Sóng không chỉ ở sông

02/11/2020 06:14

Suốt cả tháng trời nay, đâu chỉ có dưới sông mới có sóng? Lòng người cũng cồn lên những con sóng đấy thôi. Cứ mưa lũ như vầy, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Ba mẹ nó đã bắt đầu lo lắng đến chuyện tiền ăn học của chị em nó. Rồi phố sẽ thiếu đi những bóng gùi bắp nếp, ngọn bí, rau muống, rau cải xanh rờn mới được hái, hỏi phố có buồn không?

Những đám mây tối thẫm, trĩu nước sà thấp, ậm è như đang cố ấn những mái nhà lún sâu vào doi đất lướt thướt bên bờ sông. Mưa tầm tã mấy ngày không dứt, lũ từ nguồn đổ về, dòng sông vốn hiền hòa trở nên hung dữ, gầm gào tung bọt đục ngầu, thỉnh thoảng những cuộn nước réo lên ùng ục, xô vào bờ, lăm le cuốn đi đất đai, hoa màu.

Hối hả ôm mớ rau bí hái vội ngoài vườn chạy vào nhà, mẹ nó ngó ra ngoài trời, bảo “mưa thế này chẳng mấy chốc mà bãi lại ngập ba Hlư à, buồn quá”.

Ba nó ngồi nhả khói thuốc đầu hè, nhìn trân trân ra phía bãi sông. Có khi nước đã ngập bờ ngập bãi rồi. Ông thở dài. Đây đã lần thứ ba trong tháng này, lần thứ tư trong 2 tháng qua, nước lũ về nhấn chìm bãi bồi ven sông. Hạt bắp giống nằm mốc meo trong giỏ không trỉa được; dây bí, dây khoai mới ngoi ngóp từ bùn lên lại bị đè xuống, thối dần.

Nó lắc mạnh đầu. Những tiếng thở dài của ba nó, tiếng mưa đổ sầm sập làm đầu nó váng vất. Như mọi năm, tầm này cả nhà nó, cả xóm nhỏ đang tất bật ngoài bãi. Tầm này, bãi bồi xanh biêng biếc khoai, bắp, bí, đậu.

Từ ngày còn nhỏ tí, đứng chưa cao bằng con dao phát rẫy, nó đã gắn bó với bãi bồi. Sáng sớm tinh mơ, cha mẹ ra bãi trỉa bắp, trồng khoai, nó cũng lũ trẻ trong làng lẽo đẽo chạy theo, lê la nghịch với đất cát, nắng lên nhảy ùm xuống sông vẫy vùng, nên da đứa nào cũng đen cháy, tóc vàng khét một màu. Lớn lên chút nữa, chúng săn chuột đồng, đào dế; nước lũ về ngập bãi thì bì bõm đặt lưới đánh cá...

Nước lũ về nhấn chìm bãi bồi ven sông. Ảnh: H.L

 

Nó lớn khôn lên cùng năm tháng qua đi. Bắt đầu biết buồn, mà toàn buồn chuyện đâu đâu. Mỗi lần như vậy, nó lại ra bãi, ngồi quay mặt ra sông, nhìn dòng nước biếng nhác trôi, nghe tiếng sóng vỗ lóc bóc nhè nhẹ vào mấy gốc cây khô. Sông và bãi như bạn tri kỷ của nó.

Nằm nghe mưa đập trên mái tôn, nó thèm vô cùng không khí rộn ràng buổi sáng, khi mọi người gọi nhau đi ruộng, đi rẫy; sự bình yên, man mác buổi chiều, khi những người phụ nữ lúi húi trong gian bếp nghi ngút khói, những người đàn ông trò chuyện trước hè, những đứa trẻ đùa giỡn dưới gốc cây, những cô con gái mới lớn từ bãi về, thả gấu váy che bắp chân tròn lẳn.

Làng của nó nhìn ra sông, đón nắng từ sông, uống gió từ sông. Có lẽ ở gần sông nên dân làng cũng hồn hậu, phóng khoáng như sông. Trong làng, nhà nhà đều không cửa, hoặc có thì cũng mở toang cho gió sông ùa vào, nhìn nhà là hiểu người, chân thật như bày cả gan ruột.

Không biết từ đời nào, dân làng đã gắn bó với sông và bãi bồi ven sông. Sông cho dân làng cá tôm, bồi đắp phù sa cho đất đai thêm màu mỡ. Bãi bồi cho lương thực, thực phẩm, dù kỳ giáp hạt cũng có củ khoai, trái bắp, mớ rau. Bao đời rồi, hết mùa bắp thì trồng bí, hết mùa bí thì trồng rau.

Trên bãi bồi, theo giọt mồ hôi rơi là mùa nào thức nấy. Khác với trước đây, đất bãi chỉ để trồng bắp, trồng mì, thả ít dây bí phục vụ nhu cầu hàng ngày của dân làng, bây giờ, mùa vụ và rau màu trồng trên bãi đã thay đổi theo nhu cầu thị trường. Với những bà nội trợ nơi phố xá, mấy gùi bắp nếp, ngọn bí, rau muống, rau cải xanh rờn được hái, được cắt từ bãi bồi luôn có sức hút đặc biệt.

Làm cỏ bắp trên bãi. Ảnh: H.L

 

Dẫu bãi bồi không đem lại cho dân làng sự giàu có, nhưng đủ để no ấm. Củ khoai, hạt bắp ngọt bùi, trái cà, ngọn bí tươi roi rói, thấm đẫm mồ hôi và cái tình cái nghĩa đằm sâu của những người nông dân chất phác.

Hết thảy mọi thứ ở đây đều làm cho người ta nhớ vì lạ, vì thương. Từ màu đất trắng phếch khi đất được nghỉ ngơi sau một mùa bận rộn, đến màu xanh rời rợi của rau màu khi vào vụ. Từ bóng nhà cao tầng như muốn chồm cả ra mặt sông bên bờ Bắc đến con thuyền độc mộc lui cui cặp bãi. Từ những ngày mùa khô, khúc sông qua làng cạn thấy đáy, dòng nước biếng nhác trôi, phải để ý lắm mới nghe tiếng sóng vỗ lóc bóc nhè nhẹ vào mấy gốc cây khô, đến mùa mưa, nước mấp mé bờ ngầu ngầu phù sa.

Rồi nắng thì rưng rức, gió thì cởi mở. Qua bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu nắng mưa, đủ cho một tình cảm thiêng liêng giữa người và bãi dần thành hình, bền chặt.

Tất nhiên cũng có những lúc sông giận dữ, nhấn chìm đất bãi, cuốn phăng hoa màu mà người dân một nắng hai sương làm ra. Nhưng số lần cuồng nộ ấy ít lắm. Dường như sông biết đất bãi cần lắng thêm, cần bồi đắp phù sa để tăng độ màu mỡ, nuôi hoa màu tốt tươi.  

Năm nay sao mà sông nổi giận nhiều thế. Nó lẩm bẩm. Hai tháng trời tới bốn đợt lũ về, nhấn chìm bãi dưới con nước đục ngầu, hung dữ.  

Chưa có gì làm cho người dân làng nó - vốn chịu thương chịu khó, cần cù- lại buồn, lại bứt rứt như việc không được ra bãi. Cứ nhìn cái kiểu đi đi lại lại trong nhà của ba nó là biết. Mới sáng sớm, ông đã đội mưa ra "xem bãi ngập chưa", non buổi lại đi, dù biết bãi bây giờ đã mênh mông nước. Đến chiều lại nhấp nhổm, làm mẹ nó phải nhấm nhẳng một hồi mới thôi.

Đất bãi chuẩn bị vào vụ mới. Ảnh: HL

 

Mà cũng phải. Suốt cả tháng trời nay, đâu chỉ có dưới sông mới có sóng? Lòng người cũng cồn lên những con sóng đấy thôi. Cứ mưa lũ như vầy, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Ba mẹ nó đã bắt đầu lo lắng đến chuyện tiền ăn học của chị em nó. Chị nó học lên đại học từ tiền bán rau màu trồng trên bãi sông.

Không ra được bãi, ba nó ôm khư khư cái radio nhỏ xíu được anh cán bộ xã tặng để nghe dự báo thời tiết. Vậy mà vẫn chưa yên, thỉnh thoảng ông lại giục nó xem facebook coi người ta đưa ảnh nước sông lên bao nhiêu, đã đến gốc cây muồng mà cả nhà nó hay ngồi nghỉ mát mỗi buổi trỉa hạt, làm cỏ hay chưa? 

Nó biết, trên facebook, zalo đang ngập hình ảnh lũ trên sông, nước ngập bờ, ngập bãi. Nhưng nó không xem, hay đúng hơn là không dám xem. Nó sợ phải thấy cảnh bãi bồi thân yêu của nó chìm dưới nước lũ. Lòng nó không nỡ.

Phố thiếu đi những bóng gùi bắp nếp, ngọn bí, rau muống, rau cải xanh rờn mới được hái, được cắt từ bãi bồi nhiều ngày như vậy, hỏi phố có buồn không?

Riêng nó thì buồn lắm! Đâu chỉ ở sông mới có sóng. Giờ trong lòng nó cũng có sóng cuộn.

Chợt ba nó vặn to radio. Đài báo bão đã tan, mưa sẽ ngừng. Vậy là lũ sẽ rút. Mẹ nó quày quả xuống bếp lôi mấy giỏ hạt giống ra xem. Đến lượt ba nó nhấm nhẳng : Mưa ngừng thì cũng còn lâu nước mới rút hết bãi, mẹ Hlư vội cái gì. Nói vậy nhưng ông cũng vùng dậy lụi cụi kiểm tra cán dao, cán cuốc.

Nó bật cười, nụ cười hiếm hoi trong những ngày qua, không biết ông đã kiểm tra bao nhiêu lần rồi.

Từ nơi xa, chị nó gọi điện về cứ thắc thỏm “không biết khi nào thì nước rút khỏi bãi”. Mẹ nó gạt đi: "Tụi bay đừng có nhắc miết như vậy, ba tụi bay sốt ruột”. Rồi day qua nó, mẹ bảo: "Con chạy ra coi nước lũ thế nào".

Nó ngạc nhiên khi thấy mẹ cười. Phải chăng nỗi lo lắng đã qua rồi? Lũ rút cũng chưa thể trỉa bắp, gieo hạt được ngay. Phải đợi đất khô đi, rồi cày, rồi cuốc lên, phơi ải đã.

Nhưng có sao đâu. Ba mẹ nó, cũng như dân làng, vẫn luôn sẵn sàng chờ ngày nước rút để gieo lại mầm xanh trên bãi.

Sóng trong lòng nó cũng lắng xuống sau nụ cười của mẹ!

Hồng Lam

Chuyên mục khác