Rưng rức mùa Vu lan

29/08/2023 13:00

Hạnh phúc thay cho những ai còn cha mẹ để được báo hiếu; rưng rức buồn khi cha mẹ đã “đi xa”.

Thu đến. Đâu đó những cơn gió lạnh lại tràn về. Trời đất giao hòa, mưa ngâu lại đến. Một sự trùng hợp, mùa mưa ngâu, cũng là mùa Vu lan báo hiếu. Mưa ngâu hay mưa trong lòng, mỗi khi chúng ta nghĩ về cha mẹ – đấng sinh thành của mình.

Trong ta, không ai không có cha mẹ. Và trong tim mỗi người, cha mẹ luôn là hiện thân những gì cao đẹp nhất. Nghĩ về cha mẹ, đâu đó trong ta lại nhói lên nỗi niềm bởi đôi khi ta không tránh khỏi những sai sót của đạo làm con, khó đáp đền hết công ơn sinh thành, dưỡng dục.

Không phải ngẫu nhiên, những câu ca dao xưa: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” hay “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” vẫn sống cùng năm tháng. Nghe nhiều, nói nhiều, nhưng khó ai có thể nói mình đã làm tròn bổn phận hiếu nghĩa với cha mẹ.

Bởi trong chúng ta, dù ai cũng luôn có lòng báo đáp, nhưng vì lăn lộn mưu sinh hay vì công danh, sự nghiệp mà có lúc ta chưa làm tròn đạo hiếu và không tránh khỏi làm cha mẹ chạnh lòng.

Mùa Vu lan, phật tử và người dân thường đi lễ chùa. Ảnh: VN

 

Chín tháng mẹ mang nặng đẻ đau; dưỡng dục, nuôi ta thành người, nhưng cha mẹ không bao giờ oán thán và luôn dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Có những gia cảnh khốn khó, cha mẹ có thể ăn đói, mặc rách, nhưng luôn dành cho con sự no ấm, lành lặn.

Ngay cả khi ta trưởng thành, lập nghiệp, bon chen ngoài xã hội, cha mẹ vẫn không hết nguôi ngoai. Có lúc vì mải mê với công việc, ta xao nhãng đạo làm con, làm cha mẹ buồn, nhưng nhiều khi ta lại không để ý. Dù vậy, cha mẹ vẫn luôn bao dung, thương yêu ta hết mực.

Chợt nhớ đến câu thơ “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”, ta lại thấy lòng mình nghèn nghẹn.

Hạnh phúc thay cho những ai còn cha mẹ, còn dịp để báo hiếu. Trong những ngày tháng này, có dịp về thăm cha mẹ hay hỏi thăm cha mẹ. Đừng để cha mẹ “ra đi” rồi mới bày tỏ công ơn, mới làm mâm cao cỗ đầy. Và cũng đừng nghĩ rằng, cha mẹ thương con là bổn phận mà cho phép mình sao nhãng với đấng sinh thành.

Và cũng đừng nghĩ mẹ cho bú mớm, nâng niu, ru đưa ta vào giấc ngủ, vui khi thấy ta chóng lớn, ngoan, học hành tiến bộ, lo lắng trong những lúc ta trái gió trở trời hay ham chơi quên việc học, không lo rèn luyện, tu dưỡng; cha nặng gánh mưu sinh, lo cho cả nhà sung túc là bổn phận. Nếu nghĩ vậy, ta sẽ quên đi trách nhiệm của đạo làm con, trách nhiệm báo hiếu, thiếu lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên, nguồn cội.

Chính vì vậy, người xưa luôn nhắc nhở đạo làm con: “Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con”.

 Công cha, nghĩa mẹ thật to lớn và người xưa khéo léo nhắc ta qua câu ca dao: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”… Không nói lúc thiếu thời ta sống dựa dẫm vào cha mẹ, ngay cả lúc thành gia thất, tóc bạc, cha mẹ vẫn dành hết tình thương cho ta, cho cháu. Hay ngay cả lúc ta sai sót, cha mẹ giận ta, nhưng vẫn luôn mở lòng tha thứ và bao dung.

Có người nói, cha mẹ là Phật trong mỗi ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta không phải tìm Phật ở đâu xa.

Trong kinh Nhẫn nhục, Đức Phật dạy: “Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều ác cùng cực chẳng gì bằng bất hiếu”. Luật nhà Nguyễn (Hoàng Việt luật lệ) xác định bất hiếu là một trong mười tội ác nghiêm trọng (“thập ác”), không thể dung thứ.

Mùa Vu lan về, lại thấy nhớ, thấy thương cha mẹ.

Trong những ngày này, nhiều Phật tử noi gương hiếu hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên -  một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật - đến các chùa lễ Phật, thắp nhang trầm thành kính bày tỏ lòng tri ân với cha mẹ đã mất và cầu mong cha mẹ mình được siêu thoát; hay học theo gương hiếu hạnh để thấm nhuần đạo làm con, sống hiếu hạnh với cha mẹ hiện tiền.

Hạnh phúc thay cho những ai còn cha mẹ để được báo hiếu; rưng rức buồn khi cha mẹ đã “đi xa”. Những giọt nước mắt của lòng từ bi sẽ làm cho lòng ta nhẹ nhõm, ấm áp hơn trong mùa Vu lan. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác