Nỗi niềm thổ cẩm

27/04/2024 13:04

Nó thường đến nhà mẹ chơi, nhiều khi chỉ để ngồi bên cạnh, lặng yên nghe tiếng thoi lách cách, lặng yên ngắm đôi tay tài hoa thoăn thoắt luồn thoi. Và đôi khi chỉ để nghe tiếng thở dài chất chứa nỗi niềm.

Hồi đầu tháng 4, mẹ gọi báo tin được dự Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ III.

Giọng mẹ rất vui: Nghe cán bộ xã nói, có nhiều nghệ nhân ở nhiều nơi về dự. Mẹ mong sẽ được gặp họ để trò chuyện và học hỏi thêm. Nó bật cười: Mẹ mà phải học hỏi thêm á? Có chứ, phải học nữa, học nhiều, vì làm nghề dệt không ai dám nói giỏi cả, chỉ là thạo thôi- mẹ răn.

Sau nhiều ngày đi công tác xa, chiều nay nó đến thăm mẹ. Ngôi nhà nằm lọt giữa những tán cây rậm rì. Trời nóng hừng hực như đổ lửa. Như thường lệ, mẹ ngồi ở nhà chồ- nơi rộng rãi và có nhiều ánh sáng nhất- bên cạnh là khung dệt.

Nó ngắm quanh ngôi nhà. Trên các bức vách treo toàn đồ thổ cẩm. Từ khi mới 15 tuổi, mẹ đã biết dệt. Ngày xưa, phụ nữ DTTS chỉ dệt vải may quần áo cho mình và cho người thân trong gia đình.

Thổ cẩm sẽ mất đi ''hồn cốt'' khi chỉ để... trưng bày. Ảnh: TH

 

Thời ấy, để học nghề, mẹ phải đi tước từng sợi chỉ trong thân cây chuối ra để dệt thử; đến khi dệt thành công, mẹ mới cho tiền mua chỉ để dệt. Lớn lên, lấy chồng, mặc dù bận bịu với việc chăm con cái, lo cho cái nương, cái rẫy nhưng tối về lại ngồi bên khung dệt miệt mài dệt thổ cẩm may trang phục cho những người trong gia đình.

Bây giờ đã 84 tuổi, mẹ vẫn cần mẫn dệt vải. Không chỉ vì đời sống, mà còn vì giữ gìn tinh hoa của dân tộc cho mai sau.

Mẹ cho nó xem những tấm hình chụp tại Liên hoan sắc màu thổ cẩm. Trong đó, nó rất thích một tấm hình chụp mẹ đang ngồi dệt dưới gốc cây cổ thụ. Từng hạt nắng lọt qua kẽ lá, như nhảy nhót, rồi đậu xuống vai, xuống tấm vải dệt dở.

Đẹp quá mẹ nhỉ? Nó khen. Đẹp, và vui nữa- mẹ cười, rồi thêm: Nhưng sẽ vui hơn nếu như dệt thổ cẩm không chỉ đẹp khi ở liên hoan.

Nó hiểu ý mẹ. Bây giờ trong làng, đã hiếm khi thấy người mặc trang phục truyền thống nữa; trên những dây phơi quần áo không còn váy áo thổ cẩm quen thuộc mà thay thế bằng những bộ quần áo hiện đại.

Người biết dệt thổ cẩm đã cao tuổi và ngày càng ít đi; thanh niên thì không thích học vì dệt lâu, bán lại khó. Ngay cả người mình cũng không còn mấy mặn mà với thổ cẩm nữa...

Nhìn dáng mẹ ngồi bên khung dệt, nó thắt lòng nhớ cụ bà chào bán những mặt hàng làm từ thổ cẩm bên làng mình. Hôm ấy, nó đi tour, dẫn một nhóm khách vào làng chơi. 

Khi đã hài lòng với những trải nghiệm về nhà sàn, nhà rông, cồng chiêng, mọi người bắt đầu xúm xít bên những tấm thổ cẩm tươi mới được treo bên nhà rông của làng.

Cầm trên tay xấp thổ cẩm mới dệt, một cụ bà lần dở từng tấm giới thiệu cho khách. Cuộc ngã giá qua lại chóng vánh, kết quả không thành công vì xem chừng người mua không mấy mặn mà.

Cụ bà lặng lẽ xếp gọn lại, hiền hậu bảo: Thổ cẩm của làng dệt bằng tay nên giá bán khá cao, không phải ai cũng bằng lòng mua.

Gần đó, một bé gái cũng đang chào bán những chiếc ví, khăn làm bằng thổ cẩm. “Mua đồ thổ cẩm đi anh, chị". Một cô gái trẻ nhìn nhìn: "Sao giống như đồ Trung Quốc. Cái này mua ở đâu cũng có. Tớ từng mua hàng ôm khăn như thế trong Đà Lạt, rồi cả Hà Nội”.

Bé gái lặng lẽ xếp gọn lại, nhỏ nhẹ:  Mẹ làm ra đấy! Nó thấy chạnh buồn. Thổ cẩm ơi, vẫn còn khó khăn quá!

Sau này nó thấy giận mình vô cùng vì đã không dám vượt qua “khuôn phép nghề nghiệp” để níu cô gái trẻ lại mà tâm sự đôi điều về thổ cẩm. Rằng, những gì cô thấy chỉ là vài hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường, giống như bao mặt hàng khác, tránh sao khỏi những sản phẩm thổ cẩm “công nghệ”, thổ cẩm “nhái”.

Rằng, sắc màu thổ cẩm đã và sẽ sống mãi với thời gian, bởi trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người phụ nữ Ba Na hay Xơ Đăng, Gia Rai luôn có một tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm. Và họ không cho phép ai làm thổ cẩm phải chịu tiếng xấu.

Cô không tin ư? Nếu như có dịp, tôi sẽ dẫn cô vào những ngôi làng đồng bào DTTS. Cô sẽ thấy ở đây vẫn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm- nó sẽ nói như vậy. 

Những nghệ nhân gìn giữ, trao truyền nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: T.H

 

Vào làng, cô sẽ  nghe tiếng lách cách của khung cửi dệt vải; sẽ ngắm những bàn tay đã chai sần bởi cầm dao, cầm cuốc làm rẫy của các mẹ, các chị mềm mại, uyển chuyển như những nghệ sĩ tài hoa khi xe sợi kéo chỉ, hoặc ngồi thêu thùa, tạo nên hình hoa lá cỏ cây, hình chim muông thú rừng, ô vuông ô trám.

Nếu như cô đến dự các liên hoan thổ cẩm được quan tâm tổ chức ngày một nhiều, mà gần đây nhất là Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ III, cô sẽ được gặp những mẹ, những chị mê mải phô bày tài dệt của mình.

Khi chứng kiến sự miệt mài, mê say đó, cô sẽ hiểu tình yêu sâu lắng vô cùng của họ dành cho thổ cẩm. Sẽ không bao giờ có sự gian dối với thổ cẩm từ những người như họ. 

Và nếu cô được nhìn đôi mắt sáng long lanh đầy đam mê của những cô bé đang chăm chú dõi theo tay bà, tay mẹ thoăn thoắt dệt vải thì sẽ hiểu vì sao thổ cẩm vẫn có sức sống bền bỉ, dù trải qua bao thăng trầm.

Cũng như mẹ và bao phụ nữ DTTS khác, nó yêu mến nét hoa văn tinh tế trên trang phục thổ cẩm và cảm thấy xót xa khi một nét văn hoá đặc sắc như nghề dệt thổ cẩm đang dần trở nên mờ nhạt trong đời sống.

Cách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tốt nhất là làm sao để nó tồn tại thực sự trong chính cộng đồng của mình. Làm sao để mỗi thành viên trong một gia đình đều có, từ chiếc khăn cõng con, tấm chăn đắp đến bộ quần áo mặc mỗi ngày.

Như vậy, hẳn rằng khi truyền nghề, những người như mẹ sẽ không còn phải lo lắng cho tương lai thổ cẩm. Và thổ cẩm sẽ không chỉ đẹp khi ở liên hoan nữa!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác