28/12/2020 06:03
Những ngày qua, thông tin Học viện Quân y tiến hành thử nghiệm vắc-xin Nanocovax ngừa Covid-19 cho các tình nguyện viên thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, điều chế của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, bác sĩ nước ta. Điều này, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường của Việt Nam trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin phòng, chống Covid-19 nhằm chủ động phòng ngừa loại dịch bệnh nguy hiểm này một cách lâu dài, bảo vệ sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, để đưa được vắc xin vào sử dụng phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người và tất nhiên phải có những người tình nguyện để thử nghiệm.
|
Ngày 17/12, 3 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 “Made in Vietnam”. 5 ngày sau, tiếp tục có thêm 17 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 Nanocovax liều tiêm 25μg. Như vậy, đã có 20 trong tổng số 60 người tình nguyện của giai đoạn 1 được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Việt Nam. Còn rất nhiều người nữa đã đăng ký và rồi đây cũng sẽ được tham gia tiêm thử nghiệm để giúp các nhà khoa học đánh giá về tính an toàn, tính miễn dịch và hiệu lực của vắc xin trước khi đưa vào sản xuất đại trà.
Trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên đều trải qua quy trình kiểm tra sức khỏe rất nghiêm ngặt, và đương nhiên, các yếu tố an toàn cũng như quyền lợi của người tham gia luôn được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, vì là thử nghiệm nên khả năng rủi ro vẫn có thể xảy ra. Và, tôi chắc rằng, tất cả những tình nguyện viên đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 đều hiểu rất rõ những nguy cơ rủi ro.
Thế nhưng, vượt qua lo lắng, họ vẫn sẵn sàng mang sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình ra để phục vụ nghiên cứu khoa học. Bởi họ tin tưởng vào nền y học, vào trình độ, khả năng của các nhà khoa học Việt Nam và trên hết là vì một mục tiêu cao cả, đó là được góp một phần đưa vắc xin đặc trị vào sử dụng để chấm dứt nỗi lo của cả dân tộc về dịch Covid-19. Kết quả còn ở phía trước, nhưng rõ ràng, cùng với đội ngũ y, bác sĩ - những “chiến binh” trên tuyến đầu chống dịch - những tình nguyện viên xứng đáng là những người dũng cảm nhất trên trận tuyến đấu tranh với vi rút SARS-CoV-2.
Suốt thời gian qua, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này, nhất là ở giai đoạn quyết định, chúng ta đã nghe, gặp, thấy nhiều câu chuyện cảm động, những hành động cao cả thể hiện tinh thần Việt Nam. Vì Tổ quốc, đồng bào, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, niềm vui riêng. Đó là những y, bác sĩ đang công tác, những bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện viết đơn “ra trận”, xung phong đi vào những nơi tâm dịch để cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Đó là những chiến sĩ biên phòng âm thầm “thức cho dân ngủ” để giữ vững phòng, tuyến chống dịch nơi biên cương. Đó là những người dân tự nguyện xin tới các khu cách ly tập trung, chung sức cùng lực lượng chức năng tham gia tổ chức, phục vụ công tác cách ly. Đó là những cụ già, em nhỏ vui vẻ đem tặng số tiền tiết kiệm ít ỏi với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch.
Nhìn xa hơn, trong nhiều năm qua, các phong trào tình nguyện vì cộng đồng có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút được nhiều người tham gia với nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp. Ngày càng có nhiều hoạt động “nhường cơm, sẻ áo” với những người khó khăn hay sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào hiến máu tình nguyện.
Thậm chí có những người trước khi rời xa cuộc sống vẫn sẵn sàng hiến lại một phần cơ thể giúp cho người những không may mắn gặp phải những căn bệnh hiểm nghèo có cơ hội sống tiếp. Đó không chỉ là hành động nối dài sự sống mà còn là bài học về sự sẻ chia, về lòng cao thượng và tình nhân ái.
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” - cách nghĩ, cách làm ấy của những người luôn sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng giúp chúng ta thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp, việc tử tế vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thêm một chút sẻ chia để vơi bớt khó khăn, thêm một sự động viên giúp nghị lực kiên cường, thêm một sự hy sinh để nhiều người hạnh phúc hơn.
Thiên Hương