Niềm vui tuổi thơ

09/10/2024 13:15

Ở quê, thế hệ 8x như tôi, gần như đứa nào cũng từng đi nhặt phế liệu. Không phải vì mưu sinh, mà là niềm vui thích muốn tự kiếm thu nhập cho riêng mình.

Mẹ tôi kể, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quê tôi là chiến trường khốc liệt. Mẹ lớn lên trong tiếng gầm rú của máy bay địch, trong tiếng bom đạn nổ chát chúa, trong nơm nớp sợ hãi mỗi khi trốn dưới hầm. Mẹ chứng kiến bao đau thương mất mát, trong đó có sự hi sinh của ông ngoại tôi.

Chiến tranh đã qua đi nhưng tàn tích vẫn còn đó. Đâu đó khắp nơi, ẩn trong bụi bờ, dưới mặt đất là phế liệu chiến tranh như bom, mìn, đầu đạn; mảnh vỡ tên lửa, máy bay.

Vậy nên những năm sau chiến, vì cuộc sống khó khăn, nhiều người dân quê tôi đổ xô nhặt phế liệu bán kiếm thêm thu nhập, dẫu nó chứa đựng đầy rẫy những hiểm nguy.

Nhưng đến thời của tôi, khoảng năm 1990 thì phế liệu chiến tranh không còn nhiều, không còn dễ kiếm, người ta phải dùng máy rà và đào mới có. Còn tụi con nít tụi tôi thì thường phải đợi những ruộng lúa sau khi thu hoạch xong được cày xới lên thì mới bắt đầu công cuộc kiếm tìm. Thực ra thì ở đây, người ta cũng đã rà tìm hết cả rồi, chúng tôi chỉ hy vọng lượm lặt được những vụn sắt nhỏ còn sót lại.

 
Tuổi thơ với nhiều kỷ niệm không thể nào phai. Ảnh: T.T

 

Mùa hè, chúng tôi được nghỉ học, trời miền Trung nắng gắt là thế, ấy mà tụi con nít trong xóm rủ nhau sục sạo tìm kiếm hết ruộng này đến ruộng nọ để tìm sắt vụn với tất cả niềm hứng khởi. Đứa nào đứa nấy đen nhẻm, đi chân không vì ruộng cày đất cứng mang dép rất khó đi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng vẫn khí thế, say sưa cắm mặt xuống ruộng mà tìm.

Chúng tôi lật từng tảng đất cày lên, ngó nghiêng rất kỹ để không bỏ sót. Mỗi khi tìm được cục sắt hay nhôm là réo lên khoe với cả bọn, khiến mấy đứa còn lại thèm thuồng và có chút tiếc nuối.

Chiến lợi phẩm của chúng tôi sau cả buổi, cả ngày thường là những cục sắt, to thì bằng nắm tay, nhỏ thì tầm ngón chân cái, hôm nào may mắn  lượm được vài vỏ đạn bằng đồng thì sướng rơn vì loại này bán được giá lắm.

Cũng có khi nhặt được viên đạn còn nguyên đầu nhọn hoắt, tôi hoảng hồn tính bỏ đi, bụng thầm nghĩ không nên nhặt về, lỡ đang cầm nó nổ thì “xong”. Nhưng lại thấy tiếc, tìm đến mấy anh chị lớn hơn hỏi dò thì được “tư vấn” rằng nó ngâm nước lâu năm, không còn nguy hiểm nữa đâu. Nghe vậy tôi cũng yên tâm cầm về.

Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy toát mồ hôi bởi sự ngô nghê và liều lĩnh của mình năm ấy.

Cứ thế, những ngày rảnh rỗi, chúng tôi rủ nhau đi nhặt phế liệu, mãi đến khi ruộng vào mùa gieo trồng mới thôi. Cả cánh đồng rộng lớn không chỗ nào không có dấu chân của bọn trẻ chúng tôi.

Không chỉ ra đồng, nhiều hôm, trưa nắng lén mẹ, rủ rê thêm mấy đứa nhà bên cạnh, đi đảo khắp các hàng rào trong xóm để tìm thêm phế liệu như những miếng thủy tinh vỡ, những chỗ lông gà, lông vịt ai đó vứt, hay hên thì gặp đôi dép nhựa đứt. Nói chung là tất cả những gì có thể bán được đều nhặt về. Hôm nào nhặt được nhiều thì sung sướng lắm.

Nhà tôi có 3 chị em "hành nghề” nhặt phế liệu, “chiến lợi phẩm” được phân chia rạch ròi, của đứa nào để riêng đứa đó, đứa nào có ít thì chịu ít, tuyệt đối không xin xỏ. Tôi nhớ, đầu hè nhà tôi, dưới gốc cây lê ki ma toả bóng mát rượi, chúng tôi phân khu phế liệu ở đó. Trưa nào cũng vậy, 3 chị em trốn mẹ không ngủ, ra đầu hè, lại mân mê những cục sắt vụn tìm được với hi vọng bán được giá.

Khi được kha khá chúng tôi gọi chị mua ve chai vào bán. Chị ấy cũng chỉ lớn hơn chị gái tôi vài tuổi thôi nhưng nhanh nhẹn, buôn bán giỏi lắm. Chị có cái cân đòn nhỏ xinh, mỗi lần cân, chúng tôi quan sát không rời mắt vì sợ bị cân non. Trong đống phế liệu ấy, được giá nhất là những cục bằng đồng, rẻ nhất là mảnh vỡ thủy tinh.

Mỗi lúc tính tiền tụi tôi lại trả treo sao cái này lại rẻ quá, cái kia lại rẻ quá. Ỉ ôi thế thôi chứ chị ấy "cứng" lắm, chẳng tăng lên được đồng nào đâu.

Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cảm giác lâng lâng hạnh phúc vì được cầm đồng tiền do chính mình làm ra. Dẫu mỗi lần bán tôi chỉ được 5-6 nghìn đồng gì đó, 2 chị gái tôi thì nhiều hơn một chút. Tôi chưa từng dùng tiền đó để mua kẹo, mua kem hay mua món đồ mình thích, mà cất giữ cẩn thận, cứ mỗi lần bán tôi  lại góp vào. Ngày nào tôi và chị gái kế cũng lấy ra đếm rồi xếp lại như một thú vui riêng.

Chị gái lớn của tôi thấy thế bảo làm được tiền thì phải biết hưởng thụ, thích ăn gì thì mua ăn, tiền để lâu bị mục đấy. Vậy nên chị ấy bán được bao nhiêu là rỉ rả mua kem ăn hoài. Có hôm tôi đi học ngang qua quán bún, thấy chị và mấy anh chị lớn ngồi thưởng thức tô bún tôm nóng hổi rất ngon lành. Tôi cũng thèm lắm nhưng nghĩ lại thôi. Sáng ăn cơm với mỡ heo và nước mắm vẫn rất ngon mà.

Giờ đây, thỉnh thoảng, mấy chị em tôi ngồi kể lại chuyện ngày xưa, ai nấy đều cười lăn cười bò. Bà chị lớn cười hả hê nhất vì tự hào hồi nhỏ khôn nhất, rồi quay ngược lại hỏi tôi và chị kế tiền đấy giờ đâu rồi. Thật lòng tôi không nhớ, có khi nó bị mục cả rồi thật.

Cuộc sống không ai mong thiếu thốn, nhưng đôi khi thiếu thốn lại tạo ra nhiều giá trị tích cực. Với tôi, những ngày đi nhặt phế liệu là những kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp. Tôi thầm biết ơn những ký ức ngọt ngào ấy, vì có lẽ nó ít nhiều cũng góp phần tạo ra tôi của hiện tại.

TRANG THẢO

Chuyên mục khác