Quan trọng vẫn là yếu tố con người

08/01/2019 13:06

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2019. Phương án thi được đưa ra đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà nên bất kể sự thay đổi, điều chỉnh nào, dù lớn, dù nhỏ đều có ít nhiều ảnh hưởng, sự quan tâm của dư luận là tất yếu.

Hơn nữa, những tiêu cực, bất cập trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, hết từ Hà Giang, Sơn La, lại đến tỉnh Hòa Bình khiến cho các em học sinh lớp 12 và gia đình các em trăn trở, lo lắng. Lo không biết kỳ thi năm nay có tái diễn những tiêu cực như thế này nữa không? Lo không biết phương án thi đưa ra với những điểm mới như vậy có ngăn chặn, không để những tiêu cực như năm trước có “đất diễn” hay không?…

Lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của dư luận, rút kinh nghiệm tổ chức thi từ các năm trước, phương án thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Phương án thi đưa ra: Đề thi chủ yếu trong chương trình 12; trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia tổ chức thi tại địa phương mình; đặt camera giám sát chấm thi 24/24 giờ; điểm thi chiếm 70% điểm xét tốt nghiệp…

Phương án với một số điểm mới đã được đưa ra, dư luận cảm thấy phấn khởi, hy vọng sẽ thắt chặt, chấn chỉnh được những bất cập, tiêu cực trong thi cử như năm trước, đặc biệt là việc đặt camera giám sát chấm thi 24/24 giờ.

Ai nấy đều cho rằng, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay, việc lắp đặt camera sẽ hỗ trợ cho quản lý công việc, quản lý con người minh bạch, khách quan hơn. Cho nên, việc lắp đặt camera giám sát chấm thi 24/24 giờ mà phương án đã đưa ra là hết sức cần thiết, góp phần ngăn ngừa những hành vi gian lận.

Tuy nhiên, vì là máy móc, nên cũng phải tính đến lỗi kỹ thuật và các yếu tố đặc thù ở những nơi không thuận lợi, đường truyền yếu. Để hạn chế tiêu cực, thì không chỉ tập trung vào khâu chấm thi mà phải là một quy trình chặt chẽ, kiểm soát tốt từ quá trình coi thi, làm bài thi, vận chuyển bài thi, đến công tác chấm thi.

Hơn nữa, như đã nói, máy móc hỗ trợ là cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là yếu tố con người!

Còn nhớ, trước những lùm xùm thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra ở Hà Giang, lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Giang khi trao đổi báo chí đã khẳng định rằng, có nhiều biện pháp nâng cao tính bảo mật, đảm bảo an toàn, khách quan; lắp đặt hệ thống camera giám sát giúp cán bộ công an, khi cần thiết thì trích xuất hình ảnh có ngay để bảo vệ lưu giữ bài thi và các hồ sơ theo chế độ bảo mật. 

Nhưng, những việc thiếu minh bạch bao giờ cũng được thực hiện rất tinh vi. Camera chỉ giám sát chứ không chặn đứng được những tiêu cực trong thi cử. Vì lấy ví dụ ngay như ở Hà Giang, dù đã lắp đặt hệ thống camera giám sát chấm thi nhưng vẫn có những thí sinh tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định…

Cũng xin nói thêm, vì sao những tiêu cực trong thi cử vẫn luôn là chuyện mãi khó có hồi kết, đặc biệt trong Kỳ thi THPT quốc gia? Nói về phía học sinh, phụ huynh, nỗ lực, chăm chút, chạy vạy ngược xuôi mười mấy năm trời, thi THPT - “cú chót quyết định”, mở con đường đến tương lai mà không qua thì đúng là công cốc nên những gì có thể làm được, các bậc phụ huynh đều không từ nan, miễn sao con thi đỗ một cách rực rỡ. 

Có “cầu” ắt có “cung”. “Cầu” cao như vậy, cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi – nếu quyền lực, cơ hội cho phép cộng thêm sự thiếu hiểu biết, sự tham lam – sẽ tất yếu dẫn đến cái bắt tay đầy toan tính của một số người lớn (theo đúng nghĩa con sâu làm rầu nồi canh) quanh chuyện sửa điểm, nâng điểm, điểm thật – điểm giả, tăng điểm thần tốc…  như đã từng xảy ra.

Để có một kỳ thi công bằng, nghiêm túc thì việc tổ chức kỳ thi, coi thi, chấm thi phải được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học. Bởi vậy, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin thì yếu tố con người vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Tức là, phải lựa chọn được những cán bộ coi thi, chấm thi, làm nhiệm vụ thi có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức tốt, tránh cuộc “hội ngộ” không đáng có giữa phụ huynh và những người góp phần cầm cân nảy mực như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Và khi yếu tố con người thực hiện thể hiện được sự khách quan, minh bạch thì chắc chắn khi ấy camera có tác dụng hỗ trợ thêm mà thôi.

Nguyên Phúc 

Chuyên mục khác