Tấm gai

26/03/2023 07:01

Thứ mà cô bé đang cố gắng mang vác trong bức ảnh mà tôi chia sẻ dưới đây không biết mọi người gọi là gì, chứ ở quê tôi gọi là tấm gai. Gọi vậy là vì nó được làm bằng những loại cây có gai như tre, mắt mèo, nhưng thông dụng nhất vẫn là tre, rồi đan lại thành tấm, để làm hàng rào. Tấm gai gắn với tuổi thơ tôi với nhiều kỷ niệm thật đẹp về một thời gian khó mà nhiều niềm vui ở trường làng.

Hồi đó, do điều kiện khó khăn nên hầu hết trường học đều không được xây tường rào bằng gạch hay rào kẽm gai như bây giờ, mà đều là tự làm. Vì vậy, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới thì nhiệm vụ của mỗi học sinh cấp 1, cấp 2 là làm một tấm gai như thế để làm hàng rào cho trường học.

Trường làng tôi cũng vậy. Tuy không còn cảnh phòng học tạm bợ, tranh tre nứa lá, nhưng ngôi trường không có tường rào, trông cứ trống trước, trống sau.

Nhớ hồi đó, nhiều nhà dân ở khu vực lân cận trường học còn vô tư thả bò vào sân trường ăn cỏ. Mỗi giờ giải lao, mấy đứa con trai buồn tay buồn chân ra chọc ghẹo mấy con bò làm nó tức giận lên rượt cả bọn chạy tán loạn, rất nguy hiểm. Bò ăn cỏ rồi phóng uế quanh sân trường thật mất mĩ quan, khiến thầy cô giáo và cả học sinh phải thường xuyên quét dọn.

Sau này, để tạo khuôn viên sân trường xanh-sạch-đẹp, an toàn hơn, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, ban giám hiệu nhà trường đều phát động phong trào vận động phụ huynh, học sinh nộp tấm gai để làm hàng rào.

Ngày trước, chuẩn bị bước vào năm học mới là lại làm tấm gai mang đến trường. Ảnh minh họa

 

Cứ như vậy, đều đặn mấy năm cấp 1 rồi đến cấp 2, chúng tôi đều quen với việc làm tấm gai để nộp trước khi bước vào năm học mới.

Lứa học sinh tiểu học của tôi, gần như đứa nào cũng còi cọc, bé xíu nên để làm được tấm gai không đơn giản chút nào. Vì loại cây có gai rất khó để chặt cành, rồi phải trải qua công đoạn buộc, nẹp thành tấm. Những năm cấp 1, chị em tôi thường nhờ ba làm giúp, nhưng không phải lúc nào ba cũng rảnh để làm cho. Có khi ba bận thì chị em tôi phải tự làm lấy.

Nhớ những hôm trưa nắng, chị em tôi đi lùng sục tìm khắp các bụi tre trên gò, rồi đi nhặt những cành tre khô gãy rụng, vất vả lắm mới mang về đến nhà, nhiều khi còn bị  gai đâm chảy máu tay. Mang về xong rồi lại lụi cụi xếp cột các kiểu để ra được tấm gai. Do sức yếu, buộc nẹp không chắc nên tấm gai chị em tôi làm ra thường lỏng lẻo, xộc xệch, méo mó, mỏng manh chứ không được như tấm gai trong hình kia.

Làm xong, việc mang đến trường cũng là cả vấn đề khó khăn. Tấm gai cồng kềnh, nhiều gai, mang vác rất khó, đi được mấy bước đã toát mồ hôi. Đó là chưa kể tấm gai xộc xệch do buộc không chắc, đi đường bung ra, lại phải hì hụi buộc lại. Sau này, chúng tôi có sáng kiến là kiếm một cây gậy, luồn 2 tấm gai lại với nhau rồi khiêng, thấy đi lại dễ hơn, đỡ vất vả hơn.

Năm nào được ba làm giúp, có tấm gai đẹp để mang đến trường thì tự hào vô cùng. Còn nếu phải tự làm thì thôi rồi, có để nộp đã là tốt lắm. Tôi nhớ có lần mất mấy buổi trưa làm được tấm gai khá ưng ý, rồi mang đến trường nộp, nhưng đi được nửa đường vì buộc nẹp không chắc tay đã tuột ra hết. Hai chị em lại ngồi xuống để cố cột nẹp lại mà muốn khóc vì sợ mấy bạn cười và sợ thầy cô giáo la mắng vì chuẩn bị không tốt.

Ngày lao động đầu năm học, chẳng có gì để khoe khoang với bạn bè ngoài tấm gai. Đứa nào có tấm gai to, cứng cáp, lá tre xanh um, gai tua tủa thì rất oách, lại được bạn bè ngưỡng mộ, trầm trồ; còn đứa nào có tấm gai xộc xệch thì mặt mày buồn thiu.

Lo sợ vậy thôi chứ thật ra thầy cô giáo chẳng bao giờ la mắng chúng tôi về chuyện làm tấm gai xấu. Bởi xấu hay đẹp gì thì tấm gai cũng đều được mang ra sử dụng hết. Thầy cô giáo thường hướng dẫn chúng tôi xếp các tấm gai đan xen nhau, tấm vững chãi nâng đỡ những tấm yếu ớt, cứ như thế bao quanh hết sân trường thật rộng.

Rào sân trường xong, chúng tôi được thầy cô chia thành tổ trồng hoa, cây xanh trong khuôn viên trường học. Mỗi khi nhìn những bồn hoa nở rực rỡ sắc màu trong khuôn viên sân trường, chúng tôi càng có ý thức giữ gìn hàng rào làm bằng tấm gai hơn.

Mỗi năm, thầy cô giáo sẽ kiểm tra, nếu chỗ nào tấm gai vẫn còn tốt thì giữ lại, chỉ sửa chữa và thay thế những chỗ tấm gai bị gãy hay mục nát.

Sáng nay vô tình nhìn thấy bức hình bạn học sinh mang tấm gai đến trường được một người bạn chia sẻ lên Facebook mà thấy thương thấy nhớ một thời cắp sách đến trường đầy gian khó.

Bây giờ, trường học đều được xây dựng khang trang; hệ thống công trình phụ, bờ rào, cổng trường cũng được đầu tư xây dựng đàng hoàng. Những ngôi trường cấp 1, cấp 2 ở quê tôi cũng vậy, từ lâu đã không còn những bờ rào được rào bằng những tấm gai tre.

Tấm gai đã trở thành một phần ký ức tuổi học trò thế hệ 7X, 8X của chúng tôi, chắc chắn không thể nào quên.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác