Rưng rưng mùa lũ

25/10/2020 06:10

Cơn lũ dữ đi qua để lại bao bùn đất và bao nước mắt. Những đôi mắt vô vọng của cụ già, em nhỏ ló qua viên ngói dỡ vội trên mái nhà, những tiếng khóc khản đặc vì bất lực, những đôi chân lem luốc bùn đất quánh đặc, những ngôi nhà tan hoang sau lũ, những bữa ăn cho qua bữa, những nỗi lo cho kế sinh nhai chặng đường phía trước… mà con rưng rưng.

Nghe tin nước từ thượng nguồn đổ về, mưa vẫn tuôn ào ạt, cả vùng trong đêm mênh mông biển nước mà ruột gan rối bời. Vốn là “thánh ngủ” nhưng đến nửa đêm mà con vẫn không tài nào chợp mắt được. Cứ nghĩ cảnh mẹ cha ngoài 70 tuổi, mắt mờ, lưng còng, chân yếu, tay run đang ngồi co ro trên chiếc bàn được chất chồng trên chiếc giường và chiếc giường lại được chất chồng trên 4 chiếc ghế ở giữa mênh mông nước, giữa đêm tối thăm thẳm là nước mắt lại tuôn rơi.

Vốn là dân miền Trung, con đã quen cảnh bưng đồ, kê dọn chạy lụt. Ngày con còn nhỏ, năm trời thương thì nước xâm xấp ngoài Quốc lộ 1A, năm trúng cơn thịnh nộ của thiên nhiên thì nước vào ngập nhà cửa, cuốn trôi, ngâm đồ đạc. Ba bề bốn bên mênh mông nước. Đồng đất, nền nhà, tường nhà ngậm nước lâu ngày như chực nhũn ra, ngã đổ.

Ban ngày, chúng con nhắng nhít cả lên. Mẹ vừa lúi húi nấu cơm bên chiếc bếp kê tạm trên bàn vừa ngoái lại la hét hết đứa này đến đứa kia, bảo im ắng chờ cho nước rút ra khỏi nhà. Nhưng chúng con chẳng thể đợi chờ lâu, chỉ cần mẹ mải dọn dẹp, lo cơm nước, chúng con lại bắt đầu điệp khúc nhắng nhít. Khi ấy có lũ lụt lại thấy vui, đường ngập, trường ngập, ắt được nghỉ học. Lụt nhỏ, nước ngập ngoài Quốc lộ, tụi con lại rủ rê nhau lội nước, ngóng xem đánh cá, ngắm nghía dãy xe ô tô chạy tuyến Bắc - Nam nối đuôi nhau dài gần chục cây số bị mắc kẹt; lụt lớn, nước ngập nhà, chân tay ngứa ngáy ngồi chờ nước rút mấy anh chị em chọc ghẹo nhau. Bữa ăn thì chẳng phải lo. Mẹ giỏi căn cơ, lo toan nên bữa cơm vẫn có mớ rau hái vội trước khi bị ngập nước, mắm cá kho mặn với thịt, muối vừng, chúng con lại ăn ngon, ăn khỏe hơn ngày thường. Đêm đến, trên chiếc giường vốn được chất chồng kê bao nhiêu thứ, cha mẹ ngồi dựa vào vách canh mực nước, chúng con nằm ngủ lăn lóc, trong tiếng vo ve của muỗi, tiếng nước vỗ  ì oạp vào vách tường. Trẻ con mà, hồn nhiên, vô ưu đến lạ. Nào đâu biết nỗi lòng bộn bề lo toan của mẹ cha khi vẫn lắng nghe mưa tuôn xối xả tràn trề, nhảy nhót trượt dài trên mái nhà rêu phong.

Nước từ thượng nguồn đổ về, mưa vẫn tuôn ào ạt, cả vùng mênh mông biển nước. Ảnh: Vnexpress

 

Bão lũ đi qua, ruộng vườn tan hoang. Cây cối dầm mình trong nước bao ngày khi nắng lên héo rũ. Cỏ cây, nhà cửa, đồ đạc phủ dày lớp bùn non. Nhà nhà lại công cuộc bưng bê kê dọn trở lại vị trí cũ. Ai nấy tay thau, tay giẻ lau từng vật dụng, ngóc ngách trong nhà. Dầm mưa lũ, nước ăn bợt các kẽ ngón chân. Có năm, nước vừa rút, nhà mình dưới sự chỉ huy của “mama tổng quản” (cách gọi đùa vui về mẹ) lăn lộn dọn dẹp, út ít nhỏ tuổi như con cũng không được tha; vừa dọn dẹp xong cho đợt lụt trước, đợt lụt sau lại đến, nước tràn vào nhà và lại bắt đầu hành trình khiêng kê, bưng dọn…

Nhớ về những mùa lũ lụt năm nào lại thương mẹ cha, thương người dân miền Trung nằm trong vùng rốn lũ đến nao lòng. Nước thượng nguồn đổ về, mưa trên trời trút xuống, sức đâu mà chống mà chèo.

Mỗi lần nghe đài báo tin lũ lụt ở đâu đó, con lại thở dài. Lập nghiệp miền đất mới, vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ mẹ cha, day dứt với vùng quê nhọc nhằn bão lũ. Người quê mình bao đời lam lũ, bám trụ quê hương tìm kế sinh nhai, hàng năm luôn phải hứng chịu những nhọc nhằn, thiệt hại của cuộc “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” của thủy thần.

Nhưng chẳng năm nào như năm này. Trở tay không kịp. Lúc đầu cả cha mẹ ngoài đó, tụi con trong này đều nghĩ giỏi lắm nước chỉ lên xâm xấp thềm nhà, vì nhà mình đã xây mới lại, tôn cao nền so với đỉnh lũ các năm. Ngờ đâu. Nước lên mỗi lúc một nhanh. Trời mỗi lúc một tối. Mưa vẫn nặng hạt. Những phương án ban đầu đưa ra không khả thi. Hàng xóm rồi cũng phải về lo nhà mình. Chỉ còn cha mẹ lụm khụm bưng bê kê dọn. Sức thì yếu, dầm mình trong nước bạc từ thượng nguồn đổ về. Chúng con từ xa bàn bạc các phương án. Sợ cha mẹ phân tâm, sợ không đủ pin điện thoại để gọi cứu hộ khi cần, chúng con thống nhất phân công người đứng ra gọi điện, vừa hướng dẫn, vừa động viên, vừa nhắc nhở cha mẹ không được dầm mình trong nước cố vớt vát đồ đạc, mục tiêu tối thượng là giữ gìn sức khỏe, tính mạng.

Trong bộn bề lo âu, mở facebook, zalo, tràn ngập thông tin anh em, bạn bè chia sẻ, nơi này kêu cứu vì ngập nóc nhà, nơi kia xe khách trôi, nơi nọ có người thiệt mạng vì lật đò, vì đuối nước, vì quá sức do dọn lụt… mà lòng như lửa đốt. Nước vẫn cứ lên, mưa vẫn cứ rơi và cha mẹ vẫn cứ lay lắt trên chiếc bàn chúng con vẫn ngồi học ngày xưa.

Người dân trú trên nóc nhà, chờ đoàn cứu hộ tiếp tế lương thực. Ảnh: VNexpress

 

Từ xa, chúng con gọi cứu hộ đưa cha mẹ di tản. Thương cha mẹ lụm khụm, khó nhọc trèo lên con thuyền cứu hộ, vượt qua giữa dòng nước xiết. Khi biết cha mẹ bình an, đến được nơi trú ngụ, cả 5 anh chị em chúng con an lòng sau 2 ngày, 1 đêm thao thức không ngủ.

Nhưng, nào đâu đã yên… Đọc những thông tin còn bao gia đình quê mình thiệt hại về người, về của và con số thiệt hại qua từng ngày lại dài thêm mà con không khỏi xót xa. Bao nhiêu người bị tước đi mạng sống là bấy nhiêu bi kịch gia đình. Rồi những cặm cụi, ki cóp cả một đời phút chốc xóa sạch, trắng tay. Nhà cửa tan hoang, tài sản trôi theo con nước ra mênh mông biển cả, ruộng đồng ngập úng... Cơn lũ dữ đi qua để lại bao bùn đất và bao nước mắt. Những đôi mắt vô vọng của cụ già, em nhỏ ló qua viên ngói dỡ vội trên mái nhà, những tiếng khóc khản đặc vì bất lực, những đôi chân lem luốc bùn đất quánh đặc, những ngôi nhà tan hoang sau lũ, những bữa ăn cho qua bữa, những nỗi lo cho kế sinh nhai chặng đường phía trước… mà con rưng rưng.

Bầu bí thương nhau, người góp của, người góp công, cả nước đang hướng về miền Trung, giúp quê mình đi qua cơn lũ dữ. Con bỗng nhớ đến bài dân ca “Mười quả trứng” của người Bình - Trị - Thiên quê mình mà hồi nhỏ mẹ vẫn hay đọc cho con nghe: “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” như một niềm hy vọng cất lên từ bao khó nhọc. Người quê mình cần cù, chịu thương chịu khó. Người quê mình nghị lực và kiên cường. Qua thời gian, từ mặt đất vốn mênh mông biển nước, đặc quánh bùn lầy sẽ lại là nơi ngô khoai, thóc lúa tái sinh.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác