Những tờ giấy, tấm ảnh cũ màu thời gian

23/08/2022 06:06

Mở cánh cửa tủ gỗ từng là hiện thân những gì bí ẩn và vô cùng lý thú đối với chị em chúng tôi trong suốt những năm tháng thơ ấu, trước mắt tôi, quyển album và những xấp giấy đã ngả sang màu vàng được bỏ trong từng bì bóng đựng tài liệu, rồi tất cả bỏ vào một bì bóng lớn đặt gọn gàng ngăn phía trên cùng. Với tay lấy bì bóng lớn xuống, trời ạ, mắt tôi như nhòe đi khi cả bầu trời tuổi thơ, bầu trời kỷ niệm và đi cùng với đó là chất chứa những yêu thương mà mẹ cha tôi gửi gắm, giữ gìn.
Ảnh minh họa

 

Từ những bức ảnh đen trắng, những tờ lịch năm nảo năm nào có những nét chữ của mẹ, của cha ghi chú, những tờ giấy khen ố vàng, những bài văn ngày tiểu học viết tả mẹ, tả cha vừa chân thực vừa ngô nghê con trẻ, đến cả những bức thư chúng tôi gửi về khi đi học xa nhà, những biên lai gửi tiền kèm theo những dòng chữ phía sau ghi ngày nọ, tháng kia mẹ gửi tiền cho chúng tôi ăn học.

Cầm tờ giấy ô li nay đã úa vàng là bài văn tôi tả mẹ năm học lớp 3. Đọc những nét chữ màu tím nắn nót, đôi chỗ bị lem nhưng vẫn rất rõ ràng: “Mẹ em là cô giáo. Mẹ em hay dạy em học bài. Mẹ em hay quét nhà, rửa bát, giặt quần áo…” mà tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Rồi cả những bức thư mẹ viết nhưng vì lý do gì đó mà chưa gửi cho chị em chúng tôi đầy ắp những nhớ thương, lo toan cho các con của mình lặn lội phương xa, trăm bề lạ lẫm với những dặn dò nào là phải biết kính trên nhường dưới, nào là đừng đánh đổi thiện lương của lòng mình với những hư vinh… Tất cả vẫn nguyên lề, nguyên lối, chỉ là đã ngả sang màu vàng – màu của năm tháng phôi pha.

Ngồi bên, mẹ tôi chỉ vào từng bức ảnh, từng tờ giấy kể rạch ròi thời điểm ấy, khung cảnh ấy. Bức ảnh đen trắng đầy đủ các thành viên trong gia đình chụp đầu hồi nhà là cuối năm tôi học lớp 2, đằng sau bức ảnh là dòng chữ của mẹ tôi nắn nót ghi lại ngày tháng năm chụp bức ảnh. Cầm bức ảnh, thời gian như quay trở lại mấy chục năm trước. Tôi nhớ dịp này ở trường mẹ dạy có chú thợ ảnh về chụp cho ngày kỷ niệm của trường, mẹ nhờ chú đạp xe lên tận nhà chụp cho cả gia đình tấm ảnh làm kỷ niệm. Từ ngoài ngõ, mẹ réo gọi chúng tôi ầm ĩ, rồi mở tủ chọn những bộ áo quần tạm gọi là đẹp nhất, bắt từng đứa mặc vào, rồi chỉnh, rồi sửa, ngắm ngắm nghía nghía. Anh trai tôi còn ỉ ôi xin xỏ, chạy vào chạy ra, nâng niu chú chim chào mào trên tay cùng chụp ảnh. Còn năm bức ảnh đen trắng khổ tầm 4x6cm của năm anh chị em tôi đều cùng một tư thế nằm sấp, hai tay chống lên mặt bàn, cổ ngóc cao, đôi mắt thơ trẻ mở to như hai viên bi ve ngắm nhìn thế giới đều đúng vào lúc chúng tôi tròn 5 tháng tuổi. Mẹ tôi bảo ngày đó ở nông thôn thợ chụp ảnh hiếm hoi lắm, số tiền chi trả để có được một bức ảnh lại cao nhưng cha mẹ tôi không muốn trôi qua khoảnh khắc đẹp, nên đứa nào cũng vậy, đúng vào ngày tròn 5 tháng tuổi, cha đạp xe, mẹ ngồi sau ôm chúng tôi trong tấm chăn kín mít đến tận nhà chú thợ ảnh để lưu giữ kỷ niệm ngọt ngào. 

Vừa xem ảnh, xem các tờ giấy khen, bức thư, tờ lịch cũ, mẹ và tôi vừa kể lại những câu chuyện mà cứ ngỡ đâu như mới hôm qua. Nhưng thời gian thấm thoắt thoi đưa, như bức ảnh của chị gái đầu của tôi cũng nằm sấp, tay chống lên bàn, đầu ngóc lên, mắt như đang nhìn chúng tôi nhoẻn miệng cười ngô nghê mà nay cũng gần tròn 50 năm rồi đấy.  

Thỉnh thoảng cha tôi lại ôm mấy tập giấy tờ, album ảnh phủi phủi bụi, hong phơi nắng, lại đọc, lại xem. Mẹ bảo mỗi lần vậy thấy như được sống lại những tháng ngày cùng các con thơ trẻ, ríu rít sum vầy. Nhọc nhằn đấy, vất vả đấy nhưng ấm áp và hạnh phúc vô bờ. Cảm giác như mẹ cha và các con vẫn những bữa cơm chiều đạm bạc nhưng rộn vui tiếng nói cười bên bộ bàn ghế đá trước sân. Cảm giác như  vẫn là những buổi sáng mẹ thức dậy từ sớm kêu các con dậy học bài, còn mẹ lại vừa nấu cơm, nấu nước cho cả nhà kịp ăn bữa sáng đi học, đi làm, lại loay quay sang giặt một thau to quần áo cả nhà đã ngâm sẵn từ hôm trước.

Những tấm ảnh, tờ giấy cũ đó là kỷ vật vô giá mà mẹ cha tôi đã cất công gìn giữ, bảo quản gần nửa thế kỷ nay. Tất cả vẫn vẹn nguyên, chỉ là hằn dấu thời gian, chỉ là một vài  tờ giấy có đôi chấm mực bị lem do mưa bão. Mẹ kể là do cơn lụt lịch sử năm 2020. Nước lên nhanh quá, sợ ngập luôn cả tủ, cha tôi lội trong nước lụt mở tủ lấy những tập ảnh, tập giấy cất lên chỗ cha mẹ ngồi trú. Buồn buồn, cha tôi mở ra xem, mưa lớn hắt vào thành ra bị lem đôi chỗ.    

Nhìn mẹ nghiêng nghiêng mái tóc bạc phơ, đuôi mắt đã hằn những nếp chân chim lấp lánh niềm vui khi kể “lai lịch” từng tờ giấy khen, từng món phần thưởng của các con mà tôi thấy lòng mình như có sóng. Mẹ cha qua bao vất vả, gian truân nuôi dưỡng, chúng tôi lớn lên rồi lần lượt đi muôn phương, thỉnh thoảng trở về và lần nào cũng “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Còn cha mẹ tôi, ngày ngày vẫn bên căn nhà cũ, thỉnh thoảng lại mở chiếc tủ gỗ, ôm chồng ký ức ngọt ngào lần giở và  lại cùng nhau kể những chuyện xưa.

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác