Sau lễ phát động

16/05/2023 06:14

Bạn nghĩ sao khi dự lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi công nhân, người lao động trực tiếp lại vắng bóng?

Hàng năm, khi tháng 5 đến, chúng ta lại được chứng kiến lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

Cho dù tổ chức ở địa phương nào đi chăng nữa, thì đều có quy mô khá hoành tráng và nhận được sự quan tâm của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương.

Mới đây nhất, ngày 10/5, lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 được tổ chức tại huyện Sa Thầy với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Nhiều nhà thầu thi công công trình thờ ơ với công tác bảo đảm an toàn lao động. Ảnh: HL

 

Theo báo cáo của ngành chức năng, năm 2022, công tác hướng dẫn, tuyên truyền các quy định pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được tăng cường, với nhiều hình thức phù hợp, đa dạng, phong phú, sát với điều kiện công tác, sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đã tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 4.861, đạt 29,57%, tăng 23,62% so với năm 2021. Toàn tỉnh có 1.825 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 39.121 người với số tiền thu hơn 6,1 tỷ đồng.

Có 10 đơn vị đã khai báo và được cấp giấy xác nhận khai báo sử dụng 289 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.

Cũng tại lễ phát động, đại diện ngành chức năng nhấn mạnh, trong thời gian tới, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, như xây dựng, khai khoáng, điện.

Điều không thể phủ nhận là việc tổ chức lễ phát động hoành tráng là cần thiết và đáng quý, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, các sở, ngành đối với lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

Mặt khác, còn tạo không khí tích cực, thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động quan tâm hơn đến lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sau những tràng vỗ tay, điều làm tôi băn khoăn là tới dự lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi công nhân, người lao động trực tiếp lại vắng bóng.

Người lao động dễ ‘’thỏa hiệp’’ về an toàn lao động do sức ép giữ việc làm. Ảnh: H.L

 

Càng trăn trở hơn với suy nghĩ: Điều đọng lại sau lễ phát động là gì? Liệu sau những tràng pháo tay, lễ phát động có đem lại hiệu quả thực chất, hay chỉ là những băng rôn viết khẩu hiệu, và các con số trong báo cáo?

Để đánh giá điều này một cách khoa học thì khó, bởi chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên quan giữa sự hoành tráng của lễ phát động với kết quả thực hiện trong năm đó.

Năm 2022, tỉnh ta ghi nhận số vụ tai nạn lao động tăng vọt so với năm 2021, với 7 vụ; làm 7 người bị nạn, 2 người chết, 5 người bị thương nặng. Riêng trong quý I/2023, đã có 2 vụ tai nạn lao động làm chết 3 người.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh đều tăng trong 3 năm 2018-2020.

Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, nhưng nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của con người lại chiếm tới 60%.

Chủ sử dụng lao động thường ít coi trọng việc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; không xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo hộ.

Về phía ngược lại, đa số người lao động không được trang bị kiến thức về an toàn lao động. Đặc biệt là không quan tâm, hoặc có quan tâm nhưng vì “tiết kiệm tiền” nên không tự trang bị bảo hộ lao động, hoặc đã quen với việc “dép lê và mũ lưỡi trai” ở công trường.

Mặt khác, do sức ép tìm việc làm để mưu sinh, nên người lao động dễ “thỏa hiệp” với chủ sử dụng lao động về vấn đề an toàn. 

Gần đây, trước nhà tôi, người ta đang xây dựng một ngôi nhà. Theo thiết kế thì đây là ngôi nhà 4 tầng, hiện thợ mới “lên gạch” tầng 2.

Trong sáng 10/5, trước khi diễn ra lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động, tôi bần thần nhìn một nữ phụ hồ đang tung từng viên gạch lên cho một người đứng trên tầng hai bắt lấy, xếp lại thành đống.

Bây giờ em chuẩn bị trước để lát nữa thợ chính có gạch xây. Lẽ ra có ròng rọc đưa gạch lên, nhưng do mới là tầng hai, làm vậy hơi… mất công, tung như thế này nhanh và tiện hơn, tranh thủ đi sớm làm chút là xong- chị phụ nữ giải thích.

Tôi không dám nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu người trên tầng hai bắt trượt viên gạch, hoặc chị mỏi tay tung hụt. Chắc có người cho rằng không có gì đáng ngại, vì nếu không may có chuyện như vậy thì vẫn có thể tránh một cách dễ dàng. Nhưng trên công trường, không thể nói trước được.

An toàn vẫn phải đặt lên trên hết! Như câu khẩu hiệu viết nguệch ngoạc bằng than ở cánh cổng tôn dùng để bảo vệ công trình ban đêm.

Khởi đầu Tháng hành động với một lễ phát động khí thế là điều hay. Tuy nhiên chúng ta không nên biến nó trở thành một hình thức hô hào, biểu dương lực lượng gây tốn kém tiền của và nguồn lực.

Điều quan trọng là sau lễ phát động ấy, mỗi người đều thấy rõ trách nhiệm của mình, trong tuân thủ quy định của pháp luật và lương tâm.

Để đảm bảo an toàn lao động, người sử dụng lao động cần chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại; tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động.

Bản thân người lao động phải có ý thức tự bảo vệ mình. Trong đó sẵn sàng và kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân.

Vì sự an toàn thật sự!

Hồng Lam

Chuyên mục khác