Tản mạn mùa nấm mối

05/06/2018 06:59

Ở Tây Nguyên, cùng với mùa măng le là mùa nấm mối. Và cũng như măng le, sau vài tháng đầu mùa mưa, đến khoảng tháng Tư tháng Năm âm lịch (tức khoảng tháng 6 tháng 7), khi đất đai đã thấm ẩm đủ nước, là mùa nấm mối lên rộ.

Đã thành thói quen, cứ đến cữ này, người “nghiện” nấm mối bắt đầu ngóng ngó các ngả đường hướng về các trung tâm chợ búa để săn tìm bóng dáng các bà, các chị, các bé gái người đồng bào thiểu số lưng đeo gùi, tay cầm mấy chùm nấm làm mẫu, đi dạo bán cho các “thị dân”.

Nhìn những tai nấm như cái ô (dù) nho nhỏ, xinh xinh, phần mũ lum ra phớt đen láng bóng, mặt dưới trắng mịn màng như mời gọi, các thị dân gặp đâu mua đấy, mua rất nhanh, ít mặc cả, dẫu rằng giá cả là không “phải chăng” tí nào, bởi ai cũng biết “của một đồng công một nén”, bà con phải lặn lội nắng mưa, núi đồi trơn trượt mới có được tai nấm mối. Thêm nữa, vì đã quá thèm, quá mong đợi, nay mới gặp, nên cũng ít ai so đo mắc rẻ.

Tôi thuộc nhóm “nghiện” nấm mối! Năm nào cũng vậy, bên cạnh ngóng chờ măng le, còn thêm ngóng chờ nấm mối. Càng chờ đợi để được bữa nấm mối đầu mùa lại càng nhớ về những ngày xưa từng hái nấm mối mỗi mùa mưa.

Để nói về những gì xuất hiện quá nhiều, người ta hay dùng thành ngữ “Như nấm sau mưa”! Thật ra không phải lúc nào mưa thì nấm cũng mọc. Mưa ở giai đoạn đầu mùa, meo nấm trong lòng đất chưa ủ đủ độ ẩm thì nấm chưa lên. Đến khi mưa dầm dề, đất đã úng và lạnh, thì nấm cũng không còn lên nữa. Nấm chỉ rộ vào lúc chuyển mưa rào, tức những ngày mưa nắng đan xen; mưa đổ ào qua, rồi liền hửng nắng lên âm ấm da người, rồi lại đổ ào mưa một lúc, rồi lại hửng nắng… tạo cho lòng đất không khô không lạnh, vừa đủ độ ẩm và độ ấm cho tơ meo nấm phát triển, đẩy mũ nấm trồi lên khỏi mặt đất. Kiểu mưa ấy người ta mới gọi là “Mưa nấm”. Thế cho nên mùa nấm mối luôn ngắn hơn mùa măng le.

Nấm mối thường mọc ở các trảng đất bằng hoặc những gò cao tương đối thoáng, sạch, có độ che phủ của tán rợp cây cỏ vừa phải, tức những nơi có lớp thực bì vừa đủ làm thức ăn cho mối, mối ăn và tiết ra nước bọt tạo thành meo nấm. Có phải vì thế mà gọi là “nấm mối” không?

Loài thực vật mọc từ dưới đất lên, nhưng không ai gọi “cây nấm”, “bụi nấm” mà là “tai nấm”! Có lẽ “hình dung từ” này phát xuất từ hình dạng của nấm giống vành tai người? Cũng như vậy, không ai gọi “nhổ nấm”, “nhặt nấm”, “lượm nấm” (với động tác lấy từ dưới đất lên) mà là “hái nấm”, dẫu không hề có động tác ngắt hái từ trên cao xuống như hái trái cây. Rồi, mặc dù nấm quây thành đám thành chòm mà không gọi “đám nấm”, “chòm nấm”, mà lại là “ổ nấm”...

