24/09/2018 06:58
Tuổi thơ tôi sống với bà nội, hệt như câu thơ “Cháu ở với bà, bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học…” (thơ Bằng Việt). Tôi nhớ như in, sáng ngày rằm tháng tám, khi chú gà trống choai cất tiếng gáy, mặt người chưa thấy rõ, bà tôi đã quẩy gánh hàng đi chợ huyện. Dăm ba quả bưởi, quả thị, quả na, nhánh chuối tiêu, có lần thì mớ rau, mớ cá rô, ít cua đồng bà bắt được ngoài chuôm. Bà bán qua quýt cho xong buổi chợ, đặng sắm sửa thêm mấy thứ hàng bánh cùng với cây trái trong vườn nhà, cho đoàn cháu tối bày cỗ ngắm trăng.
Trước Tết Trung thu cả nửa tháng, lũ trẻ con chúng tôi cũng bắt đầu chuẩn bị sắm sanh để đón ngày tết của mình. Con gái thì nhặt nhạnh những hạt bòng (bưởi), mang đi phơi khô, rồi vót que tre thật nhọn xâu thành những tràng dài. Mùa thu cũng là mùa của bòng, thế nên vô số hạt bòng bỗng chốc có giá. Những chuỗi hạt bòng trắng tinh ấy, vào đêm trăng rằm sẽ được đốt cháy sáng chấp chới, phát ra những tiếng kêu tí tách, nghe thật thích tai. Con trai thì vót tre, cắt giấy bóng màu để làm đèn ông sao, hay nhặt những lon sữa cũng tạo thành những chiếc đèn, thậm chí còn rủ nhau bắt đom đóm cho vào những đèn lồng nặn bằng đất sét, những ánh lập lòe của rất nhiều đom đóm đã làm những chiếc đèn lồng đất ấy trở nên rực sáng.
Thấy cháu hào hứng, bà cũng chẳng đành lòng ngồi yên. Chưa vào vụ thu hoạch nên chưa có lúa mới, bà mót trong bồ còn ít nếp thơm của mùa cũ, bà giã thóc nếp rang cốm. Hạt gạo nếp nổ tí ta tí tách trong nồi đất, dậy lên một mùi thơm mà cháu cứ hít hà mãi không thôi. Hương thơm của nếp, của rơm rạ hoà quyện với khói chiều, phảng phất bay từ chái bếp nhà bà, mãi là hình ảnh thân thương, mà tôi nhớ khôn nguôi, trên vạn nẻo đường đời .
Rồi bà tất tả chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày rằm. Khi ấy, tôi, một đứa trẻ học lớp ba, cứ lẽo đẽo xin bà cho mình một mâm cỗ để cúng. Bà cũng chuẩn bị cho tôi một nhánh chuối, mấy quả thị, quả na, bánh cốm và đặc biệt, không thể thiếu là mấy chú tò he mà bà đã mua ở chợ huyện lúc sáng. Những chú tò he được nặn từ bột, đủ các hình thù như trâu, ngựa, chim cò, con gà, chú tễu… với đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng đẹp mắt được cắm trên các que tre. Chúng tôi mân mê và ngắm say sưa, tôi thì vẫn thích nhất tò he có hình con ngựa. Trong số các cháu, bà bảo bà thương tôi nhất, vì tôi vốn gầy gò, ốm yếu hơn các anh chị, lại sống với bà từ nhỏ, bởi cha mẹ đi xa vào Nam lập nghiệp. Thế nên, có thức ăn ngon, hay hàng quà, đồ chơi, tôi luôn ưu ái được nhiều hơn cả. Có năm, bà còn mua cho tôi hẳn một cái kèn, có hình con gà trống bằng đất được vẽ màu đỏ rất đẹp, khi thổi nó phát ra những âm thanh te te rất vui.
Chuẩn bị mâm cỗ xong, bà đặt trên bàn ở giữa sân gạch trước nhà. Rồi bà cúng ông trăng. Tôi đứng sau lưng bà, miệng cũng thầm thì khấn cầu, mong cho bà và tôi có sức khỏe, tôi thì học giỏi, chăm ngoan. Khi ông trăng tròn trĩnh hửng lên từ đàng đông, qua ngọn tre bên bờ ao, bà đọc cho chúng tôi nghe bài đồng dao “Ông giẳng ông giăng, xuống chơi với tôi, có bầu có bạn, có bát cơm xôi, có nồi cơm nếp, có nệp bánh chưng, có lưng hũ rượu…”, bà còn kể sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa, sự tích chị Hằng Nga nữa. Sau khi cúng xong, con cháu đợi bà phá cỗ chia lộc. Những thức quà nào để dành được, chúng tôi không nỡ ăn ngay mà phải để dành mấy ngày sau, còn quả thị thì giấu đầu giường để ngửi. Ông trăng lên cao đỉnh đầu, tôi cùng lũ bạn mới đi rước đèn trong xóm, xem đèn ai sáng hơn, để rồi những ánh đèn lấp lánh, hòa cùng ánh trăng rằm, dưới lũy tre làng, là hình ảnh mãi còn trong tâm trí tôi về một tuổi thơ bình dị, thân thương.
Ngày thơ, tôi mong Tết Trung thu, đơn giản chỉ là được bà mua cho nhiều quà bánh, được ngồi ngắm trăng nghe bà kể chuyện. Lớn hơn chút nữa, tôi mong Tết Trung thu để nhẩm tính rằng thêm một mùa Trung thu là bà mình thêm một tuổi. Còn bà tôi, bà mong Tết Trung thu bởi vì, ngoài ý nghĩa vui chơi, Tết Trung thu còn là dịp để người nông dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng. Nếu trăng Trung thu năm ấy màu vàng thì sẽ được mùa tằm tơ, nếu màu xanh thì sẽ có thiên tai, lũ lụt, còn ánh trăng có màu vàng cam trong sáng vằng vặc thì mùa màng bội thu. Cũng có khi ánh trăng chuyển sang màu đỏ, khoa học giải thích là hiện tượng nguyệt thực, nhưng bà lại bảo đó là dấu hiệu gấu ăn trăng. Nhìn thấy ông trăng có hiện tượng ấy, vì sợ gấu ăn trăng nên người lớn, trẻ con trong nhà, ngoài ngõ khua gõ rộn ràng, người thì gõ trống, người thì gõ thúng, thau chậu…, cốt là tạo ra những âm thanh để xua đuổi gấu đi. Hiện tượng trăng có màu đỏ chỉ có trong dăm phút rồi vầng trăng lại sáng trong trở lại. Trăng thu lên cao như ôm cả bầu trời rộng lớn, toả ánh sáng xuống khắp cùng, ánh trăng vàng óng, mát lành, tinh khiết, tựa đẹp như tấm lòng hiền hậu của bà.
Bao mùa thu đi qua, ánh trăng vẫn hiên ngang, vời vợi trên bầu trời trong văn vắt. Bà tôi, sức khoẻ ngày một yếu, sự minh mẫn, thông suốt cũng giảm theo thời gian. Chợ huyện giờ cũng sầm uất, nhộn nhịp, đầy rẫy quà bánh Trung thu công nghiệp, vắng gánh hàng của bà, chợ có còn vui? Còn bà, lặng lẽ trong mái nhà xưa cũ, mỗi mùa Trung thu đến, bà đợi con cháu về đoàn viên, căn nhà lại ấm lên, tình thân đong đầy…
Phạm Miên