Sâm dây, mùa lá

09/08/2020 13:05

Vì mọc lan trong rừng, trên rẫy, nên vào mùa mưa, lá sâm dây tốt lắm, hay được các gia đình hái về nấu canh. Cách dùng đơn giản là cả dây sâm được cắt ra, nhặt lá, bỏ cọng. Lá sâm dây nấu canh, làm lẩu…, càng “đặc sản” hơn là lẩu gà lá sâm. Tranh thủ thời gian nông nhàn mùa mưa, lá sâm tưởng như không khó để cắt nhiều...

Tháng mưa này, chúng tôi lại về Ngọc Linh. Vùng rẫy cũ của chàng trai mới gặp vài lần đã trở nên thân thiết nằm xa nhà, đường ngoằn ngoèo. Mưa nhiều khiến lối mòn dốc cao bị bạt ra, len bước chênh vênh, khó đi hơn. “Không mưa nhiều, làm sao tốt được thế này!” - ông chủ trẻ của rẫy sâm dây cười nheo mắt.

Đúng vậy. Ngồi bệt xuống mặt đất ẩm, chị bạn huơ một vòng tay, như muốn ôm cả vạt sâm dây vào người.            

Từ bờ rẫy thấp nhìn hắt lên, cả một vùng dốc thoải xanh trải dài theo tầm mắt.      

Xuống giống cách nay hơn ba tháng, đến đầu năm sau là vào kỳ thu hoạch loài dược liệu đặc hữu này. Từ giờ cho đến khi ấy, mấy tháng mưa có thể được xem là thời gian nông nhàn của những người đã quen với ruộng rẫy.      

Nông nhàn, bởi giai đoạn này là mùa sinh trưởng chính của sâm dây. Được sinh ra từ rừng, từ thuở xa xưa, cây sâm đã tự lên, tự rụi. Mặc cho nắng mưa và vượt lên cỏ dại, sâm dây (đảng sâm, hay hồng đẳng sâm) vẫn tạo ra thứ củ trắng ngà nồng thơm, bổ dưỡng, đáng quý của mình. Bây giờ, khi không còn mọc hoang dã, xa xôi, mà được đưa từ vùng sâu về rẫy gần, đất thục, nó vẫn chân chất vươn lên, không cần phân bón. Mùa mưa như thêm dưỡng chất, sâm dây thêm tốt tươi. 

Người dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông thu hái lá sâm dây. Ảnh: XB 

 

Không chỉ hiểu rõ công dụng của củ sâm dây với những đặc điểm dược tính nổi trội, từ thời còn tự cấp tự túc, ngay cả lá của nó, người dân dưới núi Ngọc Linh cũng đã rành. Vì mọc lan trong rừng, trên rẫy, nên vào mùa mưa, lá sâm dây tốt lắm, hay được các gia đình hái về nấu canh. Thường chỉ một bát canh suông cũng no lòng mát dạ bữa cơm nhà.

Cách dùng đơn giản là cả dây sâm được cắt ra, nhặt lá, bỏ cọng. Lá sâm dây nấu canh, làm lẩu…, càng “đặc sản” hơn là lẩu gà lá sâm. Tranh thủ thời gian nông nhàn mùa mưa, lá sâm tưởng như không khó để cắt  nhiều...

Tưởng là có thể tùy thu, song sâm dây ở rẫy cao phải đâu là thế. “Nếu cứ tùy tiện cắt đi, làm sao tạo thành củ tốt?…”. Vậy nên, theo anh bạn trẻ chủ vườn, lá cây sâm dây mà thu theo kiểu “tận diệt” hòng mang lại ít tiền trước mắt, thì lấy đâu ra lợi ích lâu dài?! Vì thế mới hay, trong suốt cả mùa “hoàng kim” của lá sâm, người trồng không thể cắt hái tràn lan làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.

Chẳng khác gì những loại rau rừng lành tính, sâm dây mọc khỏe, sức dai.

Bền bỉ khoảng một năm kể từ khi xuống cây giống hay một năm rưỡi sau lúc gieo hạt, đến lúc chuẩn bị thu hoạch củ, lá sâm vẫn còn vươn xanh. Sâm dây ở giai đoạn cuối mới được thu luôn “thân già, lá cỗi”. Lúc này mới chính là “mùa” để thỏa thích ăn lá sâm mà không e ngại, băn khoăn. 

Từ trên đồi cao trông xuống, những vạt sâm dây xanh mát một màu. “Đang mùa sâm lá nghỉ ngơi, người ta hỏi nhiều, nhưng mình không nỡ cắt” - Vẫn anh chủ rẫy nhỏ nhẹ.         

Có đến nơi này mới hay, người trồng sâm dây không hề tùy tiện.

Chạnh nghĩ, có thể những năm gần đây, chỗ nọ chỗ kia đã xuất hiện không ít địa chỉ chuyên cung cấp lá sâm dây theo nhu cầu ẩm thực. Thì ra, sâm dây được trồng đại trà, sâm dây được trồng để chuyên lấy lá.

Đó không phải loại đảng sâm núi rừng của những người rất thật lòng mà chúng tôi đã gặp khi trở lại Ngọc Linh… Hẳn là vậy.

THANH NHƯ

Chuyên mục khác