Ô nhiễm các giếng nước gần Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa

11/06/2017 18:38

​Nhiều tháng nay, một số hộ dân sinh sống gần khu vực hố thải bã mì của Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty TNHH Phương Hoa ở thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) đang phải chịu cảnh nguồn nước giếng sinh hoạt bị ô nhiễm rất nặng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn đang lúng túng trong việc xác định rõ nguyên nhân...

Giếng nước ô nhiễm nghiêm trọng

Nhiều giếng nước ở khu vực xung quanh Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Phương Hoa những tháng gần đây bỗng dưng đen ngòm, nổi bọt và bốc mùi hôi tanh khiến người dân ở đây vô cùng hoang mang. Đời sống sinh hoạt của người dân ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, họ vẫn loay hoay "vật lộn" với khó khăn này từng ngày, chỉ biết phản ánh và trông chờ vào hướng xử lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông A Hoàng - hộ dân có giếng nước bị ô nhiễm cho biết: Giếng nước gia đình đào từ năm 2005, sâu khoảng 12m. Trước đây, nguồn nước sinh hoạt từ các giếng bình thường, nhưng kể từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa đi vào hoạt động thì nước giếng không còn uống ngon như trước nữa. Kể từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu khoảng 1 tháng cho đến nay thì tình trạng ô nhiễm giếng nước xảy ra trầm trọng hơn.

ông A Hoàng cho biết thêm: Nguyên do của việc ô nhiễm nguồn nước ngầm này có lẽ là do Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Phương Hoa đã tự ý đào hố thải để xả bã mì trực tiếp. Bởi từ sau việc Nhà máy đào hố thải để xả bã mì một thời gian thì giếng nước ở khu vực gần đấy bắt đầu có hiện tượng nước đổi thành màu đen, giếng nước nổi bọt, có mùi rất khó chịu; trước đây giếng nước vẫn nấu ăn, tắm giặt bình thường. Giếng nước nhà tôi cách vị trí Nhà máy đào hố xả bã chưa đầy 10m nên chịu ô nhiễm rất nặng, nước giếng đen ngòm, bốc mùi không thể làm gì được. Khi giếng nước mới bị ô nhiễm, các con tôi giặt quần áo mặc vào ngứa khắp cả người. Nước không có sinh hoạt, tiếng ồn do nhà máy hoạt động cả ngày làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình tôi. Ban ngày các con tôi phải  đi ở nhờ nhà người thân cách xa nhà máy hơn 1km, ban đêm mới dám quay về ngủ. Do nhà máy gây ô nhiễm nên cuộc sống sinh hoạt, học hành của gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều… Một số hộ xung quanh đây giếng nước đều xảy ra tình trạng ô nhiễm như trên.

Nhiều tháng nay gia đình ông A Lương cũng phải chịu cảnh giếng nước bị ô nhiễm tương tự giếng nước gia đình A Hoàng, cuộc sống sinh hoạt gia đình đều đảo lộn.

Giếng nước nhà A Hoàng hôi thối, nổi bọt, đen ngòm. Ảnh: Đ.V

 

Ngồi trong căn nhà cấp 4 tối om do không dám mở cửa vì mùi hôi, ông A Lương rầu rĩ cho hay: Hầu hết các hộ dân bị ô nhiễm đều muốn bán tháo đất đai, nhà cửa để bỏ đi nơi khác sinh sống, nhưng nói thật với tình trạng ô nhiễm như thế này thì chẳng ai dám mua. Ở làm sao được khi nước giếng không còn xài được, mưa xuống thì hôi thối khắp nơi; thêm vào đó là tiếng ồn, bụi bặm phát ra từ nhà máy suốt ngày đêm như tra tấn. Gia đình tôi và một số hộ sinh sống xung quanh nhà máy nhiều năm nay rất khổ sở kể từ khi nhà máy Phương Hoa đi vào hoạt động. Trời thì nắng nóng hầm hập, thế nhưng trong nhà vẫn không dám mở cửa, vì nếu mở, khói bụi từ nhà máy sẽ bay vào trong nhà. Do đó, trong nhà phải bật điện thắp sáng cả ngày lẫn đêm, tiền điện hàng tháng phải trả cho điện lực vì thế cũng rất cao.

“Không khí bị ô nhiễm, người dân không có nước uống, trong đợt tiếp xúc cử tri gần đây, đại diện Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa hứa sẽ xem xét bắc đường ống dẫn nước sinh hoạt của nhà máy đến các hộ có giếng nước bị ô nhiễm để sử dụng, nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Chiều tối mỗi khi đi làm rẫy về cả gia đình không có nước để tắm nên đành phải đi tắm nhờ nhà người thân cách hơn cây số nên rất bất tiện” - ông A Lương bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Tỷ - trưởng thôn Đăk Sút không ngần ngại cho biết, có 13 hộ sinh sống ở khu vực gần Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa đều bị ô nhiễm, nguyên nhân được cho là từ nhà máy này gây ra. Vừa rồi huyện có xuống lấy 9 mẫu nước ở 9 giếng khác nhau của các hộ dân để gửi đi kiểm tra, kết quả tất cả 9/9 giếng nước này đều bị ô nhiễm. Theo nguyện vọng các hộ dân bị ô nhiễm đề nghị Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa cần có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân, về lâu dài nhà máy cần có phương án tổ chức tái định cư cho các hộ dân bị ô nhiễm đến một nơi ở khác…

Xả thải trái phép, “chạy trách nhiệm"

Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong - A Thẳng khẳng định: Sau khi nhận được phản ảnh từ phía người dân về tình trạng các giếng nước của các hộ dân không sử dụng được do bị ô nhiễm môi trường do Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa gây ra, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy 9 mẫu nước ở 9 giếng nước của các hộ dân để phân tích, xét nghiệm. Kết quả cho thấy là tất cả 9/9 giếng nước đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại diện phía Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa lại từ chối trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân cũng như trách nhiệm về pháp luật vì cho rằng chưa có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng tình trạng ô nhiễm các giếng nước này nguyên nhân là do nhà máy gây ra. Muốn biết nguyên nhân chính xác phải chờ kết luận của các cơ quan chuyên môn. Thế nhưng, đến nay cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định rõ tình trạng ô nhiễm các giếng nước này nguyên nhân do đâu để tìm hướng xử lý.

Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, hồ chứa bã mì thải ra từ nhà máy rộng cả 1.000m2 được đào sát nhà của các hộ dân, bên trong hồ chứa đầy bã mì đang bốc mùi chua, hôi thối nồng nặc. Phía bên bờ là một chiếc xe múc đang ngày đêm khẩn trương múc xác bã mì dưới hồ đưa lên các chiếc xe ben để chở đến tập kết bên bờ sông Pô Kô cách nhà máy chừng 500m về phía thượng nguồn. Chỉ cần một cơn mưa to thì toàn bộ số xác bã mì tập kết nơi đây sẽ trôi theo dòng nước đổ ra sông Pô Kô…

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa khẳng định: Hồ chứa bã mì không phải của nhà máy. Toàn bộ diện tích đất để làm hồ chứa bã mì thải ra từ nhà máy là của người khác. Và toàn bộ bã mì chứa trong hồ không phải của nhà máy vì nhà máy cũng đã bán toàn bộ số bã mì này cho người khác nên nhà máy không có trách nhiệm(?!)

Cần quyết liệt vào cuộc

Như vậy, theo phản ánh của người dân, cũng như ý kiến của những người có trách nhiệm của chính quyền xã Đăk Kroong và ngành chức năng huyện Đăk Glei thì việc Nhà máy mì Phương Hoa ngang nhiên thải nước và bã mì ra hồ mà chưa xin phép là có thật và giếng nước các hộ dân xung quanh khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng có thật. Thế nhưng, không hiểu sao, cho đến nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý nghiêm. Hơn nữa, nhà máy đã tự ý đào hồ chứa bã mì ngoài quy mô như thế, hoạt động xả thải kéo dài nhiều tháng như thế nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chậm phát hiện, xử lý.

Người dân đang chờ sự vào cuộc tìm hướng giải quyết thỏa đáng của chính quyền địa phương và ngành chức năng nhằm đảm bảo cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt của họ.

Đắc Vinh 

Chuyên mục khác