Những chuyện “nhặt” ở phố

30/08/2021 13:01

Lạc quan nhưng không chủ quan. Để được hít thở không khí trong lành ngoài trời thay vì “khóa chặt và đông cứng”, mỗi người trong chúng ta nhất định phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, thông điệp 5K, đặc biệt là khẩu trang và khoảng cách.

Kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà, lấy đủ 3 mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính (-), tiếp theo 7 ngày ép mình ở nhà để tự theo dõi sức khỏe, gã mới yên tâm “giải phóng”.

Khi quyết định mở cánh cửa đã nhốt chính mình trong khoảng thời gian dài ấy, bước ra hòa nhập với thế giới bên ngoài, gã thấy đây là một ngày đẹp nhất. “Hạnh phúc là gì? Được hòa vào cuộc sống trôi quanh mình, chào hỏi những người mình gặp, chính là hạnh phúc”- gã vừa nghĩ vừa dắt xe ra cổng.

Tính từ đầu năm ngoái đến nay, nước ta đã và đang trải qua 4 “sóng” dịch lớn, tuyệt vời làm sao, “sóng” nào Kon Tum cũng “trụ vững”. 3 đợt dịch đầu, luôn trong “vùng xanh”, mãi đến nửa cuối tháng 7/2021, Kon Tum mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, đến nay là 21 ca, trong đó có 6 ca đã khỏi. Tất cả đều từ “ngoài vào”, được phát hiện kịp thời ngay từ chốt kiểm dịch hoặc trong khu cách ly.

Vậy cho nên, gã vẫn tự hào mà khoe với bạn bè rằng, nơi gã ở đang “an toàn trong bình thường mới”. Thỉnh thoảng (mạn phép chị trưởng thôn hay la rầy), gã chụp bức ảnh đang thong dong trên phố gửi cho đám bạn. Sau một hồi xác minh có đúng là gã không (vì khẩu trang bịt kín mít), chúng nó mới “á, ố” hùa vào mà chúc mừng, mà ghen tị, mà than vãn “Hạnh phúc tìm ở đâu? Ở Kon Tum chứ đâu”.

Gã hiểu, với những người bạn đã mấy tháng phải “ở trong nhà”, được dạo phố chính là hạnh phúc.

Để cuộc sống an toàn trong đại dịch, mỗi người cần chấp hành nghiêm quy định phòng dịch, nhất là thông điệp 5K. Ảnh: H.L

 

Gã tò mò dừng xe trước một căn nhà có giàn hoa giấy đỏ rực cả góc đường Lê Quý Đôn nghe lén màn “lên lớp” của một “nóc nhà”. “Không ăn nhậu gì cả. Ở nhà hoặc tự chuẩn bị tiền nộp phạt” – cô vợ dọa dẫm. Hẳn là anh chồng này muốn “chuồn” khỏi nhà đi với bạn bè.

“Giờ mà kéo nhau đi nhậu, mọi người nhìn vào không hay. Với lại, đã ngồi nhậu là sẽ không giữ được khoảng cách, phải bỏ khẩu trang, nhỡ có chuyện chẳng may thì sao?”. Hẳn là anh chồng đã nghe “lệnh bà”. Bằng chứng là có tiếng kéo cửa lại.

Đúng là không thể chủ quan được. Gã lầm bầm khi chạy xe trên đường Trần Phú, thấy những quán cà phê vỉa hè có mấy bàn kê sát nhau, mỗi bàn 3-4 người ngồi, cười nói tưng bừng. Cô phục vụ trẻ không đeo khẩu trang đi lại bưng bê nước.

Lúc nãy, cũng vì chuyện này mà gã với cô chủ quán cà phê quen thuộc tranh cãi, khiến gã bực bội bỏ đi. “Không đeo khẩu trang vì quên đã đành, nhưng nhắc rồi thì phải sửa ngay, chứ sao lại lấy lý do quán vắng khách, không đeo thì có sao, khi nào có nhiều khách đeo vào là được”- gã phê bình gay gắt.

Mình có nóng quá không nhỉ? Gã tự hỏi, khi cái đầu “nguội” lại. Đúng là hơi nóng, nhưng nếu không nhắc, thì thành quen, cứ chủ quan như vậy thì gay lắm.

Vòng qua ngã tư Trần Phú – Nguyễn Đình Chiểu, gã chợt thấy vui khi bà già bán bánh bò, anh sửa bếp ga, ông già sửa giày, chị gái may vá… vẫn lam lũ mưu sinh trong những ngày dịch giã. Chính họ giúp phố phường thêm gần gũi, thân thuộc, đầy hơi thở cuộc sống.

Chẳng còn thảng thốt như trong đợt dịch mới nhất, người Kon Tum bình thản đón nhận những đợt dịch sau. Không mấy người hối hả đi mua sắm. Cũng chẳng thấy giá khẩu trang, nước sát khuẩn, mì tôm… lên giá đùng đùng. Không phải vì chủ quan, mà là người dân đã được “tập dượt”, đã có kinh nghiệm hơn, không còn bị “hù” cho hoảng loạn. Tất cả đều đi vào nề nếp, thích ứng với tình hình mới.

Đi qua nhà một người bạn làm ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bỗng nhớ lâu lắm rồi chưa gặp. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, những nhân viên y tế như cậu ta đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước lên tuyến đầu, với tinh thần “chỉ có kiệt sức chứ không ngã quỵ về tinh thần”.

Thỉnh thoảng gặp thoáng qua, gã xót xa nhìn những vết thâm quầng trên đôi mắt cận, do những đêm thiếu ngủ; vết hằn khẩu trang trên mặt; bàn tay nhăn nheo do phải đeo găng cao su suốt ngày. Cậu ta làm ở bộ phận xét nghiệm mẫu để “săn Covid” mà.

Suốt nhiều tháng trời, cậu ta đã cùng đồng nghiệp làm việc không kể ngày đêm để cho ra hàng chục nghìn kết quả xét nghiệm. Tính từ năm 2020 đến ngày 14/8, là 34.591 mẫu nhé. Để đảm bảo tiến độ, bỏ ăn, không dám uống nước, nhịn đi vệ sinh là chuyện thường ngày- cậu ta từng kể.

Gã ghé vào quán tạp hóa trên đường Lê Hồng Phong mua vài thứ lặt vặt. Chị chủ quán khoe mới được tiêm vắc xin. “Cứ nghĩ mình là dân lao động tự do, đăng ký là đăng ký vậy, biết đến khi nào được tiêm. Vậy mà hôm nay được gọi lên tiêm vắc xin phòng Covid. Mừng hết biết”- chị chủ quán hào hứng.

Gã chợt nhớ đến chị bán mì quảng ở gần nhà cứ vài ngày lại lên trạm y tế phường để hỏi thăm bao giờ được tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Đọc trên facebook mà tức á. Sao lại có chuyện đòi hỏi vắc xin này vắc xin kia. Gặp mình, có vắc xin phòng Covid là tốt rồi”- chị càm ràm.

Gã nghĩ, ở đâu nghi ngại, e dè chứ người Kon Tum thì lại trông được tiêm, thậm chí còn mong được xung phong tiêm nữa ấy chứ. Họ trông được tiêm vắc xin để “bình thường hóa” dần cuộc sống; để được làm ăn buôn bán; được ra quảng trường, công viên tập thể dục mỗi sáng, mỗi chiều; được kề cà bên quán cà phê vỉa hè; được nhìn thấy nụ cười của nhau, nụ cười thật chứ không phải cười bằng mắt.

Còn bây giờ, lạc quan nhưng không chủ quan. Để được hít thở không khí trong lành ngoài trời thay vì “khóa chặt và đông cứng”, nhất định phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, quy định 5K, đặc biệt là khẩu trang và khoảng cách.

Gã vội quay xe về, để viết lại những chuyện “nhặt” được trong ngày đầu tiên ra phố, sau nhiều ngày “ở yên trong nhà”.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác