31/10/2018 07:05
Ở làng giờ người ta cũng ít đi chợ hơn, vừa tốn công vừa tốn xăng, vừa lại mua phải những thứ không sạch. Mắm muối bột ngọt đã có các quán đầu làng, giữa làng, cuối làng. Quán ở làng giờ không thiếu thứ gì, nhưng làng vẫn như quay lại thời tự cung tự cấp chứ không còn theo cái phong trào phải sống ăn sẵn như người phố.
Đầu tiên phải kể đến các món rau của làng, bữa cơm làng thức ăn chủ yếu là rau, cơm không rau khác gì đau không thuốc. Ngoài rau rừng, tùy thuộc vào mùa và các loại tìm hái được khi lên rẫy, ra nương mà các loại rau làng có sự thay đổi theo mùa: Mùa đậu thì có ngọn đậu, mùa bí có rau bí, mùa bầu có rau bầu, và ở làng chủ yếu là các loại rau tự nhiên, hoặc nếu có trồng thì thói quen canh tác lâu nay của người làng cũng không sử dụng các loại phân thuốc như ở phố. Rau dớn, rau tàu bay, lá bép, lá é, lá khổ qua rừng, mùa nắng hiếm chút thôi, chứ mùa mưa ra khỏi làng một lúc thì nhiều vô kể.
Rau làng chế biến đủ thứ món: Luộc, nấu canh, xào, nộm, ăn sống... Mỗi loại rau có mùi và những vị hắc, đắng, ngọt, độ mềm hoặc nhớt khác nhau, nhưng ngon thì đừng có hỏi. Khéo kết hợp rau với chút thịt, cá thì món rau làng tuyệt hảo hơn nhưng vẫn giữ được hương vị rừng thuần khiết vốn có của làng.
Món đặc sản của làng vẫn là măng rừng, từ măng mà thành nhiều món ngon như măng ngâm ớt, măng chua nấu với cá suối, măng tươi xào, luộc, măng khô ninh, hầm mỗi khi có được miếng xương heo. Măng khô tước nhỏ xào thập cẩm với các sản vật của rừng thì rất khoái khẩu dù là người sành ăn đến đâu.
Đất làng giờ một chút cũng không bỏ hoang, rẫy cà phê, rẫy bắp đều được trồng xen đậu lạc, vừa tốt đất vừa có củ để người ăn, thân cây nuôi bò nuôi cá. Dầu ăn đã không còn đi mua nữa. Chịu khó trồng lấy đám lạc và ép dầu là đủ ăn quanh năm, dư ra còn làm quà, tặng biếu. Nghe nói dầu lạc rất tốt với sức khỏe nó làm tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa ung thư, tim mạch, giảm đau do viêm khớp, giảm nguy cơ bị cao huyết áp, có lợi cho người bị tiểu đường. Người thành phố về làng mà được biếu chai dầu lạc thì thích thú lắm.
Hồi trước những rẫy cà phê của người làng cho người ta đặt nhờ những thùng nuôi ong, giờ thì có nhà cũng học mót được nghề. Hoa cà phê tàn, có nhà quay mật ong là người làng xúm tụ lại thử tí mật nuôi xem nó khác mật rừng thế nào, rồi mua lấy một vài lít dùng dần, nhà nuôi bán cũng chỉ là tượng trưng vài chục nghìn thôi không đắt như các đại lý mật ong phấn hoa ngoài phố, hỷ hỷ hả hả đôi bên cùng vui.
Người làng giờ cũng không mê mật ong rừng nữa vì mật rừng giờ hiếm lắm rồi, có người bán thì cũng là mật từ đẩu từ đâu mang lên giả làm người làng đi bán, người mua cứ nghĩ là mật ong rừng, mua thì dễ lầm chứ người bán mấy khi lầm.
Heo làng nuôi được giờ cũng không bán ra ngoài. Một nhà nuôi được con heo vừa lớn, cả xóm xúm lại mua chung làm thịt chia nhau, nhà có tủ lạnh thì cất tủ, nhà không thì treo gác bếp ăn dần. Gặp hôm đụng heo làng vui như tết ngày xưa.
Cá cũng thế, có nhà tát ao là cả xóm đến đó mua, cá trắm ao nhà toàn ăn rau cỏ cắt về từ rừng, từ rẫy nên nuôi một hai năm cũng chỉ chừng hai kí, thịt chắc thơm ngon. Bắt lên bờ ao con nào họ xí mua con đó, chủ ao cũng phải giấu trước vài con chứ không tát xong thì không có cái đãi bạn.
Cà phê của thành phố với làng chỉ là thứ uống chơi chứ người làng không tin lắm đó là nguyên chất. Về làng mùa cà phê chín muốn cà phê chồn chính cống cũng không quá khó, nhưng không có nhiều. Đi ven những rẫy cà phê hơi xa xa làng một chút thỉnh thoảng gặp những thỏi phân chồn còn nguyên hạt cà phê nhân. Thức ăn ưa thích của những con chồn hoang từ các bụi rậm mò ra chúng trèo lên các cây cà phê và chọn ăn những trái mọng chín đỏ nhất, nhưng dạ dày của chúng chỉ tiêu hóa được phần thịt bên ngoài của quả cà phê nên sau đó đã thải những hạt cà phê ra cùng với phân của chúng. Người làng đi lượm phân có lẫn hạt cà phê rồi rửa sạch sau đó rang hạt cà phê lên để làm đồ uống loại này chỉ làm để uống thưởng thức không dư để cho tặng hoặc bán, không có thứ cà phê nào ở phố sánh bằng.
Năm này qua năm khác làng vẫn bình yên, tĩnh lặng, mùa nối mùa, mùa nào thức nấy, những sản vật của làng cũng kịp nuôi lớn những đứa con của làng. Nhiều đứa đã ra khỏi cổng làng bươn chải mưu sinh nhưng vẫn khôn nguôi nỗi nhớ theo mùa.
Hoàng Việt