23/01/2023 13:01
Đứng chen chúc hàng tiếng đồng hồ để đặt vé về quê vui Tết, dưới cái lạnh mùa đông, mái tóc chị vẫn ướt nhẹp mồ hôi. Tưởng rằng ước vọng về quê đón Tết khép lại, nhưng may mắn khi chị là người được cầm trên tay những tấm vé cuối cùng của nhà xe. Nghẹn ngào, vỡ òa trong hạnh phúc, chị bấm máy gọi điện về cho mẹ mà giọng vẫn run run: “Tết này chắc chắn gia đình con sẽ về bố mẹ nhé!”.
|
Vậy là, ngót nghét 10 năm, kể từ ngày lập gia đình ở nơi xa, cuối cùng chị cũng được về quê ăn Tết. Bao năm qua, chị nhớ da diết tiết lạnh run run xen lẫn ấm áp mùa xuân ở miền Bắc; nhớ se sắt bữa cơm ấm cúng quây quần bên gia đình những ngày đón năm mới. Thế nhưng, vì mới lập nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn, đường xá lại xa xôi, cách trở, bao nhiêu lần mong muốn được về quê đón Tết, nhưng chị đành lỗi hẹn.
Năm nay, khi con cái lớn dần, chị có thời gian dành cho công việc nhiều hơn. Đập con heo đất, những tờ tiền vẫn còn mới tinh. Nhẩm tính, chị hớn hở trong lòng: Nhiều thì không có, nhưng số tiền tích góp cũng đủ để mua vé xe, sắm ít quà Tết cho bố mẹ, họ hàng và cả vài bộ quần áo mới cho các thành viên trong gia đình.
Những ngày cuối năm, công việc tất bật, chị tranh thủ dành thời gian ra tiệm nhuộm lại màu đen cho tóc. Bởi chị sợ, nhìn thấy màu thời gian trên mái tóc của con gái, bố mẹ ở quê lại thoáng buồn. Lúc nào chị cũng nói, mình vất vả ở xa thế nào cũng được, về quê, tươm tất một tí cho bố mẹ khỏi buồn lòng.
Chị hồi hộp chờ đợi ngày về quê và thằng Rơm, cái Nâu con chị cũng háo hức theo. Cũng phải thôi, bởi từ lúc sinh ra đến giờ, chúng nó mới chỉ nhìn thấy ông bà qua những cuộc gọi video; thấy quê ngoại qua những bức tranh, câu chuyện kể. Hai đứa cứ thủ thỉ, chạy khoe khắp xóm sắp được đi ô tô về quê thăm ông bà; sắp được cùng ông bà đi chợ Tết mua hoa đào; đi xin chữ của ông đồ vào ngày mồng 1 Tết. Chúng cũng mường tượng ra cảnh ngồi quây quần bên ông bà nấu bánh chưng. Cứ nghĩ đến đấy, cả hai đứa lại cười tủm tỉm, đôi mắt long lanh thấy rõ.
|
Dự tính về quê, chị cũng không sắm sửa gì cho ngôi nhà ở thành phố Kon Tum. Chị có dặn tôi, khi chị về, 30 Tết mua giúp chậu bông cúc họa mi, đặt trước sân nhà cho có không khí. Chị có mua sẵn mấy bó trầm thơm, để thắp cho có không khí Tết trong nhà. Nói không sắm sửa gì, nhưng nhà chị ngồn ngộn đồ chuẩn bị cho ngày Tết. Nào là măng khô, nào là cà phê bột, mật ong, thịt hun khói, sâm dây. Chị bảo, ở quê cũng chẳng thiếu thốn gì, nhưng họ hàng nhiều, cháu chắt đông, ở xa về, có chút quà xứ lạ coi như là tấm lòng thành.
Bên bếp lửa bập bùng giữa xóm, tôi như bị cuốn theo từng câu chuyện của chị. Lâu lắm rồi, mới thấy chị vui như thế. Đúng là chưa đến Tết mà lòng chị đang Tết. Vốn ít nói, vậy mà nay, chị cả cười cả kể rôm rả cả xóm nhỏ. Nào là bố mẹ chị mong chờ các con về, nao nao đến không ăn vẫn thấy no. Nào là bố mẹ mua thêm tấm nệm mới để các con có chỗ nghỉ ngơi; mua thêm bộ bàn ăn mới để cả gia đình có thể quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Rồi lại kêu thợ sơn lại mấy tấm cửa gỗ, quét sơn lại căn nhà, che đi những vết ố thời gian. Đúng là, ở hai đầu chờ đợi, một bên đợi ngày về, một bên đợi con về, đâu đâu cũng hồi hộp, háo hức, mong chờ như nhau.
Tết đang gõ cửa từng nhà. Xuân đang về với mỗi làng quê, góc phố. Những bộ quần áo mới cũng được chị giặt sạch sẽ, là lượt thẳng thớm, gấp gọn vào valy, đợi ngày lên đường. Mừng cho chị và cho tất cả những người con xa quê được về đón Tết đoàn viên. Một năm mới bắt đầu bằng những điều ấm áp. Những lời chúc tốt đẹp, những bữa cơm quây quần đậm hương vị tình thân sẽ là động lực để mỗi người con xa quê tiếp tục nỗ lực, cố gắng làm ăn trong năm tới, để mỗi mùa Xuân đều có thể đoàn viên cùng gia đình./.
HOÀI TIẾN