Rừng đầu nguồn

22/09/2022 06:05

Tốp người lặng lẽ xuyên rừng. Sột soạt. Sột soạt. Tiếng chân bước trên tầng lá khô vang lên giữa không gian tĩnh mịch của rừng già. Họ đã đi như thế cả buổi sáng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Từ những chuyến đi miệt mài ấy mà rừng đầu nguồn luôn yên bình.

Một tốp người đang xuyên rừng. Ánh mắt cậu thanh niên đi đầu căng ra mỗi khi đi qua những con đường mòn mảnh như sợi chỉ ẩn dưới cỏ dại. Suốt cả chuyến đi, chưa bao giờ cậu thôi cảnh giác.

Từ cuối hàng người, già A Sinh rảo bước vượt lên trước, vỗ vai cậu thanh niên: A Phong à, trưa rồi, nghỉ ăn cơm thôi. Cậu thanh niên tên A Phong cười, khoe hàm răng trắng lấp lóa, khuôn mặt giãn ra.

Mình là thanh niên, còn có thể đi được, nhưng phải nghĩ đến già A Sinh và mọi người- cậu nghĩ.

Gần 10 năm nay, từ khi làng được giao quản lý, bảo vệ hơn 55ha rừng đầu nguồn, thì những chuyến đi tuần tra rừng như hôm nay đã rất quen thuộc với dân làng. Tất cả đàn ông, trai tráng trong làng được chia thành nhiều tổ, thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng.

Mọi người chọn một bãi cỏ dưới gốc cổ thụ. A Phong nhanh nhẹn chặt mấy lá chuối rừng trải xuống cỏ. Mấy ống cơm, thịt nướng, muối ớt, canh lá rừng đựng trong ống lồ ô được bày ra. Cơm, thịt nướng đã được chuẩn bị sẵn từ đêm, sáng dậy chỉ còn nấu canh và soạn bầu nước.

Già A Sinh cười hiền hậu, nhìn mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Hôm nay, mới hơn 5 giờ sáng, già đã thức dậy cùng mọi người bắt đầu chuyến đi rừng.

Trước chuyến tuần tra rừng. Ảnh: H.L

 

Dân làng muốn già ở nhà nghỉ ngơi vì tuổi đã cao, nhưng già không chịu. “Với người Gia Rai mình, rừng là nhà, ôm ấp, chở che và nuôi sống dân làng. Vì vậy, đời đời người Gia Rai phải giữ rừng như giữ nhà. Già còn sức thi còn đi, để làm gương cho con cháu”- già nói.

Bữa cơm trưa diễn ra nhanh gọn. Mọi người tản ra xung quanh, tìm một gốc cây tranh thủ ngả lưng. Chợt già A sinh quát nhỏ A Nuih làm mọi người giật mình choàng tỉnh nhìn xung quanh. A Phong cười cười lắc đầu khi thấy A Nuih xanh mặt, lúng túng vùi điếu thuốc xuống đất.

Thì ra theo thói quen, khi ăn xong A Nuih thèm thuốc, lén cuốn điếu thuốc lá to như ngón tay, vừa định bật lửa thì già A Sinh phát hiện.

“Hôm nay A Nuih đi lần đầu, nên còn chưa quen, già không phạt, nhưng phải nhớ rõ ràng những gì được làm, không được làm trong rừng, nhất là tuyệt đối không được hút thuốc”- già A Sinh nghiêm khắc.

Với dân làng thì rừng đầu nguồn chính là “rừng thiêng”, là “rừng cấm”, được bảo vệ cả bằng luật pháp và luật tục của làng, không ai có thể vi phạm, xâm hại.

Dựa vào gốc cây lớn, A Phong mơ màng nhớ về câu chuyện giữ rừng thiêng của làng. Già A Sinh thường kể: Từ lâu lắm rồi, hồi già còn thanh niên, làng di dời từ núi cao về đây. Khi ấy, rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề, làng nằm trơ trọi dưới chân núi, con suối chảy qua làng cạn kiệt, không còn bắt được giọt nước nữa.

Sau này, dân làng được vận động đào giếng lấy nước. Nhưng các giếng cũng cạn kiệt vào mùa khô. Hàng năm, làng vẫn tổ chức lễ cúng giọt nước, nhưng vì không còn nguồn nước, thay vì cúng ở rừng thì dân làng chỉ tổ chức tượng trưng tại nhà rông. Rừng hết cây lớn, người già lo hồn vía của người chết không còn nơi trú ngụ. 

Cho đến một ngày, cũng khá lâu rồi, khoảng giữa năm 2013, cán bộ huyện, xã vào làng, dẫn theo những người lạ nhưng thân thiện. Nghe cán bộ xã phổ biến họ đến để khảo sát, triển khai dự án hỗ trợ giao đất giao rừng gắn bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng DTTS.

Dân làng nghe, không hiểu hết những gì họ nói, nhưng cũng biết họ muốn giao khu rừng đầu nguồn cho dân làng bảo vệ, phục hồi và trồng thêm cây rừng.

Hôm ấy, dân làng ngồi chật nhà rông, vừa hào hứng vừa tò mò, lo lắng. Hào hứng vì Đảng và Nhà nước đã hiểu cái bụng của dân làng, khi giao quyền quản lý rừng cho làng. Rồi khu rừng kia sẽ thực sự của họ; rồi rừng “mó nước” sẽ trở lại đúng dáng dấp và hồn vía của nó.

Trưởng thôn chỉ nói ngắn gọn rằng, lâu nay, dân làng không có nước tự chảy là vì mất rừng đầu nguồn. Nước từ rừng ra chứ đâu.

Còn già làng thì nói nhiều hơn. Già nói: Khi được giao cái rừng mó nước rồi, phải bảo vệ. Ai vi phạm làng phạt, già phạt. Ai có công bảo vệ, được khen. Giữ được rừng sẽ có nước. Bất kể ai, lớn hay nhỏ, đều phải biết điều đó để làm.

Cả làng vỗ tay rào rào, bày tỏ sự đồng thuận!

Và từ đó, rừng đầu nguồn của làng bắt đầu hành trình phục hồi, âm thầm nhưng mạnh mẽ của mình!

Làng đã xây dựng quy ước, hương ước quản lý bảo vệ rừng; quy định trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, kết hợp với kiểm tra nguồn nước tự chảy.

Dân làng còn được hỗ trợ mấy nghìn cây giống gỗ quý, gồm trắc, hương, cẩm lai và sao đen để trồng trong rừng đầu nguồn. Dân làng nô nức vào rừng, ai cũng muốn tự tay mình trồng thêm một cây xanh. Lũ thanh niên gùi từng gùi cây giống nặng trịch mà không thấy mỏi, vẫn thoăn thoắt bước.

Chuyện này thì A Phong, A Nuih và nhiều người có mặt hôm nay vẫn nhớ. Vì khi ấy, dù còn nhỏ, nhưng A Phong, A Nuih đều rất tích cực trồng cây, được già làng khen.

Chỉ sau mấy năm được bảo vệ nghiêm ngặt, những mầm non mới bật lên ngày nào đã vươn cành xanh lá, như để tri ân  dân làng đã vất vả qua bao mùa mưa nắng. Bây giờ từ làng nhìn về phía rừng thiêng đã thấy ngằn ngặt màu xanh.

Từ rừng đầu nguồn, dòng nước mát cho sinh hoạt, dòng nước cho tín ngưỡng cũng đã tuôn chảy. Lễ cúng giọt nước của làng được tổ chức theo đúng những gì được truyền lại. Dù vào những kỳ hạn gay gắt nhất, dòng nước mát về làng vẫn đủ cho dân làng sử dụng hàng ngày.

A Phong giật mình tỉnh giấc khi nghe già A Sinh lớn tiếng giục mọi người tiếp tục đi cho kịp về nhà trước khi trời tối. Sột soạt. Sột soạt. Tiếng chân bước trên tầng lá khô vang lên giữa sự tĩnh mịch của rừng già.

Họ đã đi như thế cả buổi sáng. Và sẽ đi hết buổi chiều. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Ngày mai sẽ là tổ khác. Từ những chuyến đi miệt mài ấy mà rừng đầu nguồn luôn yên bình.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác