Qua những tiếng ve

12/04/2020 06:06

Qua những tiếng ve là trải qua những năm tháng để lớn lên, để trưởng thành, để nhung nhớ và trân quý những kỉ niệm. Giờ đây, được thả mình vào tiếng ve, trở lại với ký ức ve sầu, trái tim bỗng xốn xang, tâm hồn bỗng nhẹ như bâng giữa những bộn bề, bon chen của cuộc sống.

Tiếng ve râm ran làm tôi bừng tỉnh giấc ngủ nướng của ngày chủ nhật. Mở toang cửa sổ, nắng đã ngợp vàng. Mặc kệ chiếc đồng hồ tích tắc, lòng lặng im, chậm rãi lắng nghe giai điệu của mùa hè. Trên gốc me già, những “nhạc sĩ” có cánh giấu mình dưới tán lá xanh non đang dùng bản hòa tấu ve… ve… ve… để đánh thức một ngày mới.

Không còn trẻ để mơ mộng, lãng đãng, cũng chẳng phải tuổi học sinh để mong đợi đến hè, vậy mà nghe tiếng ve rền vang, dồn dập, sao lòng người lại bồi hồi, nhớ nhung đến thế. Tâm trạng cứ rạo rực, nao nao khó tả, cứ như thuở áo trắng sắp bắt đầu một mùa thi. Tiếng ve trỗi giọng như đưa tôi về với ký ức tuổi thơ bình yên, trong trẻo, nhẹ nhàng mà thân thương đến lạ.

Ở mảnh đất đầy nắng, gió này, mùa hè dường như đến sớm. Khi những cành phượng còn chúm chím nụ hồng, “nhạc sĩ ve” đã mở cửa ngày mới và bền bỉ kéo dài đến lúc hoàng hôn buông dần. Cứ thế, từ ngày này qua ngày khác, tiếng ve theo chân học sinh đến trường, tiễn chân học sinh trở về nhà sau những giờ học vã mồ hôi dưới cái nắng như đổ lửa.

Với cái tuổi vô tư của thời tiểu học, những đứa trẻ như búp trên cành ấy có mấy khi để ý đến tiếng ve râm ran; cũng chẳng đoái hoài đến nỗi buồn chia xa trường lớp, bạn bè, thầy cô. Chỉ biết rằng, tiếng ve hòa cùng với tiếng trống trường, báo hiệu một mùa hè được cất sách cất vở, được nô đùa bên những cánh đồng mơn mởn đang tới. Tiếng ve đệm nhạc cho những buổi liên hoan cuối năm, có bánh kẹo, có bóng bay, có tiếng hát, tiếng cười. 

Cùng với phượng hồng, tiếng ve là dấu hiệu báo hiệu mùa hè đã đến. Ảnh minh họa

 

Rồi đêm về, chẳng phải làm bài tập về nhà, hòa với giai điệu của những nhạc sĩ ve, những đứa trẻ đầu trần chân đất lại vang lên câu vè: nghe vẻ nghe ve nghe vè nói ngược, ăn trầu bằng bột, ăn cháo bằng vôi, giã gạo bằng nồi nấu cơm bằng cối, ngày rằm trời tối mùng một sáng trăng… Bài vè vừa xong, cả lũ lại chơi rồng rắn lên mây dưới ánh trăng vằng vặc, rồi khi về nhà nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ hồn nhiên, thơ ngây, chẳng mảy may lo nghĩ.

Lớn lên một chút, cứ nghe tiếng ve kêu, tâm trạng lại hồi hộp bắt đầu cho những kì thi chuyển cấp. Nhớ thuở ấy, tiếng ve về râm ran rồi bất chợt dịu lắng, thắp lên nỗi buồn não ruột ở năm cuối cấp III.

Trong tiếng trống trường vội vã, tiếng ve giục giã lứa tuổi học trò cố gắng ôn bài, hệ thống kiến thức cho kì thi quan trọng. Tiếng ve gõ cửa thức giấc mỗi sáng để ôn bài. Tiếng ve nhảy múa trên từng trang vở. Rồi tiếng ve đưa những tà áo trắng, những ánh mắt hy vọng đến tận cửa phòng thi.

 Ve… ve… ve… âm thanh như thúc giục, như níu kéo, khiến những giọt nước mắt chia xa rơi lên tà áo trắng. Ta cùng chúc nhau hoàn thành kỳ thi thật tốt để theo đuổi hoài bão, ước mơ.

Ngày cầm giấy báo đậu đại học trên tay, tiếng ve không còn râm ram như trước. Bản du ca mùa hè nhỏ dần, nhỏ dần rồi vụt mất trên cành phượng bắt đầu ra những lá xanh non mơn mởn. Chợt thấy thiếu vắng, trống trải. Cảm giác như chia xa một người bạn thân, người bạn đồng hành trong những năm tháng.

Tiếng ve đến râm ran rồi biến mất. Học sinh chia xa mùa hè, lại bắt đầu với sách vở để viết tiếp ước mơ của chính mình.

Đi qua 30 năm cuộc đời, lần nào gặp lại tiếng ve, lòng cũng bồi hồi, xao xuyến. Qua những tiếng ve là trải qua những năm tháng để lớn lên, để trưởng thành, để nhung nhớ và trân quý những kỉ niệm. Giờ đây, được thả mình vào tiếng ve, trở lại với ký ức ve sầu, trái tim bỗng xốn xang, tâm hồn bỗng nhẹ như bâng giữa những bộn bề, bon chen của cuộc sống.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác