Nhớ Trung thu xưa

12/09/2019 13:04

Chiều nay lang thang một vòng quanh phố, trong cái cảm giác tê tê vì hơi lạnh của phố núi sau những cơn mưa kéo dài, tôi chợt nghe đâu đó rộn ràng tiếng trống lân, tiếng reo hò của bọn trẻ con. Và rồi những ký ức tuổi thơ về Tết Trung thu ngày xưa lại ùa về làm xao xuyến lòng tôi...

Tuổi thơ trôi qua đã lâu lắm rồi, nhưng tôi vẫn mong muốn giữ lại những ký ức ngọt ngào về những ngày trung thu đẹp đẽ đã đi qua trong đời mình. Như vẫn còn tiếng trống múa lân, múa rồng, được ca hát rước trăng khắp khu phố và những lúc chia nhau phần bánh dẻo, bánh nướng...

Ngày còn bé, với tôi không có gì vui sướng hơn khi mỗi độ Trung thu về, được cầm trên tay chiếc lồng đèn tung tăng cùng với bạn bè, được nhận quà bánh, được phá cỗ dưới ánh trăng tròn... Và có dịp được hát bài hát “Rước đèn Tháng Tám” một cách thích thú: Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm…”

Khi Trung thu đang đến rất gần là thời điểm chúng tôi rộn ràng nhất. Nào là rủ nhau góp tiền mua đầu lân, phụ kiện, quần áo lân... và cùng tập luyện để biểu diễn trong đêm hội trăng rằm.

Nhớ nhất vẫn là chuyện kéo nhau đi chặt tre, chặt trúc làm lồng đèn. Ngày ấy, xóm tôi nhà đứa nào cũng đông anh chị em. Vì vậy, để sắm cho mỗi đứa một cái lồng đèn chơi Trung thu thật là một điều khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Vậy là, chúng tôi hì hục tự làm lồng đèn cho nhau. Đứa vót trúc, đứa thì đan khung, đứa cắt giấy thủ công. Ít tiền thì mua giấy màu “đục”, nhiều tiền thì mua giấy bóng kính với các màu đỏ, vàng, xanh lá cây… Cái chuyện vót trúc đứt tay xảy ra thường xuyên nhưng không đứa nào bỏ cuộc. Cuối cùng, những chiếc lồng đèn sặc sỡ, đầy sắc màu, đủ hình dạng từ cá chép, bươm bướm, xe tăng, tàu thủy, máy bay, ngôi sao 5 cánh… cũng sẵn sàng khoe những ánh sáng lấp lánh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Vào thời điểm trăng đẹp nhất, tiếng trống thùng thình vang lên từ đầu xóm là đám con nít chúng tôi thấy như tim mình muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, í ới gọi nhau để đi rước đèn Trung thu. Cầm trên tay những chiếc đèn ông sao do chính mình làm ra, chúng tôi hào hứng đi thành hàng rước đèn từ đầu đến cuối xóm, đùa giỡn, cười nói rôm rả. Nhớ lắm những lần đi rước đèn bị gió lớn thổi tắt nến, phải thắp đi thắp lại nhiều lần, có lúc nến gần hết, suýt cháy lồng đèn, run ơi là run; có đứa bị cháy lồng đèn, ngồi khóc nức nở...

Ngày ấy, đường phố lúc đó chưa nhiều đèn điện như bây giờ, nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, hòa với ánh sáng lung linh từ những chiếc lồng đèn tỏa ra mờ mờ ảo ảo. Chúng tôi như được sống trong đêm cổ tích khác biệt với ngày thường.

Trước những sân nhà, mâm cỗ sực mùi hương thơm hoa quả, mùi ngọt ngào từ những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, ánh đèn cầy lấp lánh, hòa lẫn không gian đầm ấm và tràn ngập niềm vui. Chúng tôi phá cỗ trông trăng và mơ màng về hình bóng chú Cuội dưới gốc cây đa nơi chị Hằng dịu dàng, yêu thương tràn ngập.

Ngày ấy sao mà vui đến lạ, háo hức chờ đón từng ngày đến nỗi chỉ cần nhắc tới thôi là bọn trẻ chúng tôi cười híp mắt. Và trong cái đêm trăng tròn ấy, chỉ mong nó cứ dài mãi và mong sao mẹ đừng có gọi về đi ngủ sớm…

Vẫn là ngày Rằm tháng Tám với ánh trăng sáng tròn lung linh nhưng trải qua thời gian, Tết Trung thu hôm nay đã có nhiều khác xưa. Các loại đèn giấy ngày xưa không còn nhiều, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, đa phần chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui tai. Hình bóng chiếc đèn cầy truyền thống coi như đã đi vào quên lãng.

Bánh trung thu cũng chẳng đơn thuần là bánh nướng nhân thập cẩm hình con lợn, con cá, bánh dẻo nhân đậu xanh, mà là cơ man biết bao nhiêu hương vị hấp dẫn khác nhau, như bánh trà xanh, bánh hạt sen, bánh trứng muối, bánh than tre... 

Vào những ngày này, dù thưởng thức rất nhiều loại bánh trung thu của nhiều thương hiệu khác nhau như Kinh Đô, Như Lan…, nhưng tôi vẫn không sao quên được mùi vị những chiếc bánh trung thu của tuổi thơ…

Hạ Mi

Chuyên mục khác