30/08/2020 13:03
Sáng rõ, xóm hãy còn yên ắng. Luồn tay mở chiếc cổng sắt cũ, con bé bước qua khoảnh sân rộng, đi vào phía hông nhà. “Đã về hả con, sớm vậy?…”- Nó nghe tiếng bà ngoại. Vừa cất tiếng dạ, con bé vừa nhanh tay lấy chiếc liềm dắt bên tấm phên che phía tường bếp.
“Ngoại ngồi nghỉ, con nấu nước gội đầu ngoại nghen”. Nhẹ nhàng đỡ bà ngồi vào chiếc ghế mây cũ đặt ở gốc cây mận, nó quay ra…, một lát, chiếc rổ ngang hông đã đầy các loại lá. Nào lá xả, lá chanh, lá sống đời, lá mận, lá bưởi, cả mớ ngải cứu và nhánh tía tô già đã sậm hoa ngả màu…
Đã mấy hôm rồi, bà ngoại ốm. Cái bệnh tuổi già, đã thường đau xương nhức cốt, lại còn ho và hay đau đầu. Mẹ nó đã chở bà đi khám bệnh, được kê đơn, uống thuốc; nhưng bà bảo, gì thì gì, cứ phải “xông” một cái mới yên tâm và khỏe lại. Nồi nước xông ấy, chính bà là người đã chỉ dẫn cho con bé lấy về, lần mẹ nó bị cảm ốm. Mẹ nó nhanh nhẹn, xốc vác, những lúc chẳng may bị cảm mưa, cảm nắng, chỉ vài nồi nước lá xông là lại bình thường.
Những ngày sau kỳ thi tốt nghiệp trôi qua sao mà nhanh thế. Chưa kể ba năm mẫu giáo, chỉ riêng 12 năm phổ thông, con bé chưa khi nào chứng kiến mùa hè như năm nay, mùa hè cuối cùng của tuổi học trò. Dịch bệnh Covid -19 tác oai tác quái không chỉ khiến người lớn lo toan, căng thẳng, muộn phiền…, mà lũ học trò lớn bé đều bị cuốn vào vòng xoay phòng, chống. Hai đợt liên tiếp không thể đến trường mà chỉ ở nhà, tự lực ôn bài và học qua mạng internet. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bị hoãn, đến khi chính thức có lịch tổ chức thì tình hình Covid-19 trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường hơn.
|
Mải ôn bài trong những ngày chuẩn bị thi nên không thường xuyên sang thăm ngoại, con bé hẹn sẽ dành cho bà cả thời gian trước khi lên đường vào trường đại học. Ấy vậy mà chưa kịp đưa bà đi chơi đó đi đây thăm mấy người bạn già, thì bà chẳng may lại không được khỏe... Nó biết, bà cả đời vất vả, chân lấm tay bùn để nuôi nấng mẹ nó và các dì, cậu. Dạo đã ngoài 70, bà vẫn say sưa trồng rau, nuôi gà; giờ 80 có lẻ còn chưa chịu nghỉ ngơi.
“Làm việc cho nó khỏe người, chứ ngồi không rồi thêm sinh bệnh …”- bà thường nói vậy. Bà còn hay giải thích cho các cháu tinh thần, ý nghĩa của lao động qua những câu tục ngữ, ca dao: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho…”.
Nó hay ôm vai bà, nắm lấy đôi tay xương xương thô ráp, nhè nhẹ xoa bóp. Đôi tay êm dịu đã nâng niu nó từ lúc mới lọt lòng mẹ. Đôi tay hay vuốt tóc nó, đưa quạt lên tấm lưng thấm mồ hôi của nó mỗi lần nó đi học về… Ở gần bà, nó thấy thật là ấm áp. Chuyện trò với bà, sao mà tình cảm và bổ ích.
Nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng, bọn trẻ chúng nó lại lấy giấy bút ra, nhủ bà viết chữ để xem. Bà bảo, ngày xưa nhà nghèo, tối ngày làm đồng, làm ao, chỉ viết được mấy cái tên đã là “phúc” lắm. Bà bảo, cái bút ngày xưa bút lá tre, cán gỗ; chứ nào được bao nhiêu là loại mà mực không vẩy ra ngoài như bây giờ. Mỗi lần nắn nót viết tên mình và tên từng đứa cháu, tay bà run run…
Thời gian trôi đi nhanh quá. Mỗi năm, bà dần yếu thêm. Năm nay quả là năm học “đặc biệt” của lứa học trò sinh năm 2002 như con bé, khi mà gần qua tháng 8, mới có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, hè cuối của tuổi học trò mà vẫn tự giác “chẳng đi đâu xa”, tránh ngay “tụ tập đông người” và càng thêm chủ động tăng cường các biện pháp phòng trừ Covid.
Ngoại tỉ tê với con bé rằng: Xem tivi, thấy cảnh đo nhiệt độ, sàng lọc người để đưa đi cách ly, phòng tránh Covid, bà nhớ cái thời đã xa.
Những năm 1930-1940 của thế kỷ trước, dưới ách phong kiến, thực dân, cuộc sống của người dân khổ sở, thiếu thốn trăm bề. Xóm bà có phần may mắn, nhưng trong làng thì một dạo, xuất hiện ổ dịch tả hoành hành. Hồi ấy, người làng này không được sang làng kia, người xóm nào cũng ở yên xóm đó. Hồi ấy, lấy đâu ra thuốc chữa, nên đa phần bệnh nhân đều chết. Cuộc đời bà lặn lội từ Bắc chí Nam, không vất vả, nhọc nhằn, tai ương, khổ ách nào là không vượt qua… Không vắt kiệt sức mình thì làm sao có thể nuôi đàn con khôn lớn, thành người…?
Bây giờ là hè cuối con bé ở nhà. Lâu nay, gia đình ngoại nó luôn giữ nếp gặp nhau, chung vui ngày Tết Độc lập vào dịp mồng 2 tháng 9. Năm nay, tình hình Covid thế này, bà bảo mong sao dịch bệnh chóng qua, để cuộc sống trở lại bình thường như trước.
Năm nay là hè cuối phổ thông, con bé ở nhà. Mai kia sẽ đi học xa, hẳn là nhớ bà nhiều lắm… Nó bảo với bà, từ nay cho đến lúc đấy, nó còn tiếp tục tham gia công tác trong nhóm từ thiện của bác Tâm gần nhà để giúp đỡ người dân vùng sâu vùng xa mùa dịch. Con bé cũng vẫn chuẩn bị sẵn khẩu trang và nấu nước gừng nước xả thơm ngon phòng bệnh dành cho không chỉ người thân ở trong gia đình... Với những ngày hè ý nghĩa này của mình, nó biết, bà luôn là người vui nhất.
Thanh Như