũng nháo nhác đặt vé máy bay, vé xe về Tết.

Người không về được thì cũng cố gắng tự an ủi mình “thôi thì điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở lại để bảo vệ mình, bảo vệ người nhà, cũng là góp phần chống dịch”. Nói là nói vậy, nhưng “người không về được” ấy buồn bã mất mấy ngày.

Tết ấm cúng khi được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng. Ảnh ST

 

Đang vẩn vơ nghĩ ngợi, chuông điện thoại đổ. Đứa bạn học phổ thông, hiện lưu lạc vào tận miệt Vũng Tàu làm việc bùi ngùi nói rằng Tết này chắc không về được vì “tình hình dịch giã đang căng, về cũng không yên”.

Rồi cậu ta nhẩn nha đọc vài câu khiến hắn ngậm ngùi. “Có ai về Tết ta gửi với/dăm nỗi đầy vơi cộng chút... thèm”. Trời ạ, một nỗi thèm chung, nhớ chung của bao người xa quê, đang mong mỏi ngày về khi Tết đến.

Giờ này, ở quê nhà hẳn cũng đang tíu tít với chuyện tết nhất. Vì dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hẳn là gia đình, họ hàng và dân làng cũng sẽ thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm trong sắm Tết hơn.

Nhưng dù vậy, vẫn sẽ là một cái Tết tươm tất. Coi nào, nếu về, việc dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà cửa đương nhiên sẽ là nhiệm vụ của hắn, từ dọn dẹp bàn thờ; quét mạng nhện nơi góc nhà, đến lau cửa, bàn ghế…

Như bao nhiêu cái Tết đã qua, bố chăm chút mấy chậu cây cảnh, đi ra đi vào than thở về nỗi chậu đào bích năm nay đơn nụ vì ít nắng. Đến cận tết rồi mà trời vẫn lầm lì, vẫn rét ngọt.

Mẹ sẽ chỉ huy mấy chị em gái vật lộn với linh kỉnh bình, chậu, khuôn, bếp lò. Riêng cô em gái út được ưu tiên làm món nhẹ nhàng nhất- dưa món, với củ cải, su hào, cà rốt.

Thỉnh thoảng, mẹ lại ngồi thẳng lên, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng mắt thì vẫn hấp háy cười. Đúng kiểu miệng kêu khổ mà mặt hớn hở. Hắn dám chắc, nếu những ngày cuối năm này không có việc gì mới là điều làm bà buồn chán, mệt mỏi.

Mà đúng là mẹ hiếm khi rỗi rãi từ đầu tháng Chạp. Con cái đi làm ăn xa, thường Tết mới về đông đủ, thế là gần như ngày nào mẹ cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua sắm dần  đồ Tết, vì lo để qua rằm tháng Chạp sẽ khó mua mà lại đắt. Vả lại, cũng không sẵn tiền để mua sắm một lần.

Tuy vậy cũng chưa yên tâm, nhiều khi sực nhớ ra điều gì lại lấy cuốn sổ ra ghi. “Phải thế mới được, dạo này nói trước quên sau, chán”- mẹ nói với bố. Cứ như thế, tất bật cho đến giao thừa.

Ngay cả bữa cơm tất niên tối ba mươi, mẹ vẫn dặn đi dặn lại các con về việc ngày tết không được quét nhà, vì sợ đuổi thần tài ra cửa; không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm; không được may vá vì kim chỉ có đầu nhọn, nghĩa là năm mói sẽ gặp chuyện không hay.

Tất cả những sự kiêng kị đó, các con đều đã biết cả, nhớ cả, vì năm nào mẹ cũng nhắc. Nhưng vẫn đều cười mà đồng thanh rằng: Con nhớ rồi.

Dù con trẻ có chút hoài nghi, nhưng đố đứa nào dám mở miệng, bởi chắc chắn sẽ bị rầy la. Mẹ cho rằng, tất cả những sự kiêng kị đó không phải là mê tín dị đoan, mà là tín ngưỡng, là “có kiêng có lành”.

Ờ, mà cũng không thể sao nhãng chuyện đồng áng được. Ở quê hắn, tháng Chạp rét căm căm, vụ xuân, người nông dân gieo mạ trên những thửa ruộng xâm xấp nước. Sau đó dùng nilon hoặc bạt chắn gió, che sương.

Hắn thích nhất là những buổi chiều trốn việc nhà đi thăm đồng. Chỉ vài ngày sau khi hạt lúa giống đã ủ nảy mầm được gieo xuống, từng vạt mạ non đã dạt dào trước gió bấc. Qua màn mưa phùn, những đám mạ xanh vươn lá mềm mại như tấm thảm. Mỗi khi có gió thổi qua, rạt cả xuống rồi lại đứng lên, trông như đang múa.

Cũng có thể giờ này, bố đang đi thăm đồng- hắn vừa bấm điện thoại trả lời bạn vừa bần thần nghĩ. “Rồi mọi chuyện sẽ qua. Tết năm sau ta sẽ về”- hắn nhắn cho bạn.

Như bao người, hắn mong được về quê, ăn Tết bên bố mẹ. Nhưng mâu thuẫn thay, trong nỗi nôn nao khi chạm vào Tết ấy, hắn lại cứ dùng dằng, lần lữa.  Ở đây thì nhớ về Tết quê, chắc gì về quê ăn Tết, lại không nhớ nơi này?

Dù là dân “ngụ cư”, nhưng với một người gắn bó mảnh đất này  hơn 20 năm rồi, và còn dài hơn nữa, như hắn, Kon Tum đã là nhà. Từng rong ruổi khắp nơi, nhưng cuối cùng, đất này cũng là chốn dừng chân.

Vậy nên, mỗi độ Tết về, bần thần đó, nhớ nhà đó rồi lại háo hức bởi những gì thấy được, chạm được và cảm nhận được cái Tết ở quê hương thứ hai này. Những con đường tràn ngập hoa, những gương mặt rạng rỡ ngày xuân, bếp lửa bập bùng bên vỉa hè với nồi bánh chưng sôi lục bục.

Rồi những ngày Tết nắng chói chang, sáng mùng 1 đã có thể ăn bún, phở. Có thể sà vào một quán ven đường, uống một ly nước mía hoặc nước dừa “ngon quá xá là ngon”, rồi lại tiếp tục du xuân mà không phải kiêng cữ gì. Để trong lòng lại ngọt ngào khi nhớ đến những ngày tết mưa phùn gió bấc ngoài kia.

Vậy nên mới nói Tết là nhớ thương!

Thành Hưng

Chuyên mục khác