17/05/2020 06:00
Chiều muộn, tôi lái xe vòng quanh thành phố như để thư giãn sau một ngày làm việc, vô tình chạy qua con đường thân quen ngày nào, nơi ấy ngày trước là một xóm chuyên làm bánh hỏi, giờ thì không chỉ có bánh hỏi mà còn có bán cả bán bánh ướt, bánh bèo, bánh xèo...
Là người dân Kon Tum, hẳn không ai mà không biết đến xóm bánh hỏi trên đường Đoàn Thị Điểm. Xóm ấy ngày xưa từng nổi tiếng là xóm làm bánh hỏi truyền thống với phương pháp thủ công. Có lẽ nghề gia truyền này đều do cha ông họ mang từ quê hương đất võ Bình Định đến Kon Tum để lập nghiệp từ lâu lắm rồi và hình thành nên xóm bánh hỏi là vậy.
Tôi có người bạn học cùng lớp cấp II, nhà bạn cũng có lò bánh hỏi ở xóm ấy. Chúng tôi đặt cho bạn ấy biệt danh là “Hùng bánh hỏi”. Vì ở cùng một con đường với nhau nên mỗi lần học nhóm là chúng tôi tập trung tại nhà bạn ấy. Những lần ấy, bọn tôi không ít thì nhiều kiểu gì cũng được thưởng thức món bánh của nhà bạn. Song, để có được món bánh ngon như thế, cả gia đình của bạn đều phải dồn nhiều công sức vào đó.
|
Có lần tôi đến nhà bạn đúng vào lúc gặp người chị của bạn đang hì hục xay bột bằng cối đá. Xem chị xay bột với nhễ nhại mồ hôi, tôi thấy thương chị vô cùng. Nghe chị kể, ngay từ chiều hôm trước, chị đã ngâm gạo cho mềm rồi mới xay thành bột sau đó chứa trong ang đất để cho lắng. Rồi 3 giờ sáng, chị phải thức dậy để giáo bột. Mà cái việc giáo bột thật nhọc nhằn vì phải dùng thanh tre quậy đều, đến khi bột sánh lại. Vì vậy trong nhà ai khỏe nhất, có hai cánh tay vạm vỡ mới đảm đương nổi công đoạn này. Sau đó bột được lăn thành cây dài, to vừa với khuôn ép. Ép có hai công đoạn, ép xả xong, bột lại được lăn thành cây rồi mới ép thành bánh. Những cây bột lần lượt được cho vào khuôn rồi chị ngồi trên thanh đòn bẩy đè người xuống, bột chảy qua những lỗ nhỏ ở khuôn thành từng sợi kết thành miếng bánh. Mẹ chị ngồi bên dưới bắt bánh và xếp miếng bánh này chồng lên nửa miếng bánh kia, thẳng hàng. Sau đó, bánh được cho vào nồi hấp, khoảng 5-10 phút sau là bánh chín. Bánh chín kết dính từng dây, được xếp thành lớp vào giỏ tre. Nghe những công đoạn ấy, tôi biết cả gia đình bạn cũng đã kỳ công biết bao nhiêu mới ra lò được giỏ bánh, và chính giỏ bánh ấy đã nuôi mấy anh em của bạn tôi khôn lớn nên người.
Bánh hỏi là món ăn mà tôi ghiền từ nhỏ, mỗi lần được mẹ mua về cho đĩa bánh hỏi trắng tinh ăn kèm nước mắm là chị em tôi đã òa lên thích thú. Những sợi bánh hỏi trắng và dẻo đan vào nhau như mảnh rế và thường thì tôi rất thích nhìn vào những sợi bánh, bởi chúng be bé, xinh xắn.
Bánh hỏi ngon là cọng bánh phải nhỏ, có độ mềm vừa phải chứ không quá khô. Quan trọng nhất là phải có lá hẹ xắt nhỏ nhiều, bánh mới thơm. Trước kia mỗi khi mua bánh hỏi mẹ tôi đều dặn người bán phải thoa thiệt nhiều dầu, hẹ, nhưng nay do không muốn ăn nhiều dầu nên không dám bảo thoa nhiều dầu như trước, song hẹ thì nhất định không thể thiếu.
Em gái tôi lấy chồng Đà Nẵng hơn 15 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa quên cái món bánh hỏi ở xóm ấy. Cứ khoảng mỗi tháng 2 lần đều đặn tôi mua bánh hỏi để gởi về cho em. Có lẽ bánh hỏi ở Kon Tum đã đi vào ký ức em tôi từ bé rồi.
Hồi ấy ở các lò bánh hỏi cũng thường có cách “ưu ái” cho mọi người đem gạo đến để đổi bánh, bọn trẻ tụi tôi thích nhất là cách trao đổi đó. Vậy nên thỉnh thoảng cứ chiều chiều là cả bọn về nhà mỗi đứa xúc một lon gạo, được đâu khoảng 4, 5 lon gạo gì đó rồi đến lò bánh để trao đổi. Cứ một ký gạo thì đổi một ký bánh hỏi.
Cả bọn mang về nhà một đứa bạn gần đó, rồi làm nước chấm cùng nhau ăn thỏa thích. Mà cũng lạ thật, bánh hỏi lúc ấy ăn ngon vô cùng tận. Giờ đây, khi cuộc sống đã đủ đầy, chúng tôi vẫn hay gặp nhau và nhắc lại chuyện cũ, đứa nào đứa nấy đều cười nghiêng ngả. Còn người bạn cũ với cái biệt danh “Hùng bánh hỏi” vẫn được chúng tôi nhắc đến như một gợi nhớ thân thương của cái ngày xưa ấy.
Thời gian làm thay đổi nhiều thứ, xóm bánh hỏi ngày xưa giờ đã thành con đường tấp nập người qua lại, nhà cửa được xây dựng khang trang, các hàng quán bánh hỏi vẫn được bày bán đầy trên xóm nhỏ ấy như vẫn lưu giữ truyền thống của xóm. Dù rằng ngày nay máy móc phát triển, chiếc bánh hỏi được sản xuất ra không phải vất vả như ngày xưa nữa, nhưng những chiếc bánh ngày ấy đã nuôi sống bao nhiêu gia đình trong xóm nhỏ này thì với họ mãi mãi sẽ trung thành và mưu sinh với nghề ấy từ các thế hệ và cho đến ngày hôm nay.
Hạ Mi