04/09/2019 13:04
Một thời gian trước, tôi được phân công đưa tin tại một cuộc họp của một đơn vị thuộc tỉnh. Ngay khi vừa mở cửa bước vào phòng họp, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trên bàn tại mỗi vị trí của các đại biểu là những ly đựng nước lọc, cách vài bàn lại có một bình thủy tinh lớn đựng nước, tuyệt nhiên không có một chai nước Lavie, Aquafina hay Thạch Bích... Một vài đại biểu đến sớm còn tự lấy thêm ly nước trà để uống trong lúc họp. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc họp nói không với chai nhựa dùng một lần.
Tranh thủ trước giờ họp, tôi ghé lại chỗ cô nhân viên phục vụ vừa đùa vừa hỏi khẽ: “Bữa nay bên mình tiết kiệm thế em, không phát nước uống đóng chai nữa à?!”
Ai ngờ, cô nhân viên nhanh nhảu trả lời chẳng khác gì một tuyên truyền viên: “Không phải đâu chị. Bữa nay, các cuộc họp bên em sẽ không sử dụng nước uống đóng chai bán sẵn ngoài thị trường như trước mà dùng toàn bộ bình, ly đựng nước bằng thủy tinh, sứ. Việc làm này nhằm thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, nhất là nhựa sử dụng một lần để bảo vệ môi trường. Trước cuộc họp, bọn em chắt nước từ bình nước khoáng 20 lít vào các bình thủy tinh rồi rót ra ly; đồng thời, pha thêm vài bình trà lớn để đại biểu nào có nhu cầu thì tự phục vụ. Việc làm này, tuy có mất thêm chút ít thời gian, nhưng tính ra vừa sạch sẽ, vừa tiết kiệm chị ạ”.
Tất nhiên, tôi biết rất rõ về chủ trương và phong trào giảm thiểu thải nhựa, nói không với nhựa sử dụng một lần của Chính phủ, thế nhưng, tôi vẫn nghĩ việc làm này có chăng mới chỉ được thực hiện ở các cơ quan bộ, ngành của Trung ương hay ở một vài tỉnh, thành lớn. Không ngờ phong trào này đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành hành động của các cơ quan trên địa bàn tỉnh và thấm nhuần vào đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Đúng là không hề hô khẩu hiệu suông, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang có những hành động thiết thực để hạn chế rác thải nhựa. Việc làm cụ thể nhất chính là việc nói không với chai đựng nước bằng nhựa tại hầu hết các cuộc họp, hội nghị.
Ngẫm lại, cách đây chỉ ít tháng, mọi người khi đi họp đều quen với việc trên bàn họp mỗi người một vài chai nước và coi đây như là điều đương nhiên, chẳng ai bận tâm. Khi ấy nếu nói bỏ hết chai nhựa đi mà thay bằng ly, bình thủy tinh hay bình inox để đựng nước chắc chắn nhiều người sẽ phì cười. Nhưng đến bây giờ thì gần như ai cũng thấy việc đó là cần thiết và hợp lý.
Sau những cuộc họp, hội nghị không giấy tờ thì bây giờ là những cuộc họp không chai nhựa. Cái lợi thấy rõ của việc làm này là giúp tiết kiệm chi phí hơn hẳn so với việc mua nước đóng chai và quan trọng hơn là đã góp phần giảm chất thải nhựa ra môi trường. Ban đầu, nhiều người hẳn sẽ thấy lạ lẫm, có người sẽ không thích. Nhưng rồi khi thấy lợi ích của việc làm này mang lại thì những hành động cụ thể như trên sẽ tác động lên trực giác người dùng; từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức và thói quen con người trong việc sử dụng các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Và điều đáng mừng hơn là, hiện tại nhiều cán bộ, nhân viên của không ít cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động đóng nước vào các bình thủy tinh, inox mang từ nhà tới cơ quan để dùng trong cả buổi.
Không chỉ tại các cuộc họp, để hạn chế việc sử dụng nhựa trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động; tỉnh ta đã ban hành những văn bản cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào “chống rác thải nhựa”, góp phần bảo vệ môi trường.
Đó là, ngày 21/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3547/KH-UBND về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Ngày 08/5/2019 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 1076/UBND-NNTN về việc thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện tốt Kế hoạch số 3547.
Trong đó, nhiệm vụ được đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến cộng đồng và người dân về tác hại của túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần đối với kinh tế- xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần chuyển sang hình thức hợp tác, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ về quản lý, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế nhựa, nilon. Từng cơ quan, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng, nhân rộng các mô hình; thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần…; trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động mọi người cùng thực hiện.
Dĩ nhiên, để xây dựng được một cộng đồng nói không với chai nhựa nói riêng và rác thải nhựa nói chung vẫn cần nhiều thời gian để thay đổi nhận thức và hành động. Nhưng chúng ta có quyền tin rằng, với quyết tâm hành động của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội, sẽ góp phần từng bước xây dựng một lối sống xanh, sạch, thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh ta.
Thùy Hương