Nhớ những mùa Trung thu

23/09/2018 18:22

Tuổi thơ tôi gắn bó với một vùng quê nghèo, cuộc sống của người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trừ những năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống bớt nhọc nhằn; còn lại cái đói, cái nghèo cứ rình rập, bủa vây. Nhưng, dường như gian khó chẳng khiến chúng tôi nề hà. Chúng tôi cứ thế lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc, chở che, bao dung của gia đình và làng xóm. Ngoài việc học hành, phụ giúp việc nhà, chúng tôi còn nghĩ ra vô vàn những thú vui chơi nơi thôn dã, đặc biệt là vào dịp Tết Trung thu.

Hàng năm, cứ vào khoảng nửa cuối tháng bảy, đầu tháng tám âm lịch, chúng tôi bắt đầu làm đèn lồng, làm lân, tập luyện đội múa lân. Những ai mạnh khoẻ thì đảm nhiệm phần đầu lân; ai linh hoạt, nhanh nhẹn sẽ làm Tề thiên đại thánh; Trư bát giới thì dành cho đứa “mặt tròn” nhất trong đám.

Khó nhất là chọn người làm ông Địa. Ông Địa phải là đứa có tố chất đặc biệt, dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển, đôi tay phải mềm mại để cầm quạt phe phẩy; giọng nói to, rõ nhưng phải ấm áp; điệu bộ phải từ tốn, kiên trì để “nịnh” gia chủ. Rồi thì người đánh trống cũng rất quan trọng. Người đánh trống lân phải có sức khoẻ dẻo dai, đánh đúng nhịp, dứt khoát, tiếng trống phải rộn ràng, thúc giục người nghe và hơn hết người đánh trống phải có khả năng điều khiển được cả đội lân.

Ngày ấy, vì làng quê rất nghèo nên phần thưởng của các hộ gia đình cho đội lân cũng không nhiều, có khi chỉ là nải chuối, gói bánh, ít kẹo hoặc nắm xôi, cái bánh chưng. Phần thưởng tuy nhỏ, nhưng chúng tôi rất vui. Bọn trẻ chúng tôi khát khao ngày hội múa lân để được vui chơi, vì vậy, chỉ cần  đội lân chúng tôi đến cổng, gia chủ mở cửa chào đón. Gia chủ cho cái gì cũng không vui bằng cho lân chúng tôi vào nhà.

Nhưng cũng có năm, trời mưa từ mồng mười tháng tám đến qua rằm. Trời mưa thì ít, lòng trẻ thơ chúng tôi mới mưa nhiều! Trẻ con buồn làm người lớn cũng buồn lây. Thành ra, những mùa Trung thu gặp mưa cả xóm như cũng đượm buồn.

Khi ấy, chiếc đèn lồng ông sao bọc giấy kiếng đủ màu với chúng tôi là món quà xa xỉ. Nhà đứa nào cũng nghèo, vì thế, cứ cách Trung thu cả tháng là chúng tôi tìm những vỏ hộp sữa, những thanh tre để “chế” những chiếc đèn Trung thu.

Ba tôi, mặt dù hàng ngày rất bận rộn với công việc đồng áng nhưng cách ngày rằm nửa tháng là đi tìm những hạt bưởi phơi khô rồi xâu lại thành chuỗi treo trên góc bếp. Đến hôm Trung thu, ba sẽ chia cho mỗi đứa một xâu, tiếng hạt bưởi cháy lách tách vui tai quyện với mùi thơm hương bưởi có lẽ là ký ức đẹp nhất của tuổi thơ tôi.

Sau cuộc hành trình múa lân, rước đèn ông sao, rồng rắn lên mây khắp xóm, chúng tôi rủ nhau đi phá cỗ Trung thu. Sau màn phá cỗ, những đứa trẻ ùa ra đường với chiếc đèn Trung thu “tự chế” trên tay. Trăng sáng, tiếng trống múa lân và tiếng hát “Tùng rinh rinh” làm rộn rã xóm làng.

Tiếp đó, chúng tôi kéo nhau ra bờ sông Ba thơ mộng. Hàng trăm ánh nến nhỏ trên chiếc thuyền giấy trôi lững lờ trên mặt nước như muôn triệu vì sao lấp lánh. Những chiếc đèn trời khẽ nâng mình trong gió, bay cao, bay xa mang theo những ước mơ từ vùng quê nghèo quanh năm lam lũ. Nửa đêm, trăng lên cao lắm rồi, bọn trẻ quay về và chìm vào giấc ngủ, trên môi khẽ cười mơ về mùa Trung thu năm sau.

Năm nay, một mùa Trung thu nữa lại về. Tôi đã trưởng thành và xa quê trên 30 năm, không còn mơ về chị Hằng, chú Cuội. Đón Trung thu ở phương xa, tôi thầm cầu chúc cho trẻ thơ ở quê nhà có đêm Trung thu vui vẻ, biết sẻ chia tình thương cho nhau, chúc cho ước mơ về hạnh phúc sẽ trở thành hiện thực, mặc dù hạnh phúc chỉ giản đơn là chiếc kẹo, cái bánh như chúng tôi ngày xưa. Hãy để Trung thu thật sự là ngày Tết đoàn viên của tuổi thơ…

          Thảo Nguyên

Chuyên mục khác