Phấn khởi, nhưng đừng chủ quan!

05/10/2020 06:01

Hơn một tháng nay, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, cuộc sống bắt đầu trạng thái “bình thường mới”. Song, từ bài học của làn sóng đợt dịch Covid-19 thứ 2 vừa rồi cho thấy, chúng ta vui mừng, phấn khởi, nhưng cũng không được chủ quan.

Hôm Tết Trung thu vừa rồi, sau khi đồng ý cho con đi chơi về, chị bạn tôi đã vô cùng hối hận.

Chẳng là, con trai chị cứ nằng nặc xin mẹ cho đi chơi Trung thu, rước đèn với bạn bè. Thấy con năn nỉ, chị cũng xiêu lòng bởi chị nghĩ hơn nửa năm nay, vì dịch bệnh mà bọn trẻ không được vui chơi thoải mái, nghỉ hè, lễ tết cũng chỉ quanh quẩn ở nhà nên dịp này để con được xả hơi một chút. Song, sau khi chứng kiến cảnh hằng trăm bạn trẻ và nhiều người dân không khẩu trang, đi cạnh nhau vô tư vui đùa trên phố rồi tụ tập ăn uống mà quên mất việc phòng, chống dịch Covid-19 khiến chị thực sự lo lắng.

“Đành rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế- xã hội - văn hóa được mở cửa, nhịp sống bình thường đang trở lại, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn đang hiện hữu, không ai dám chắc điều gì” – chị giãi bày.

Tôi cũng đồng tình với chị, bởi không chỉ trong dịp Tết Trung thu này, mà từ khi đợt dịch này lắng xuống, nhiều biện pháp phòng, chống dịch dần nới lỏng, thì những thông điệp tuyên truyền, khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết áp dụng trong tình hình hiện nay với phương châm “sống chung an toàn với dịch” dường như đang bị mọi người bỏ ngoài tai. Đặc biệt, khẩu hiệu “5K” của Bộ Y tế là “khẩu trang–khử khuẩn-khoảng cách – không tụ tập-khai báo y tế” không còn được tuân thủ nghiêm túc. Tâm lý lơ là, chủ quan đã thấy rõ ở nhiều nơi.

Tất cả người dân đều phải đo thân nhiệt trước khi vào thăm khám tại Bệnh viện. Ảnh: TH

 

Ngay trong các cơ quan công sở, hầu như chỗ nào cũng trang bị đầy đủ nước sát khuẩn tay khô rồi dán những tấm biển khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhưng cũng chỉ có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chấp hành, khách đến liên hệ công tác thì càng ít người chủ động làm theo.

Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, các hoạt động sản xuất-kinh doanh đang phục hồi để thực hiện mục tiêu kép thì nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn, chưa thể xác định được điều gì. Bài học về đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Sau 99 ngày, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng thì đến ngày 25/7, chúng ta đã phải đón nhận thông tin không vui khi phát hiện một ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, không xác định được nguồn nhiễm. Trong “trận chiến này”, cả hệ thống chính trị phải vất vả hơn để ứng phó với dịch bệnh, mất mát cũng nhiều hơn. Điều này nhắc nhở mọi người dân lẫn cơ quan chức năng không thể lơ là trong bất kỳ thời điểm, bởi nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong Công điện số 1300/CĐ-TTg (ngày 24/9/2020) về việc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng lưu ý, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh nhưng không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế và từ người nhập cảnh trái phép… Thủ tướng nhắc nhở, tại một số nơi, ngay cả trong một số cơ quan của Nhà nước và trong nhân dân đã xuất hiện tâm lý chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Để nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, xao nhãng trong phòng, chống dịch bệnh, ngày 28/9/2020, UBND tỉnh đã có văn bản số có 665/UBND –KGVX về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc, trách nhiệm, chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; rút kinh nghiệm không để xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, thực hiện không đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; tăng cường kiểm tra chấn chỉnh đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…qua đó nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đợt dịch Covid-19 lần 2 ở nước ta đến nay được coi là đã kiểm soát tốt, tạo tiền đề, cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và mỗi người dân lại được hưởng niềm hạnh phúc của một cuộc sống bình thường. Chúng ta có quyền tự hào về thành quả ấy, nhưng không thể có tư tưởng chủ quan, lơ là bởi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Thùy Hương

Chuyên mục khác