No ấm mùa vàng

16/10/2018 07:03

Cuộc đời làm báo, nhiều mối lương duyên đã cho tôi những chuyến đi tới những miền núi cao. Đi nhiều thành gắn bó, như người ruột thịt với những bếp lửa nhà sàn, với những thôn làng nằm ven theo sườn núi, với những cảnh sắc tự nhiên đẹp đến say lòng và cả những thửa ruộng bậc thang với những bông lúa chín vàng uốn lượn giữa mênh mang núi rừng Ngọc Linh mà tôi cứ ngỡ mình đang lạc về vùng Tây Bắc của Tổ quốc…

Rừng xa xanh thẫm một màu. Mây trắng bồng bềnh ngang núi. Bên triền núi, những thửa ruộng bậc thang xanh xanh, vàng vàng trải dài theo nắng sớm… khiến tôi có cảm giác mình đã ở chặng cuối của cuộc “chinh phục”.

Nói đúng hơn, mảnh đất, con người và những thửa ruộng bậc thang với sắc vàng rực rỡ, no ấm nơi đây đã có sức hút mãnh liệt với những người sinh ra, lớn lên từ đất quê, ruộng làng như tôi.

Ở nơi đó, những con người chân chất, hồn hậu, dù mới gặp mà cảm giác như thân lâu lắm rồi.

Ở nơi đó, cảnh sắc sơn thủy hữu tình khiến cho bất cứ ai bước chân đến đều như mê như hoặc.

Và ở nơi đó, những câu chuyện làm ruộng lúa bậc thang chỉ bằng đôi tay cần cù, đôi chân dẻo dai… vừa như cổ xưa, huyền thoại vừa gần gũi, đời thường khiến tôi say mê.

Già làng người Xơ Đăng tuổi đã cao, dáng người chắc nịch, mắt vẫn còn tinh anh lắm, giải thích cho tôi về những thửa ruộng bậc thang. Đó là kho báu của núi rừng, của cha ông từ xưa để lại. Đó là biểu tượng ấm no, sum vầy, là tiếng cười rộn vui từ gia đình yên ấm…

Vùng núi rừng Ngọc Linh không ồn ào mà lặng lẽ. Người vùng núi Ngọc Linh không vồn vã nhưng hiếu khách và chân tình. Già làng người Xơ Đăng một hai, mời cô phải đến nhà già ăn bữa cơm mới từ những khoảnh ruộng bậc thang thu sớm.

Tối, những tàn lửa ủ ấm nồi cơm được kết tinh từ nắng, từ mưa, từ gió, từ đồng đất của núi rừng Ngọc Linh và cả những giọt mồ hôi mặn chát của bà con qua bao tháng ngày cần mẫn đợi chờ… lóe sáng soi lên ánh mắt của già, thẳm sâu, hồn hậu, ấm no và viên mãn.

Bữa cơm tối cả chủ lẫn khách ríu rít bên nồi cơm gạo mới như đọng mãi mùi thơm, vị ngọt, chứa chan tình đất, tình người.

Mùi thơm ấy có cả mùi dìu dịu, bịn rịn của đồng đất, có mùi ngai ngái của rơm và cả mùi thơm tinh khiết của những hạt sương mai, mùi khô nồng của nắng.

Vị ngòn ngọt của hạt cơm gạo mới ấy là thành quả bao tháng ngày một nắng hai sương của người nông dân, từ những ngày làm đất, gieo mạ, lo sâu, lo bệnh cho đến khi đơm hoa kết quả, hồ hởi thu hoạch, cất lúa vào kho…

Cô bạn đồng nghiệp đi cùng cứ xuýt xoa, sau này cưới chồng, sẽ chờ khi núi rừng Ngọc Linh vào mùa vàng chụp bộ ảnh cưới để lưu giữ tuổi thanh xuân, để tận hưởng cảm giác ấm no và để cùng nhau thưởng thức vị ngọt, ngon, bình dị của bữa cơm mới nơi này.

Còn tôi, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang từng lớp, từng lớp sóng vàng trải dài từ chân suối lên lưng núi, có cảm giác như được chiêm ngưỡng một kỳ quan, được tạo ra từ bàn tay và sức lao động của những con người chân chất, mộc mạc.

Tôi cứ thế mà lặng yên, mà tần ngần như để cảm nhận lâu hơn, tận hưởng lâu hơn mùi thơm thơm đồng nội và vẻ đẹp nên thơ của những thửa ruộng bậc thang, khiến cảnh sắc vùng núi rừng Ngọc Linh thêm sống động, ngọt ngào và lãng mạn.

Không mênh mang như ruộng bậc thang núi rừng Tây Bắc, ruộng bậc thang ở vùng núi rừng Ngọc Linh thường hẹp, thành bờ cao. Chẳng trâu bò, cũng chẳng máy móc, bao thế hệ người Xơ Đăng nơi đây bằng bàn tay, bằng sức người đã cải tạo, đắp bờ, giữ nước, gieo trồng… đủ thóc lúa nuôi dưỡng ước mơ bao thế hệ …

Vào mùa này, khi núi rừng ngớt đi những cơn mưa dầm dề, nắng hanh vàng trải đều trên từng vạt núi rừng, trải đều lên từng ngọn cây, ngọn lúa, những thửa ruộng bậc thang vùng núi rừng Ngọc Linh thay màu áo vàng rực rỡ.

Bất giác, tôi nhớ đến câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” và thấy yêu vô cùng màu vàng rực rỡ, ấm no uốn lượn giữa mênh mang núi rừng Ngọc Linh ấy…

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác