Rộn rã ngày xuân

26/01/2022 13:28

Chiều qua phố thấy ngập tràn mai, đào khoe sắc mà lòng rộn rã niềm vui. Vui vì năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến mang bao dự cảm tốt lành. Vui vì sắp được trở về nhà đón một cái Tết sum vầy bên những người thân yêu của mình…

Những ngày cuối cùng trong vòng xoay 365 ngày của năm luôn được nhắc đến nhiều nhất. Bởi đó là thời khắc sắp hết năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới. Đó cũng là thời gian mỗi người được nghỉ ngơi, được trở về bên gia đình sau những ngày tháng dài xa cách.

Thế là cũng đã xong công việc của năm cũ. Quẳng gánh lo âu, mệt nhoài, nó tung tăng dạo phố để ngắm nhìn, để chọn mua những món đồ trước khi về quê.

Tết đến thật rồi! Nó hớn hở, khi nhìn mấy người bán cây cảnh đang tất bật chuyển cây từ xe tải xuống góc đường. Một vài người bán mai bày hàng sớm lúi húi phun nước tưới, gió thổi đám bụi nước li ti bay xa, óng ánh như cầu vồng dưới nắng chiều.

Phố xá được trang hoàng thật rực rỡ từ khi nào. Đường phố lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc người qua lại.

Chợ hoa cũng đã nhóm họp mấy hôm rồi với đủ sắc màu rực rỡ. Trong cái lành lạnh của tiết trời cuối năm, càng làm cho vẻ đẹp của mai, của đào, của vạn thọ, cúc, ly… thêm cuốn hút lòng người.

Tạm xa thành phố, ngày cuối năm, lên xe trở về quê mà lòng nó cứ rạo rực. Qua ô cửa kính, nó thích thú ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Sau cả năm không được về quê do dịch bệnh Covid-19, chợt thấy cái gì cũng lạ, cũng mới, cũng khiến nó tò mò.

Đúng là năm hết Tết đến, nên đi đâu cũng thấy có không khí Tết. Nhà nhà đều đã trưng hoa Tết, người người như đang “chở” Tết về nhà. Nó cũng đang “chở” Tết về nhà mình với những món quà thật ý nghĩa dành tặng cho người thân.

Ngồi trên chiếc xe đò băng đi qua những làng mai nổi tiếng trên đường quê, nó cứ hít hà trước vẻ đẹp của những chậu hoa bung sắc vàng rực rỡ dưới nắng Xuân.

Nghĩ cũng lạ là ngày thường, nếu phải di chuyển bằng ô tô, nó chỉ muốn lăn ra ngủ, ngủ một giấc cho đỡ mệt. Mà Tết đến, được trở về nhà lại chỉ muốn ngắm nhìn mãi cảnh vật qua ô cửa nhỏ.

Đúng là Tết mà!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Xe đò dừng ngay trước cổng, chưa kịp xuống xe đã nghe mấy đứa cháu reo hò hớn hở. Tự nhiên thấy bao mệt mỏi, phiền não đã trải qua, đã chịu đựng tan biến đi đâu hết. 

Tết đến, khuôn viên nhà nó cũng rợp sắc hoa của má trồng. Hương thơm dịu dàng len lỏi khắp nơi càng làm cho không khí Tết thêm ngập tràn. Mấy chậu cảnh lâu năm cũng được ba cắt tỉa từ mấy tháng trước, nay cành lá đã sum suê đón chào Xuân mới.

Chuẩn bị đón Tết, từ trong nhà cho đến ngoài cổng đều đã được ba má dọn sạch sẽ, tinh tươm.

Bác Hai, cô Tư, chú Sáu đi chợ Tết qua ngang cổng, thấy nó đang ôm từng đứa cháu, mặc mấy cái va li, túi xách quẳng dưới đất, cũng dừng lại thăm hỏi.

Nó vội đáp lễ, rồi cuốn vào câu chuyện, hết hỏi han sức khỏe ông, bà, cô, chú, đến chuyện chuẩn bị cho ngày Tết của mỗi người, mỗi nhà.

