Phố và tôi

22/04/2020 13:04

Mưa tháng Tư, bất chợt đến rồi lại đi. Trong hơi ẩm còn mang theo chút gì đó luyến tiếc của mùa Xuân và chút oi nồng mời gọi mùa hè, đủ để tôi nôn nao nhớ về những cơn mưa tháng Tư nơi quê nhà. Nó cũng xoa dịu đi những bộn bề, tất bật và bỏng rát trong cuộc mưu sinh, để lại hơi thở của nhựa sống. Từ đó, tôi bắt đầu những buổi chiều loanh quanh trên phố, lặng lẽ “sống” với phố. Và sự gắn bó giữa tôi và phố cũng bắt đầu từ đó.

1. Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen loanh quanh trên phố vào những buổi chiều muộn. 5 năm, 10 năm hay 15 năm? Hay từ buổi đầu tiên đặt chân đến phố núi, lầm lũi đi bộ từ bến xe nằm sát cầu Đăk Bla về nhà người quen dưới cơn mưa chiều?

Hôm ấy cũng là một ngày tháng Tư, cách đây đã hơn 20 năm! Xuống xe, theo chỉ dẫn, tôi rẽ sang đường Nguyễn Huệ, lên Trần Phú, vào Lê Lai… Đường cứ nhỏ dần, nhỏ dần, cho đến khi lọt giữa những căn nhà cấp 4, mái lợp tôn.

Lạ một điều, tôi không thấy mình xa lạ trên những con đường ấy, dù đây là lần đầu tiên tôi đến với “phố núi”. Có lẽ vì sự thoáng đãng và yên bình trên phố mang hơi thở từa tựa vùng bán sơn địa quê tôi, một làng nghèo nằm khuất nẻo đâu đó giữa dọc dài miền Trung nắng cháy.

Và có lẽ vì mưa.

Hôm ấy, tôi đội mưa mà đi. Mưa tháng Tư, bất chợt đến rồi lại đi. Trong hơi ẩm còn mang theo chút gì đó luyến tiếc của mùa Xuân và chút oi nồng mời gọi mùa hè, đủ để tôi nôn nao nhớ về những cơn mưa tháng Tư nơi quê nhà. Nó cũng xoa dịu đi những bộn bề, tất bật và bỏng rát trong cuộc mưu sinh, để lại hơi thở của nhựa sống.

Từ đó, tôi bắt đầu những buổi chiều loanh quanh trên phố, lặng lẽ “sống” với phố. Và sự gắn bó giữa tôi và phố cũng bắt đầu từ đó.

Với tôi, những con đường vắng vẻ trong sớm mai; một cơn mưa rào ào qua rồi nắng vàng như mật nhuộm lên những chùm hoa lan bày bên đường; tiếng chim hót thánh thót vọng ra từ một quán cà phê; tiếng cô gái bán bắp bên bờ hè “anh mua bắp nấu hay bắp nướng”… đều có một sức hút đến lạ kỳ.

Phố đón tôi bằng hàng bông sứ trắng lung linh ở Tòa Giám mục, vẻ cổ xưa của Nhà thờ gỗ hơn trăm năm tuổi, bờ kè sông Đăk Bla lộng gió hay quán cà phê Eva độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên… Và những con đường yên lành rợp mát bóng cây, những con dốc thoai thoải đủ cho cô gái trẻ đang đạp xe lấm tấm mồ hôi trên tóc mai xanh mướt...

Tôi quen dần với những ngôi làng đang còn xen kẽ trong phố. Những Kon Rờ Bàng, Plây Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… rất gần, chỉ cần quặt vào bất cứ một con đường nhỏ nào đó là ta đã hòa mình vào đời sống của người dân Ba Na chất phác.

Trong làng là những ngôi nhà luôn mở với đất trời cho dù có khép bao nhiêu cửa, chủ cũng rộng lòng với khách. Trên mái ngói, rêu mọc lẫn trong những thứ cỏ dại đi hoang. Đôi khi, những hạt cây nương theo gió bay đến, đậu lại trên ngói, mưa xuống nảy mầm, thành cây, sống ương bướng giữa đất trời. Lâu lâu một dây mướp leo lên mái nhà, ra hoa kết trái điềm nhiên không ai hái.

Tháng Tư, nhắc nhở ta nhớ về Ngày Chiến thắng 30.4. Ảnh: HL

 

Những ngôi nhà ấy, chiều đến mát rượi gió trời, nền đất in bông nắng. Khi yên ắng, tĩnh lặng nhất vẫn cảm giác sự sống chảy ngầm, trong tiếng dệt thổ cẩm lách cách hay chuốt nan đan gùi của người già dưới sàn nhà.

Cũng có buổi hoàng hôn, cầu vồng vắt qua núi, tôi ngẩn ngơ đứng bên giọt nước làng Kon Tum Kơ Pâng, nhìn những mẹ, những chị, những em gái đi lấy nước và tắm giặt sau một ngày lên rẫy. Từng giọt nước như hạt ngọc bám trên đôi vai trần cô sơn nữ, thanh thoát và nhẹ nhõm.

2. Chiều nay, tròn 21 năm, kể từ buổi chiều đầu tiên đội mưa đi tìm nhà người quen năm nào, tôi lại loanh quanh trên phố sau giờ làm. Và trùng hợp thay, cũng cơn mưa vội tháng 4 giăng mắc lối đi về.

Phố của tôi vẫn vậy. Dù đã có dáng dấp, hình hài của một đô thị năng động, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính của mình. Dù những ngôi nhà vườn đang mất dần đi nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mang phong cách hiện đại, nhưng vẫn còn đó những mái nhà xanh đỏ nhấp nhô không quy luật, những lằng nhằng dây điện trên phố, những quán cà phê vỉa hè thoáng mát; những ngôi làng nhỏ ẩn hiện dưới tán lá xanh tươi, nổi bật mái nhà rông cao vút ở vùng ven.

Có khác chăng, những góc phố vốn đã vắng vì cách ly xã hội phòng dịch bệnh Covid- 19 lại càng vắng. Thỉnh thoảng có bóng xe vội vã lướt dưới cơn mưa. Có cơn gió thổi về làm lá cờ Tổ quốc rực rỡ trên ban công nhà bay nhè nhẹ, như nhắc nhở rằng, phố núi, tôi và chúng ta đang ở những ngày tháng Tư lịch sử, đang chào đón Ngày Chiến thắng 30/4.

Tôi không thể nhớ được, đã có bao nhiêu buổi chiều như chiều nay. Chỉ chắc chắn một điều, sau bao nhiêu năm qua lại trong lòng phố, tôi thuộc từng góc đường, thuộc từng con dốc đủ làm cho cô gái mỏi chân nũng nịu níu tay người yêu, kể cả những con hẻm nhỏ chỉ chiếc xe máy đi lọt. 

Nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu hết phố! Hay đúng hơn, mỗi lần “đi cùng phố” là một lần tôi phát hiện thêm điều mới lạ.

Những con đường sạch sẽ trong sớm mai, một vạt nắng chiều xuyên qua những gốc cổ thụ trên đường Phan Chu Trinh, cả cái nắng trưa gay gắt làm bừng lên chùm hoa giấy trên ban công những ngôi biệt thự quét sơn màu vàng nhạt trang nhã trên đường Trần Phú, vẫn có một sức hút đến lạ kỳ.

Và tôi vẫn ngỡ ngàng trước mỗi buổi bình minh. Đây là khoảng thời gian hết sức kỳ lạ trong một ngày mới ở phố. Khi ấy, màn đêm đã nhạt dần, nhưng mặt trời lại chưa lên, còn núp sau dãy núi, chỉ ngập ngừng vươn những tia sáng hình nan quạt lên cao làm đỉnh núi phơn phớt hồng. Khi ấy, từng con đường, tán cây, ngọn cỏ, cột đèn và cả những mái nhà lô xô cũng như lấp lánh ánh sương.

Cũ và mới, đơn giản và cầu kỳ, thực tế và bay bổng, hồn nhiên và sâu sắc, có chút ồn ào những vẫn trầm lặng là điều làm cho phố của tôi luôn là một nơi khoáng đạt, cởi mở và rộng lòng với tất cả mọi người.

Có phải chính vì vậy, mà người ta hay nói, “người Kon Tum” không nhất thiết phải là người sinh ra tại đó? Kon Tum là của tất cả mọi người.

Hồng Lam

Chuyên mục khác