30/04/2020 13:03
Cuộc trò chuyện giữa tôi và bác lúc nào cũng thú vị. Những câu chuyện cứ thế tiếp nối, kéo dài đến tận chiều. Những người sinh sau đẻ muộn như chúng tôi, biết về lịch sử qua những hình ảnh, trang sách. Và giờ đây, theo lời kể của bác, diễn biến một số trận đánh, những ngày kỉ niệm như những thước phim tài liệu, chậm rãi, chậm rãi… tua về. Tất cả như lắng lại, làm rung lên những cung bậc sâu sắc với lòng biết ơn hàng triệu con người đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Từng khoảnh khắc hân hoan, tưng bừng trong “ngày vui đại thắng” của toàn dân tộc vẫn cứ nguyên vẹn trong ánh mắt, hơi thở, trái tim của bác - người lính Cụ Hồ năm xưa. Bác bảo rằng, hơn 70 năm cuộc đời, bác có nhiều, rất nhiều niềm vui. Nhưng, không có niềm vui nào sánh bằng với ngày vui đại thắng 30/4 – giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không riêng bác, đó là niềm tự hào vô bờ của người dân Kon Tum nói riêng, của người Việt Nam nói chung. Mốc son chói lọi ấy khơi dậy niềm tự hào dân tộc về chiến công hiển hách. Đó cũng là động lực để mỗi người tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để không hổ thẹn với máu xương các thế hệ cha anh đã đổ xuống.
Theo lời bác, ngày 30/4 của 45 năm trước, với tâm trạng hân hoan, người dân phố núi ngồi trên những chiếc xe lam, đi trên những con đường đất đỏ, cầm cờ, hoa, hát vang bài ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Sau ngày chiến thắng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vừa truy quét FULRO, vừa giải quyết các vấn đề xã hội; nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Ôn cố tri tân, bao gian khổ đã qua, những câu chuyện, thời khắc lịch sử là nguồn động viên để mọi người cùng nhau phấn đấu, rèn luyện, học tập, lao động thật tốt. Ngược dòng lịch sử về 45 năm trước, mới thấy, Kon Tum thay đổi rõ rệt. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, tỉ lệ hộ nghèo cao, nay từng bước phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ. Đời sống của người dân được nâng lên vượt bậc. Kinh tế trên đà tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần đều, đạt mức 41,28 triệu đồng vào năm 2019.
|
Những con đường đất đỏ dần được thay thế bởi đường nhựa, bê tông; những tòa nhà cao tầng, kiên cố thay thế cho những mái nhà lụp xụp; trường học được xây dựng khang trang, trẻ em đến tuổi đều được đến trường; y tế, an sinh xã hội đều được đảm bảo.
“Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”, lịch sử đã đi qua nhưng sự hy sinh xương máu của các thương, bệnh binh, liệt sĩ mãi thiêng liêng và cao đẹp. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Với những việc làm cụ thể: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; cố gắng tìm kiếm, quy tập, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ ở các nước bạn... các cấp, các ngành luôn nỗ lực chăm lo chu đáo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng tốt hơn.
Những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng chúng ta chưa thể bằng lòng với những nỗ lực đó. Bởi lẽ, thực tế cho thấy cuộc sống của không ít thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng còn nhiều khó khăn. Nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Nhiều hồ sơ người có công với cách mạng còn tồn đọng. Đến năm 2019, tỉnh ta có khoảng 8.000 người bị nhiễm chất độc da cam, thế nhưng, chỉ có khoảng gần 1.000 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, việc chăm lo đến đời sống của các gia đình người có công với cách mạng cũng là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Khúc ca khải hoàn 30/4 luôn vang vọng như hồn thiêng non sông nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau sống xứng đáng hơn với máu xương của cha anh đã đổ xuống.
Hoài Tiến