24/12/2019 13:05
1. Cuối tháng 11, tôi gọi điện thoại cho H. và đề nghị thu xếp một cuộc gặp. “Anh muốn kể câu chuyện về em, về những người bạn của em khi mà Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 đến gần, và “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019” với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” sắp bắt đầu”- tôi nói mà không nghĩ H. sẽ nhận lời.
Thật bất ngờ, cô vui vẻ đồng ý.
Nhưng sau đó, do H. bận việc đột xuất nên cuộc gặp đành gác lại. Mãi cho tới hôm nay, H. gọi điện cho tôi, ríu rít: Anh em mình đi uống cà phê nhé.
Tôi quen H. một cách tình cờ tại bữa cơm thân mật cuối năm ở nhà người quen. Nhắc đến anh, trong tôi vẫn có một niềm kính trọng sâu kín. Không phải vì anh lớn tuổi hơn hay anh chín chắn hơn- dù cả 2 đều đúng- mà chính là vì những việc anh đã làm, đang làm và sẽ làm cho những người nhiễm HIV-AIDS mà anh biết. Nhiều năm nay, anh lặng lẽ kết nối với họ, trò chuyện với họ, chăm sóc họ mà chẳng mảy may suy nghĩ.
Tôi rất phục cách H. bình thản kể về cuộc sống của mình ngày trước và bây giờ, không giấu diếm. Càng phục hơn việc anh bạn, à không, phải nói cả gia đình anh, vui vẻ trò chuyện với cô, xem cô như người thân trong nhà, không tị hiềm, không xa lánh.
Nhưng trước khi tự tin để sống, cũng như bao người nhiễm HIV khác, H. đã trải qua những tháng ngày hoảng loạn trong ánh mắt kỳ thị, những lời bàn tán của chính người thân, bạn bè và cộng đồng; không dám học hành; không có người để chia sẻ và tâm sự; cảm thấy có lỗi với bản thân, có lỗi với gia đình. Cô thu mình lại, cô độc và đau khổ.
Cho đến một ngày, qua người quen kể chuyện, anh bạn tôi đã tìm đến, chuyện trò, động viên, khích lệ. Anh tìm nhiều cách để kéo cô ra khỏi "vỏ ốc" tự ti, sợ hãi, truyền cho cô niềm tin và nhu cầu được sống.
Vậy là H. đứng dậy, bước tiếp!
Người ta dần thấy một H. khác hẳn: Một người bị bệnh AIDS hành hạ, bị xa lánh, bị kỳ thị đang từng ngày, từng giờ đi tuyên truyền, vận động gia đình, xã hội xóa bỏ tư tưởng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; vận động những người đồng cảnh ngộ không nên vì lo sợ bị phân biệt đối xử mà giấu giếm, không dám đi đến cơ sở y tế để điều trị; dũng cảm góp tiếng nói cho các hoạt động phòng chống HIV-AIDS.
Kể từ buổi gặp ấy, tôi duy trì tình bạn với H., không phải vì tình thương, mà qua câu chuyện về cuộc đời mình, H. dạy tôi nhiều bài học về hạnh phúc, về niềm lạc quan để sống.
Sau này, khi đã quen thân rồi, tôi từng hỏi H. có sợ chết không, em lắc đầu. “Đôi khi, với em, chết lại là một sự giải thoát”- H nói. Trên bức tường sát giường ngủ, cô viết câu nói ấy bằng chữ in hoa.
Không phải H. chưa từng nghĩ về cái chết, thậm chí có thời gian, suy nghĩ về cái chết luôn xuất hiện trong đầu, và cô từng dự báo về ngày mình sẽ ra đi mãi mãi. Sức khỏe yếu ớt, những cơn đau hành hạ không cho cô nhiều hy vọng sống.
“Thỉnh thoảng có những người cùng cảnh như em ra đi không kịp nói câu vĩnh biệt, làm em càng nghĩ nhiều về ngày mình chết”. Cô nói rồi chảy nước mắt. Hôm ấy, tôi chẳng biết nói gì để an ủi, ngoài vài câu đùa nhạt nhẽo.
Đã qua mấy lần cái mốc thời gian mà H. dự báo về sự ra đi của mình. H. cười giòn giã khi nói về chuyện đó: “Trên tường vẫn còn chữ hôm em viết đấy, chỉ có điều nó đã bay màu mực, mờ đi rồi”. Trong giọng nói có chút phấn khởi. Gần đây, cô thấy mình khỏe ra. Mỗi lần có ai đó hỏi sẽ ước gì, nếu có một điều ước, cô đều trả lời: ước ai cũng có sức khỏe. “Có sức khỏe là có tất cả anh nhỉ” - cô nói.
|
2.Tôi thực sự tin rằng, chính việc được ngồi đó, bên cạnh những người quen, không xa lánh, không kỳ thị, và nói dăm ba câu chuyện đùa đã giúp cho H có thêm nghị lực để sống, để bước tiếp.
Trên thực tế, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS còn khá phổ biến trong xã hội, thậm chí ngay cả trong một gia đình. Công khai có, ngấm ngầm có; thô bạo có, tế nhị có. Nghĩa là dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chẳng hạn, tại nhà thì người thân cho người nhiễm HIV ăn, ở riêng; chối bỏ người nhiễm HIV, không cho ở nhà, tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung... Tại cộng đồng thì xa lánh; cấm hoặc hạn chế người thân tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV.
Vì sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, nên người nhiễm HIV/AIDS giấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, sống cô độc, tự kỳ thị với chính bản thân mình. Từ đó, họ dễ bi quan, chán nản, hoặc sợ hãi, không dám tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Đây cũng là rào cản khiến người nhiễm bệnh không được hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV- được pháp luật bảo vệ- bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV.
Có câu “im lặng là vàng”, nhưng với những người bị nhiễm HIV/AIDS thì im lặng không phải là vàng, mà là đồng nghĩa với cái chết trong đơn độc. Chỉ khi người có HIV/AIDS không còn im lặng thì họ mới tìm được nhau và chỉ khi họ cùng nắm tay đi đầu cuộc chiến chống HIV/AIDS mới làm thay đổi được cái nhìn của người thân, của xã hội về mình, góp phần làm nên thành công cho cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Mấy năm nay, H. lặng lẽ gặp gỡ, kết nối với những người cùng cảnh ngộ, kết nối với những tấm lòng nhân ái với hy vọng tạo nên tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử. Dù việc kết nối của cô gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ít nhất cũng có kết quả ban đầu khi gia đình cô và gia đình trong nhóm bạn của cô đã đón nhận và chăm sóc họ. Như vậy, rào cản tâm lý đang được tháo gỡ dần dần.
Sống là để bước tới! H. chọn cho mình mục tiêu ấy.
Một số liệu vui từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 10/2019, Kon Tum là 1 trong 9 tỉnh đạt tỷ lệ 100% số người nhiễm HIV/AIDS điều trị thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Hiện, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng, dù vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tiếp tục thuyên giảm. Việc mở rộng mạng lưới cơ sở điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV đem lại kết quả khả quan: 95% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng không lây truyền qua đường tình dục, tỷ lệ kháng thuốc trước điều trị ở mức thấp so với các nước trên thế giới.
Với chủ đề Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 là “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức xã hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS; nhất là thay đổi thái độ, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; chú trọng đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng.
Mong lắm, cái ngày mà người nhiễm HIV/AIDS không còn bị kỳ thị- khuấy nhẹ ly cà phê, H. thì thầm nói, như chỉ để mình nghe.
Tự dưng tôi xấu hổ nhớ lại, lần đầu tiên nghe anh bạn nói về căn bệnh của H., tôi đã giật mình và vô tình… nhích ra một chút.
Thành Hưng