Ai đã từng đi hái nấm thì rõ cái “ham” của nó. Người đi tìm nấm mắt cứ láo liên lia đảo khắp chốn, khi bắt gặp được ổ nấm là mắt “sáng” lên, trống ngực đập rộn theo niềm vui, sà vào “hái lượm” tới tấp, đến hầu như quên hết xung quanh, giống như có ai đang tranh hái với mình vậy. Có khi giỏ đựng đã đầy, nhưng bằng mọi cách cũng cố hái cho bằng hết, quyết không để sót tai nấm nào, dù nhỏ. Thế cho nên mới có câu thành ngữ “Ham như ham nấm”.

Nấm ổ thì nhỏ tai hơn nấm mọc một mình. Thỉnh thoảng người ta bắt gặp những tai nấm mối to gấp rất nhiều lần tai nấm bình thường, gọi là “nấm độc”. “Độc” ở đây nghĩa là độc lập, độc chiếc, chứ không phải độc tố. Những tai nấm độc này to vành, dày cơm, mỡ màng, trông rất bắt mắt, có tai to bằng cỡ chiếc đĩa bàn lớn. Một tai nấm độc như thế, với các “đệ tử Lưu Linh”, có khi cũng đủ làm mồi đưa cay cho cả chai rượu.

Nhớ ngày nhỏ ở quê, canh chừng ngày “mưa nấm” là chạy đi vạch tìm các bờ bụi dọc đường quê, các trảng đất có gò mối hoang tìm nấm. Ở quê đã kinh nghiệm truyền đời, vào những ngày “mưa nấm” khi các con băng đi tìm nấm, biết chắc ít nhiều cũng sẽ có, nên mẹ ở nhà đã ngâm gạo xay bột sẵn để chờ đổ bánh xèo nấm. Giữa ngày mưa ẩm lạnh, ngồi quanh bếp than hồng ấm áp, chờ mẹ… “xèo” được cái nào là “chấm” liền ngay vào chén mắm nêm cay, ôi, không thể nào tả được! Món ăn và kiểu ăn dân dã này ai đã ăn rồi thì biết, khỏi tả ra làm gì… cho thêm thèm, mặc dù không menu nhà hàng nào có cả. Ngày nào tệ lắm (tức không đổ được bánh xèo) thì cũng là một nồi cháo nấm nóng ngọt lừng tận hưởng “thành quả lao động” của mình.

Ấy là nói chuyện… ngày xưa, chứ nay đất đai đã được (hay bị?) khai thác, canh tác, đã bị ô nhiễm vô số phân hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… khiến nấm không “ngóc đầu” nổi nữa, bởi meo nấm rất nhạy cảm với các thứ nhiễm bẩn và độc hại.

Không phải là công dân Tây Nguyên mà nói “bênh” Tây Nguyên, chứ bây giờ khu vực này mới còn dễ tìm nấm mối tươi theo mùa hơn cả, bởi còn nhiều hoang hóa, chưa bị con người làm cho “uế tạp” như các vùng miền khác.

Tuy nhiên, ngay cả ở đây, muốn có nấm mối tươi bà con cũng phải lặn lội đến những nơi hoang vu thảo mộc, rất khó nhọc. Do vậy, nấm mối tươi đầu mùa mưa Tây Nguyên là món thực phẩm “sạch” đáng tin cậy, dĩ nhiên không được nhầm lẫn với các loại nấm độc đã được cảnh báo.

Nấm mối mọc tự nhiên theo mùa, nên đó là món đặc sản rất quý hiếm. Ngày nay người ta đã chủ động nuôi trồng nhiều giống nấm, nào nấm rơm, nấm rạ, nấm dai, nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm sò… kể cả nấm quí làm dược liệu như nấm linh chi… nhưng nấm mối tươi rất ít khi thấy xuất hiện trên các sạp quầy bán nấm. Không cần viện dẫn vào “kinh điển” nào để có sức thuyết phục, thì ai cũng thấy rằng nấm nuôi trồng không thể nào “qua mặt” được nấm tự nhiên.

Và do thế, có được bữa nấm mối tự nhiên theo mùa là coi như đặc sản đặc biệt! Và cũng vì vậy, trong khi nóng lòng ngóng ngó nấm mối đầu mùa, người viết bài này mới có mấy dòng tản mạn lan man.

Tạ Văn Sỹ

Chuyên mục khác