Quy định… chỉ là quy định?

09/11/2018 07:03

Mãi đến khi anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ) mang tờ 100 USD (được người thân cho) đến tiệm vàng để đổi, bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản, tạm giữ số tiền trên và còn xử phạt 90 triệu đồng thì nhiều người mới tá hỏa, hóa ra từ trước đến nay mình đã làm sai quy định.

Theo điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014 (ngày 17/10/2014) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt 80-100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại chỗ không được phép đổi ngoại tệ.

Và anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt ở mức trung bình, 90 triệu đồng!

90 triệu đồng tiền phạt chỉ vì đổi 100 USD ở nơi không đúng nơi quy định quả là quá lớn. Nghe tin, nhiều người thương cảm anh Nguyễn Cà Rê, đúng là nghèo còn gặp cái eo. Không chỉ bị tịch thu số tiền đổi được mà anh còn bị phạt một số tiền khủng (số tiền phạt quá lớn so với tiền đổi được (gấp 40 lần)  cũng như xét theo thu nhập hàng tháng của anh Cà Rê này).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đề cập đến vụ việc này cuối phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào ngày 30/10 đã cho rằng, thực hiện đúng luật nhưng cái gì chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ.

Không ít người đã đặt câu hỏi, Nghị định ban hành đã khá lâu (cách đây 4 năm) nhưng khi áp dụng thực tế lại gây phản ứng cảm xúc nhiều đến vậy là vì thiếu hợp lý, thiếu đi tính phổ biến, tính thực tiễn? Và vì thiếu đi tính thực tiễn, tính phổ biến, qua câu chuyện này một lần nữa cho thấy, tình trạng quy định chỉ là quy định và ai phạt, phạt ai cũng là điều đáng bàn?

Dẫu khập khiễng nhưng câu chuyện này lại khiến nhiều người liên tưởng đến hàng loạt các quy định, dự thảo được đưa ra trong thời gian gần đây. Như dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, sinh viên ngành đào tạo giáo viên sẽ bị đuổi học nếu… bán dâm bốn lần. Thực ra quy định này đã có từ năm 2016 nhưng mà không ai bàn đến vì chẳng tác động vào ai và thực tế có lẽ cũng chưa có trường sư phạm nào đã từng đuổi sinh viên vì bán dâm bốn lần. Rồi, Nghị định 115/2018/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 cũng vậy, cũng khiến nhiều người băn khoăn khi có quy định phạt từ 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Không ít người đã đặt câu hỏi, liệu các dự thảo, quy định này có rơi vào tình trạng quy định chỉ là quy định hay không, vì dù các quy định đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm, mức xử phạt, lại có hiệu lực trong một thời gian dài nhưng vẫn không có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, giám sát, xử phạt và tất nhiên là cũng sẽ không có ai bị phạt?

 Lấy đơn cử từ việc thực hiện Nghị định 115/2018/ NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các địa phương ngày càng nhiều, lực lượng thanh tra chuyên ngành y tế mỏng, với hàng loạt khối lượng công việc thanh tra liên quan đến mảng ngành thì liệu có đủ lực lượng để kiểm tra, giám sát. Ngay cả chuyện cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã có từ nhiều năm nay nhưng cho đến nay vẫn mãi loanh quanh ai phạt, phạt ai nên khói thuốc nơi công cộng vẫn cứ nghi ngút.

Còn nếu cán bộ cơ sở kiểm tra xử phạt thì họ cũng phải có hàng loạt các công việc liên quan; hơn nữa, cán bộ cấp cơ sở không phải ai cũng có đủ hiểu biết chuyên ngành để kiểm tra, xử phạt, đó là chưa kể đến các mối quan hệ thân thuộc, họ hàng cũng phần nào ảnh hưởng đến “cái lý, cái tình”.

Hay như hành vi vứt thuốc lá không đúng nơi quy định, xả rác, chất thải bừa bãi trên vỉa hè, dưới cống nước… sẽ bị “đánh vào túi tiền” khi các mức phạt tăng cao từ ngày 1/2/2017, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP.  Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt được giao UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường… nhưng ai phạt, phạt ai cũng là câu hỏi lớn. Cấm vứt một mẩu thuốc lá, vứt rác, xả thải làm sao được khi hàng đoàn xe chở vật liệu, cát sỏi… vẫn ngang nhiên chạy đổ vương vãi dọc các tuyến đường. Cấm sao được khi thùng rác công cộng dọc các tuyến đường còn ít, nhà vệ sinh công cộng ngay trên địa bàn tỉnh thì hầu như còn là số không…  đã khiến cho không ít người có đủ lý do để biện minh cho hành động của mình…

Quy định phải mang tính chặt chẽ, thống nhất và cả tính thực tiễn. Đừng để quy định chỉ là quy định dẫn đến những phản ứng trái chiều như câu chuyện anh Nguyễn Cà Rê, dự thảo sinh viên bị đuổi học nếu bán dâm bốn lần; hay những quy định dù có hiệu lực đã lâu với các mức xử phạt quy định đến mức chi tiết nhưng trên thực tế hầu như chẳng có ai đứng ra xử phạt và cũng chẳng xử phạt được ai. Suy cho cùng, quy định cụ thể các hành vi vi phạm và mức xử phạt chỉ mới nằm ở phần ngọn, gốc của vấn đề vẫn là tuyên truyền, giáo dục. Một khi người dân thống nhất, hiểu và nâng cao nhận thức thì mới chấp hành và hành động đúng.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác