Nhớ tiếng rao của những người bán hàng rong

06/06/2020 13:24

Một ngày nào đó, nếu phố thị không còn những người bán hàng rong, không còn những tiếng rao quen thuộc đong đầy kỷ niệm thuở ấu thơ chắc chắn chúng ta sẽ thấy trống vắng trong lòng. Đó chính là những kỷ niệm thân thương, những khoảng bình yên lắng lại trong tâm hồn của mỗi người để ta cảm nhận về những gì diễn ra trong cuộc sống thường nhật...

Còn nhớ, hồi học tiểu học, sáng nào tôi cũng cùng nhóm bạn vừa rôm rả nói chuyện, ăn vội gói xôi, cái bánh của cô bán hàng rong trước trường mình để kịp giờ vào lớp. Gần 20 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về kỷ niệm thuở ấu thơ ấy trong lòng tôi trào dâng bao cảm xúc bồi hồi, trong trẻo.

Với mỗi chúng ta, tình yêu quê hương, yêu mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên được góp nhặt từ những kỷ niệm với bạn bè, với người thân trong suốt “thời gian sống, thời gian yêu”, chính bằng những điều rất đỗi bình dị, thân thương.

Tình yêu của tôi với mảnh đất Tây Nguyên này đôi khi đơn giản chỉ là khoảnh khắc ngồi ở vỉa hè để ăn đĩa bánh, uống ly nước của cô bán hàng rong, cùng bạn kể những câu chuyện “không đầu, không cuối”; hay những ngày cuối tuần, cùng nhóm bạn thong dong thả bộ dạo mát trên những con đường, thưởng thức những món ăn vặt với đủ loại bánh trái hấp dẫn, đủ màu sắc.

“Ai bánh mì Sài Gòn không... bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ 2 ngàn 1 ổ” -  lời rao như in đậm vào trong ký ức tuổi thơ của tôi. Ngày ấy nhà tôi ở trong con hẻm đường một chiều, rất ít xe qua lại. Bởi vậy, hàng ngày các cô, các chị với quang gánh trên vai, cùng với những tiếng rao nghe rất vui tai hay ghé qua nơi đây. Để rồi tự bao giờ, tiếng rao ấy như trở thành giai điệu quen thuộc, vắng nó lòng lại cảm thấy nhớ nhớ, thương thương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Khi lớn lên, hòa mình vào nhịp sống hối hả của xã hội khiến chúng ta quên đi nhiều thứ. Rồi bất chợt một khoảnh khắc nào đó, bỏ qua những bộn bề của cuộc sống, khi khoan thai ngồi bên góc quán cà phê quen thuộc, lòng ta lại nhớ về tiếng rao xưa với những hoài niệm mến thương.

Người bán hàng rong ngày nay không khác xưa là mấy. Phương tiện rao hàng giờ dù đã hiện đại, được thu âm sẵn với đủ loại tiếng rao đặc trưng khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc, nhưng họ vẫn là những người nghèo khó, bươn chải “tìm kế sinh nhai”, dẫu vậy trên gương mặt của họ lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan, yêu đời. Và, chính nụ cười đó hun đúc cho họ sức mạnh và sự tự tin vượt qua gian khổ, nuôi con ăn học thành tài, tạo dựng nên cuộc sống gia đình với hạnh phúc viên mãn…

Bất kỳ nơi đâu, bên những con hẻm, góc phố, nơi tấp nập người qua lại, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những gánh nước, thúng bánh, giỏ rau...Vì cuộc mưu sinh, những người bán hàng rong phơi mình giữa nắng gió, gánh trên vai những nhọc nhằn, lo toan. Dù trời nắng như đổ lửa, hay đêm tối bao phủ xung quanh, họ vẫn luôn tươi cười, vẫn kiên nhẫn ngồi đó, kiên nhẫn chờ đợi để bán thêm cái bánh, ly nước cốt kiếm thêm vài ngàn nhằm vun vén cho cuộc sống gia đình...

Có những lúc vội vã trên con đường về quen thuộc, trong lòng nặng trĩu suy tư, bất chợt ta lại cảm nhận thật sâu sự ấm áp, tha thiết từ những tiếng rao quen thuộc của người bán hàng rong. Âm thanh ấy đem lại sự bình yên, nhẹ nhõm tâm hồn ta đến lạ...       

Hiện nay, phố phường khắp nơi thực hiện đổi mới, văn minh đô thị đang được chú trọng, người bán hàng rong vì thế trở nên khó khăn hơn trong cuộc mưu sinh. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay tỉ lệ người nghèo, người không có nghề nghiệp vẫn còn nhiều và việc di chuyển của họ từ nông thôn ra thành thị để bán hàng rong vẫn phổ biến. Họ là những người đang rất cần  sự chia sẻ, cảm thông của cộng đồng xã hội.

Tôi nghĩ, đã từ lâu tiếng rao của những người bán hàng rong đã là “một phần tất yếu” góp phần điểm tô cho phố thị một nhịp sống yên bình, dân dã, xoa dịu đi những xô bồ, tất bật.

Tiếng rao hàng giữa phố thị sẽ vẫn mãi còn đó, thân thuộc và ấm áp...

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác