Tâm sự chuyện nghề

14/10/2016 05:59

Với mỗi bước tự gỡ nút thắt kiếm tìm tư liệu cho bài viết, tôi đã dần trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống, công việc đã chọn.

Vậy là Báo Kon Tum đã trải qua chặng đường 25 xây dựng và phát triển. Suốt quãng thời gian ấy, có biết bao kỷ niệm vui buồn đối với mỗi cán bộ, phóng viên Báo Kon Tum.

Tuy không có mặt ngay từ ngày đầu thành lập, nhưng qua 15 năm công tác, gắn bó với từng trang viết, với tôi, Báo Kon Tum luôn là ngôi nhà thứ 2 cho tôi những tình cảm thân thương nhất. Trong cảm xúc đong đầy nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Báo, xin chia sẻ đôi dòng về chuyện nghề.

Năm 2001, tôi về công tác tại Báo Kon Tum. Lúc ấy, giao thông chưa thuận lợi như bây giờ. Đó là những con đường ngập trong sình lầy vào mùa mưa, còn mùa khô thì mỗi trận gió thổi, đất đỏ khô khốc 2 bên đường cứ ập vào người, bám lên quần áo đến trắng bạc; còn mặt đường thì gồ ghề lắm ổ trâu, ổ voi.

Năm 2002, đợt đi thực tế từ trung tâm thành phố Kon Tum về trung tâm xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei), tôi đã mất gần 18 tiếng đồng hồ.

Tại đây, tôi đã gặp những cụ già ở tuổi 70 nhưng chưa một lần ra phố thị. Tất cả chỉ bởi đường sá quá cách trở.

Kết thúc đợt đi thực tế này, tôi và các đồng nghiệp đã nhanh chóng có những bài viết phản ánh thực tiễn đời sống bà con nơi đây.

Bài viết thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, được độc giả đánh giá cao. Qua đây, tôi đã rút ra bài học đầu tiên của nghề báo là có chịu khó đi mới phát hiện được đề tài, mới thấy và thấm được đời sống thực tiễn.

Hạnh phúc khi được dân làng quý mến. Ảnh: BA

 

Những chuyến đi cơ sở thông thường đã vất vả thế, khi thu thập thông tin viết những tác phẩm “có vấn đề” càng khó khăn hơn. Thế nhưng, nhờ vậy tôi được trui rèn, tự vượt qua các chướng ngại như ngại va chạm ở cơ sở, ngại gặp người quen đang nắm giữ sự thật của vụ việc đang diễn ra theo chiều hướng thiếu tích cực…

Với mỗi bước tự gỡ nút thắt kiếm tìm tư liệu cho bài viết, tôi đã dần trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống, công việc đã chọn.

Đã chọn nghề báo, tôi biết mình sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả hơn các công việc, nghề nghiệp khác. Thế nhưng, thực tế vào việc mới thấy sự khó gấp trăm bề.

Đó là cái khó khi gặp vụ việc tiêu cực, phóng viên đã nắm rõ con người nào, ở đơn vị chuyên môn nào thực hiện công tác chưa đúng. Trên cơ sở này, phóng viên đề nghị gặp lãnh đạo cơ quan, để làm rõ thông tin chưa tích cực, nhằm định hướng tốt cho dư luận. Nhưng đề xuất của phóng viên lại bị từ chối với nhiều lý do như, cán bộ nắm chuyên môn đang bận đi công tác ngoài tỉnh, hay người phát ngôn báo chí chưa nhận được câu hỏi phóng viên chuyển đến trước đó, hoặc đơn vị đang chỉ đạo rà soát công việc liên quan chưa thể trả lời báo chí...

Lại có những vụ việc có vấn đề, được cơ quan chức năng tạo điều kiện thu thập tư liệu, nhưng phóng viên vẫn gặp... khó. Đấy là khi đơn vị được phản ánh có quan hệ tốt, thân quen với phóng viên. Tình huống này đòi hỏi bản thân người cầm bút phải thật sự tỉnh táo để suy xét, thậm chí có sự tư vấn về kinh nghiệm, pháp luật từ nhiều phía, cho sản phẩm thông tin thật khách quan.    

Dù khó khăn là vậy, tôi và các đồng nghiệp luôn tâm niệm phải nỗ lực không ngừng để đưa đến độc giả những thông tin kịp thời nhất, xác đáng nhất; góp phần đưa những điều tốt đẹp nhân rộng khắp trong cuộc sống.

Trần Hà

Chuyên mục khác