Ở quê thường rộn ràng lắm vào những ngày giáp Tết như vậy!

Con cháu về đông đủ nên ba má nó vui lắm. Nó thích cảnh cả nhà quây quần bên nhau làm bánh mứt; gói bánh chưng, bánh tét. Ba má chỉ dạy các con, các cháu cách sắp xếp lá chuối, lá dừa, chẻ lạt; cách làm nhân để gói bánh chưng, bánh tét; cách chà bột, đóng bánh in hay đánh bột làm bánh thuẫn.

Thỉnh thoảng tiếng cười lại rộn lên, khi một sản phẩm lỗi “trình làng”.

Thường thì má sẽ gói bánh chưng, bánh tét nhiều hơn so với nhu cầu của gia đình để mang biếu cô dì, chú bác. Má nói, quà Tết, quý là ở tấm lòng. Những cặp bánh chưng, đòn bánh tét do chính tay mình làm ra đem biếu, không chỉ là cái nghĩa, cái tình, mà còn là tấm lòng thơm thảo dành cho nhau, là lời chúc năm mới ấm no, sung túc. 

Sau khi gói bánh chưng, bánh tét xong, ba sẽ cắt những nải chuối hay hái đu đủ, dừa, bưởi trong vườn để con cháu mang về thắp hương cúng ông bà nội, ngoại. Má thường hái ít rau vườn, gói thêm chai nước mắm nhỉ mới lọc chiều hôm trước để mang lên biếu cô, dì ăn Tết.

Trong những ngày này, con cháu mỗi nhà đi xa về có món gì là lạ, ngon ngon cũng mang biếu ông bà, cô chú họ hàng một ít ăn lấy thảo.

Chợ quê ngày Tết càng nhộn nhịp. Nói đến chợ quê, nó lại nhớ đến dáng ngồi tần tảo của những mẹ, những dì buôn thúng bán bưng ở đây. Họ cũng hiền lành như má, lam lũ như má, nhưng cũng quật cường, mạnh mẽ như má vậy.

Mùa nào thức ấy. Ở quê có thức gì, ở chợ có thức đó, thậm chí có cả những thứ ở quê không có, vì được đưa từ nơi khác đến. Từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bù ngót đến chuối xanh, bó sả, nhúm ớt... Rồi gà, vịt, heo, nhiều nhất là tôm, cua, cá, mực tươi roi rói... Ngày rằm, mùng một vàng một màu hoa vạn thọ. Ngày Xuân thì rực rỡ mai, đào, cúc, ly… ở khắp nơi chở về.

Người ở quê có thói quen dành dụm để cuối năm đi sắm sửa một lần. Nên chợ quê trước Tết bao giờ cũng nhộn nhịp, đông vui.

Ngày 30 Tết, việc vẫn túi bụi. Ba chăm chú, cẩn thận lau dọn, sắp xếp lại bàn thờ gia tiên. Anh, em trai trong nhà thì hò nhau bưng bê, sắp đặt mấy chậu hoa cảnh. Má tất bật kiểm tra xem trong nhà còn thiếu món gì không để chạy ra chợ mua sắm. Con cháu cũng được ông bà giao mỗi đứa một việc, rửa chén bát, lau dọn bàn ghế…

Khi mọi việc hoàn tất, cả nhà cùng quây quần trong gian bếp nhỏ để nấu đồ cúng rước ông bà. Dù chuẩn bị nấu nhiều món, nhưng không năm nào má quên các món thịt kho nước dừa, giò heo hầm măng, khổ qua nhồi thịt. Cuộc sống bây giờ dẫu không còn khó khăn, nhưng thường ngày cũng ít ai có thời gian để chế biến những món ăn hơi cầu kỳ như vậy. Nên Tết đến, má thường dụng công làm, trước để cúng ông bà, sau cho con cháu thưởng thức. Lâu dần, những món ăn ấy không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết của gia đình nó.

Ngày cuối năm tất bật mà rộn ràng. Bởi vậy khi đi xa rồi cứ nhớ, chỉ mong chờ đến đến ngày cuối năm để được trở về sum họp bên gia đình./.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác