Phía sau là Tổ quốc

20/07/2021 06:04

Tôi viết những dòng này mà không thôi nghĩ về doi đất đâm ra từ vệt rừng cao su xanh thẫm, và căn nhà vách bưng ván, mái lợp tôn lụp xụp nằm chót cùng doi đất. Ngôi nhà ấy chỉ cách đường biên, cột mốc mấy trăm mét. Ngồi trong nhà nhìn ra, có thể thấy những khoảnh mì cheo leo sườn núi của… nước láng giềng.

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và ông cũng là tình cờ. Hồi chiều, khi cùng một cán bộ xã đi thăm mô hình trồng điều, tôi ngỏ ý muốn ra thăm cột mốc biên giới. Trên đường đi, tôi bị hấp dẫn bởi doi đất nhoi ra từ vệt cao su, giống như một mũi tàu, nhìn về biên giới, về cột mốc. Càng đặc biệt hơn, trên “mũi tàu” ấy là một ngôi nhà nhỏ, xung quanh xanh rì bắp, mì, bầu bí.

Thấy tôi dừng xe ngắm mãi, cậu cán bộ xã cười cười: Nhà của ông Tư đó. Nhân tiện ta vào thăm chút, anh sẽ thích ông già cho mà coi.  

Ngôi nhà nằm giữa khoảnh đất trống duy nhất ở giữa doi đất. Muốn vào nhà, tôi phải băng qua một vạt bắp rộng. Cây bắp đang thì vươn lá, cao ngang ngực, những phiến lá non tơ, vươn ra che kín lối mòn, cọ vào tay buồn buồn. Ở đây mùa mưa đến muộn hơn, nhưng không vì thế mà giảm đi sức mạnh diệu kỳ của nó.

“Mới qua mấy cơn mưa lớn, mà cả doi đất đã khác quá trời. Còn đâu sự khô khát, cằn cỗi nữa, mà xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống”- cậu cán bộ xã phấn chấn kêu lên.

Chiều xuống, ánh mặt trời nhạt dần trên những ngọn cao su, ve vuốt doi đất. Một ông lão chống cuốc đứng nhìn 2 người khách, mồ hôi tươm tươm chảy ướt cả lưng áo, đôi mắt hơi nheo lại, đầy hóm hỉnh: Quốc hả mày? Còn ai đây?

Dạ, ông Tư mạnh giỏi. Đây là bạn con, mới lên chơi, con dẫn tới thăm ông Tư- cậu cán bộ xã xởi lởi.

Ông lão cười cười, dựng cuốc ở đầu hồi, rồi đưa tay ra nắm tay tôi thay lời chào. Trong khi Quốc dẫn tôi ra lu nước sau nhà rửa mặt, thì ông lão vẫn còn đứng ngoài sân, nhìn một hồi lâu về phía cột mốc biên giới.

Ngôi nhà lụp xụp nhìn về biên giới như một ‘’đài quan sát’’... Ảnh: H.L

 

Bóng tối mỗi lúc một đen thẫm. Trong phút chốc, ánh đèn đã sáng lên, chờn vờn soi rọi gian nhà có vách lót bằng những miếng bìa gỗ mọt đục lỗ chỗ. Kể ra gian nhà cũng khá gọn ghẽ và kín đáo. Gian hông có cả bếp nấu, tủ chén, vách treo lủng lẳng nồi niêu, dao.

Mâm cơm được dọn ra, khá thịnh soạn. Hồi chiều, vợ chồng anh con trai đã bắt gà, đánh cá, hái rau từ vườn nhà trong làng đem ra, toàn những thứ nhà làm ra được.

Ông cụ cẩn thận rót rượu ra mấy cái ly nhựa: Chẳng mấy khi có các chú vào chơi, uống mấy ly cho ấm bụng. Mùi rượu thơm nồng, cái thứ rượu được ủ, cất theo đúng tiêu chuẩn của người dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trông cứ trong vắt như mắt mèo, nhấm vào thấy nồng nồng nơi cổ, nuốt xuống đến đâu, thấy nóng ran đến đấy.

Câu chuyện cứ rì rầm bên ánh đèn dầu và hơi ấm nồng của men rượu. Hóa ra, ông lão cũng mới ở đây mười mấy năm. Chính ông cũng không ngờ, những năm tháng cuối đời lại chịu “đậu” ở chốn này- một làng nằm heo hút giữa núi rừng biên giới.

Cũng phải kể rõ căn nguyên để chú hiểu- ông hít hà- Quê tôi ở một tỉnh miền Trung. Con trai theo chúng bạn vào đây làm công nhân cao su từ năm 2005, vài năm sau lấy vợ, sinh con, về năn nỉ 2 ông bà vào. Nó nói, không giống ở quê, đất đai nhiều, lại nhận khoán chăm sóc cao su nên đời sống cũng khá, muốn ông bà vào để tiện chăm sóc. Nhưng tôi biết thừa ra, nó muốn ông bà vào trông cháu để vợ chồng nó rảnh tay rảnh chân làm kinh tế (cười). Thương con, thương cháu, 2 vợ chồng già khăn gói lên xe, ý định ở chơi ít lâu rồi về, ai ngờ bén rễ cho đến giờ.

Ở với con trai được mấy năm, ông ra doi đất (nằm trong diện tích 13ha cao su nhận khoán của gia đình) dựng nhà, tỉa đậu, trồng bắp, mì, nuôi gà. Ngôi nhà của ông nhìn ra phía cột mốc, bao quát hết cả một vùng biên rộng lớn. Lâu ngày, trở thành “đài quan sát” rất hiệu quả- như cách gọi vui của cánh lính biên phòng.

Sau bữa cơm, lục tục có người đến chơi, chủ yếu là thanh niên. Thì ra, ông lão có một “sức hút” đặc biệt . Những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn liền với bao chuyến đi vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển. Để bây giờ trong bụng ông là cả một kho chuyện tiếu lâm, khiến cho mỗi tối, cánh thanh niên kéo đến nhà ông hóng chuyện như đi họp.

Chỉ được cái tốn nước chè- bà vợ lầu bầu, nhưng vẫn te tái đi hái trà xanh đun nước và chuẩn bị túm thuốc lào để trên cái chiếu trải giữa sân.

Vậy chú nhà báo có bao giờ lênh đênh trên chợ nổi miệt sông nước miền Tây chưa? Những buổi chiều, hoàng hôn nhuộm đỏ mặt nước, chợ nổi bập bềnh đậu hết một vạt sông. Những người đàn bà lúi húi dọn dẹp, cánh đàn ông ngồi xếp bằng trên mui ghe, nhâm nhi xị rượu đế với khô cá, cứ nhấp một hớp lại ca một câu vọng cổ, nghe mà đã lỗ tai- ông khề khà.

Cứ như thế, tôi bị cuốn vào câu chuyện của ông. Hèn chi, dân làng “mê” ông dữ,  lâu dần, ông lão thành “đặc sản” của làng.

Trong lúc ông nghỉ “lấy giọng” có cậu thanh niên tếu táo hỏi: Ông Tư đã đi nhiều như thế, tới biển, tới rừng, qua bao nhiêu vùng đất, thấy bao là cảnh đẹp, nhưng sao ông Tư lại về sống ở đây?

Trời đất, cái thằng hỏi chi kỳ cục vậy! Tao ở đây vì tao thấy yêu, thấy quý mảnh đất này, hiểu chưa con- ông cười khà khà, nhưng ánh mắt mờ đục như có khói.

Cậu thanh niên dợm giọng định hỏi nữa, nhưng lại thôi. Hẳn rằng, cậu định hỏi tiếp “sao ông lại quý, lại yêu vùng đất biên giới heo hút này”, nhưng kịp kìm được.

Người làng biết, cậu cũng biết, đời ông lão vất vả cực nhọc đã nhiều, cho nên nguồn vui của ông cũng đơn sơ: Tình cảm với xóm làng là một, và tình cảm với doi đất này là hai. Thì chính ông có lần đã thốt lên: Cái chi tao dứt bỏ được, chứ cái làng này và doi đất này thì tao không dứt ra được đâu!

Anh em chiến sĩ biên phòng bảo nhau, đi tuần tra, dù mưa hay nắng, dù đêm hay ngày, chỉ cần nhìn thấy ngôi nhà trên doi đất, phía trước là lá cờ Tổ quốc bay phấp phới là thấy yên lòng, thấy vững tin, bởi phía sau mình là Tổ quốc, là hậu phương.

Có phải đó chính là lý do để ông già đã ngót nghét 70 tuổi rồi vẫn cứ bám lấy ngôi nhà ấy, không chịu rời vào làng với con cháu? Dù làng cũng chỉ cách đó chưa tới 500m, trù phú như một làng dưới xuôi, với đường bê tông, nhà xây, tường gạch, vườn tược rào dậu tinh tươm quanh năm xanh mướt cây trái.

Những ngày này, ông già có thêm “nhiệm vụ”: Tham gia phát hiện, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép. Ông chia sẻ: “Mấy chú biên phòng nói rồi, dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào tỉnh là rất lớn, trong đó có từ hành vi nhập cảnh trái phép, vì vậy, toàn dân phải tham gia đấu tranh, ngăn chặn. Nhà của ông ở đây có vị trí quan sát thuận lợi, nên càng phải tăng cường cảnh giác, nhất là vào ban đêm”.

Tôi còn ở đây, sẽ không một người lạ hay phần tử xấu nào có thể qua mắt, xâm nhập vào vùng biên được- ông quả quyết nói. Rồi đứng dậy xách đèn pin đi ra ngoài, dặn với: Tụi bay cứ ngồi chơi, tao đi một vòng rồi về liền. Cậu thanh niên lúc nãy cũng xăng xái đứng lên: Con đi với ông. Cả đám ùa theo: Con cũng đi.

Đêm đầu tiên nằm trên cái giường được ghép bằng mấy miếng bìa gỗ, trải tấm chiếu xộc xệch, tôi thao thức không ngủ được.

Không phải bởi lạ nhà, mấy mươi năm trong nghề, tôi đã rèn cho mình cái tính “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”. Cũng không phải là vì những tiếng ho khàn đục của ông già. Mà vì chưa bao giờ tôi được nằm ở gần biên giới đến như vậy, chỉ cách vài trăm mét. Có cảm tưởng rằng, ở đây mà ho một tiếng, mấy người làm cỏ mì bên kia cũng nghe được.

Và còn vì đêm qua, tôi nghe ông nói với con trai: Cuối đời, cha chỉ muốn khi nằm xuống, được nghỉ ngơi ở nơi này, mặt nhìn về phía cột mốc kia, và phía sau là Tổ quốc mình.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác