Sớm có giải pháp hữu hiệu chống sạt lở ở bờ sông Đăk Snghé

03/07/2018 18:02

​Thời gian qua, dòng sông Đăk Snghé chảy qua địa bàn huyện Kon Rẫy xảy ra sạt lở ở một số đoạn tại các xã Đăk Ruồng, Tân Lập… làm thiệt hại về tài sản nhà cửa, hoa màu, cây cối và gây nguy hiểm cho các hộ dân sống ven sông. Điều đó gây ra lo lắng cho người dân nơi đây; họ mong rằng chính quyền địa phương khẩn trương có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng sạt lở hai bên bờ sông.

Qua phản ánh của người dân với Báo Kon Tum, chúng tôi về Kon Rẫy vào một ngày cuối tháng 6 để tìm hiểu về tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Đăk Snghé đoạn chảy qua các xã Đăk Ruồng, Tân Lập.

Đi dọc theo bờ sông Đăk Snghé, đoạn chảy qua thôn Kon Skôi, xã Đăk Ruồng và thôn 1, thôn 2 xã Tân Lập, chúng tôi thấy nhiều cây cối bị nước lũ đánh sụt xuống sát mép nước. Con đường giao thông chạy dọc thôn Kon Skôi ở một số đoạn bị tình trạng sạt lở của sông Đăk Snghé đã “ngoạm” vào một phần đường.

Ông A Toàn chỉ nền nhà một hộ dân đã di dời. Ảnh: L.S

 

Ông A Toàn - cán bộ Ban công tác Mặt trận thôn Kon Skôi cho biết: Mỗi khi vào mùa mưa, nước lũ dâng cao, chảy xiết khiến bờ sông sạt lở nặng, đe dọa cuộc sống của người dân. Nhà ông A Hai, ông A Gạch và bà Y Ble là những gia đình trong thôn - nơi có xảy ra hiện tượng sạt lở, đã được di dời về nơi ở mới an toàn. Sạt lở tiếp tục xảy ra ở những nơi đất bồi, đất ô nà trên địa phận thôn, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân trong thôn bị mất. Trước hiện tượng xâm thực của sông Đăk Snghé, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị xây dựng bờ kè chống sạt lở để tránh nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất và mất dần những ngôi nhà ven sông…

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Chương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, huyện chỉ đạo thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra thực trạng các vị trí bị sạt lở ở bờ sông Đăk Snghé, đoạn qua trung tâm huyện. Ngày 4/6/2018, huyện ban hành có Kế hoạch số 66/KH-UBND về khắc phục, chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé. Theo đó, huyện giao nhiệm vụ, xác định mốc thời gian hoàn thành các nội dung công việc cụ thể cho từng địa phương cơ sở và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Đến nay, địa phương hoàn thành việc đền bù nhà, đất và di dời 2 hộ dân tại khu sạt lở đến nơi ở mới (hộ ông A Gạch và bà Y Ble); tiến hành cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo ở khu vực nguy hiểm bị sạt lở; đồng thời, gia cố 1 cống thoát nước, làm mới đường tránh bằng bê tông khoảng 200m ở thôn Kon Skôi. Các xã Đăk Ruồng, Tân Lập thông báo người dân không qua lại khu vực sạt lở, vận động nhân dân trồng tre giữ đất, chống sạt lở và tạo cảnh quan môi trường.

Huyện Kon Rẫy đã tiến hành khảo sát và hoàn thành phương án gia cố bằng rọ đá, kè chống sạt lở tại các vị trí xung yếu. Về lâu dài, theo nguyện vọng của nhân dân, UBND huyện tiếp tục đề nghị các ngành chức năng và UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng kè chống sạt lở hai bên bờ sông Đăk Snghé, đoạn qua trung tâm huyện để tránh nguy cơ người dân bị mất nhà, mất đường đi, mất đất sản xuất và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Ông Huỳnh Minh Chương cho chúng tôi biết thêm về những công việc mà địa phương đã tiến hành và giải pháp lâu dài chống sạt lở hai bên bờ sông Đăk Snghé nhằm đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân.

Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, vào mùa mưa, nước dâng nhanh và chảy xiết nên rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, người dân đang sinh sống gần mé sông, ở gần các khu vực sạt lở cần chủ động nắm bắt tình hình, theo dõi mực nước, sự thay đổi của dòng chảy để chủ động phòng tránh. Ngoài ra, trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương cần trực 24/24, có phương án chủ động di dời và bố trí chỗ ở cho người dân khi nước lũ dâng cao, để tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Dương Lê

Chuyên mục khác