Sắc màu hoa cỏ

23/03/2021 13:02

Không phải như hoa đào, mai, chỉ nở vào mùa xuân; khắp bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đều có hoa dại nở. Mỗi loại hoa có một nét riêng, khiến vùng Bắc Tây Nguyên thêm phần thơ mộng.

Gây ấn tượng đầu tiên với tôi là những bông cỏ đuôi chồn - loại cỏ đẹp theo phong cách hoang dã. Cỏ đuôi chồn mọc thành cả một vạt lớn và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Bông cỏ có màu hồng nhạt, lông mềm mượt, mỗi khi gió đến, cỏ tung ra những cánh hoa mềm mượt, gửi theo làn gió hương vị của vùng đất Bắc Tây Nguyên.

Hay loài hoa ngũ sắc. Loài hoa này thường mọc ở hai bên đường và những thửa ruộng bỏ hoang. Hoa ngũ sắc với những cánh hoa nhỏ nhoi nhưng nhiều màu thấp thoáng trong lá: đỏ, cam, hồng, vàng, tím... cùng trên một bông hoa. Ngày còn ở quê, chúng tôi thường hay bứt cây để nấu nước gội đầu. Cái mùi thơm nhẹ của hoa khắc sâu mãi trong kí ức tuổi thơ bình dị thôn quê. Và phải dừng lại thật lâu, nhìn thật kĩ mới thấy được cánh hoa đọng đầy nước mưa lung linh, dịu nhẹ, kín đáo nấp mình trong lá nhưng kiên cường chống chọi với thời tiết khắc nghiệt để bốn mùa vẫn tươi tốt, nồng nàn hương thơm khó quên. Dùng cây hoa ngũ sắc chữa viêm xoang là mẹo trị bệnh được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, mẹo chữa này có tác dụng giảm viêm các mô xoang, thúc đẩy bài tiết dịch đờm, cải thiện nghẹt mũi, thở khò khè và giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Xuyến chi lặng lẽ nhưng xao xuyến lòng người qua đường. Ảnh minh họa

 

Cũng như cây ngũ sắc, loài hoa cúc quỳ cũng trải thảm vàng rực hai bên đường. Cúc quỳ nở khi mùa khô đến. Càng là vùng đất cằn, vùng đất hẻo lánh, cúc quỳ càng sung sức phô sắc rực rỡ. Dọc đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Đăk Glei về huyện Ngọc Hồi, chúng ta có thể nhìn thấy những vạt cúc quỳ đang mùa nở vàng rộ. Cái mùi hăng hắc của cúc quỳ thấm dần vào hơi thở để rồi đi vào tiềm thức của người yêu mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên này. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ dừng lại thật lâu bên cúc quỳ để lưu lại lâu hơn nữa những cảm xúc không phô trương nhưng nồng nàn.

Và chẳng mấy ai để ý đến loài hoa tím dịu dàng, e lệ nhỏ nhoi nhưng vẫn cố vươn lên với những chiếc gai sắc nhọn. Người đời gán cho cái tên cây xấu hổ. Chỉ có những tâm hồn nhạy cảm, yêu thương, trân trọng những giá trị tinh thần của tự nhiên ban tặng mới phát hiện ra sắc tím bình yên trong bông hoa li ti cánh ấy.

Mỗi chiều Chủ nhật, tôi lại chạy vòng quanh thành phố Kon Tum, nhìn những khu đất trống với bạt ngàn hoa xuyến chi trắng muốt, mảnh mai trong gió hanh cuối mùa. Hình như cung đường nào của vùng Bắc Tây Nguyên cũng có xuyến chi. Xuyến chi nở quanh năm. Xuyến chi lặng lẽ nhưng xao xuyến lòng người qua đường. Có lẽ bởi cánh mỏng manh quá mà từ khi mới nở ra, xuyến chi đã bị gió trêu đùa thổi cánh hoa rơi.

Chỉ ít ngày nữa là mùa của hoa cộng sản hay còn gọi là cây cỏ hôi. Khắp các vạt đất hoang đều trở thành nơi cộng sản sinh sôi nảy nở. Bông cộng sản nhỏ, trắng, phơn phớt tím bạt ngàn, bạt ngàn trong nắng. Không rực rỡ kiêu sa, không phô trương, hào nhoáng nhưng nhìn vào rừng hoa cộng sản ấy, ai cũng như được tiếp thêm nghị lực từ sức sống mãnh liệt của loại cây hoang dại này. Bông cỏ hôi trải thảm trắng tím mượt mà dưới những tán lá cao su cho lữ khách mê mẩn không nỡ rời bước.

Hoa cỏ ở vùng Bắc Tây Nguyên có sức sống mãnh liệt. Tôi tự hào về vùng đất Bắc Tây Nguyên với bao mùa hoa nở, trong đó có những loài hoa dại này. 

Mạnh Thắng

Chuyên mục khác