Nhớ mùi mắm ruốc thân thương xứ Huế

21/07/2019 17:00

Ở Tây Nguyên đã lâu, đã từng nhiều lần được thưởng thức nước mắm cốt ở nhiều nơi nhưng cho đến nay trong tôi vẫn không quên được cái hương vị ngọt ngào của vị nước mắm ruốc xứ Huế quê mình.

Với tôi, phải nói là “ghiền” cái nước mắm ruốc ấy. Mẹ tôi cũng chịu khó, mỗi khi ở quê vào cũng không ngại xách cả thùng. Rồi chia cho các con, mỗi đứa vài ba chai. Vậy là đủ vui. Nước mắm quê đã đi sâu vào ký ức của mỗi người con xứ Huế.

Hương vị rất riêng ấy làm cho bữa cơm thêm đậm đà, nhất là khi thết đãi người thân, bạn bè ở xa đến, được thưởng thức nước mắm ruốc Huế, chấm rau lang luộc… tuy dân dã, thanh đạm nhưng mang đầy ý nghĩa tình quê.

Để cho ra những giọt nước mắm ruốc có vị thơm ngon khác biệt này là cả sự công phu và đó là bí kíp gia truyền của mỗi gia đình làm nước mắm ở miền biển xứ Huế.

Con ruốc sau khi đánh từ biển sẽ được làm sạch hết tạp chất. Sau đó người ta sẽ ủ ruốc trong vòng 6 tháng, con ruốc phải thơm, có màu hồng đỏ nhạt thì mới là đạt chuẩn. Sau một vài công đoạn chế biến và chưng cất nữa thì sẽ thu được thành phẩm là nước mắm cốt ruốc thơm ngon, đậm vị.

Nước mắm ruốc Huế vốn nổi danh khắp cả nước về quá trình làm thủ công, lên men tự nhiên để tạo ra thành phẩm chất lượng, được nhiều người ưa thích. Nếu ai đã từng thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi…

Mẹ tôi, một người phụ nữ khéo nấu ăn, làm nước mắm để ăn bánh lọc thì không thể nào chê được. nước mắm được pha với ớt, tỏi, chanh, mùi dậy lên thơm nồng, độ sánh đủ để khi nhúng vào miếng bánh thơm ngon, thì tỏi, ớt, và những tép chanh mỏng manh quyện vào thấm đẫm. Cũng có những món ăn không cần pha chế mà cứ dọn ra dĩa nước mắm ruốc nguyên chất, dầm thêm trái ớt thì tuyệt vời luôn...

Nước mắm không chỉ là gia vị mà còn là sản phẩm lưu giữ hồn cốt của quê hương. Ảnh: internet

 

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần về quê, bà nội thường nấu nồi xôi dẻo chan tí nước mắm cốt ruốc ấy vậy mà con cháu đứa nào cũng “nghiện” nên lần nào về cũng đòi để bà nấu cho ăn bằng được. Bây giờ, cuộc sống có sung túc, đủ đầy hơn trước nhưng con cháu cũng không đứa nào quên được cái dư vị của món ăn ấy, bởi nó thơm ngon đến lạ lùng; một phần do nội nấu xôi ngon, một phần có thể do sự hòa quyện của cái vị nước mắm cốt ruốc ấy.

Rồi những ngày giáp tết, con cháu cùng về quê sum họp, được ăn những bữa cơm đúng chất nhà quê do nội trổ tài. Đó là bữa cơm gạo lúa mới nấu bằng bếp củi với cá rô đồng kho mặn. Cá rô được nội mua về làm sạch, cho vài trái ớt xanh bẻ khúc, ít ớt bột cay nồng, chút tóp mỡ và tí đường, giã vài củ nén thêm vào, rót chút nước mắm cốt ruốc nữa, sau đó được nội kho trên lửa nhỏ đến khi con cá khô quắt, nước sít nồi. Mùi thơm của món ăn tỏa ra ngào ngạt, cay cay, mằn mặn, đậm đà của mùi mắm ruốc, chỉ mới ngửi thôi đã thấy cồn cào trong bụng.

Bây giờ, mỗi lần về quê, ra phía sau vườn nhà, nhìn những cây bạch đàn đung đưa trước gió, hàng tre già xào xạc, nghe tiếng gió thì thầm..., không hiểu sao cái mùi mắm ruốc kho cá rô đồng ngày trước của nội cứ bay thoang thoảng khiến tôi như lạc vào ký ức xa xôi...

Vì đặc trưng của mắm ruốc nên mỗi lần về thăm quê, tôi không quên dặn chị Yến (người làm và bán nước mắm ruốc) chuẩn bị thật nhiều nước mắm để mang về Tây Nguyên làm quà biếu cho bạn bè, người thân...

Chiều mưa Tây Nguyên, bên mâm cơm gia đình, nghe đứa con gái đầu nói với em nó: “Thịt luộc mà chấm với mắm ruốc thì không còn gì ngon bằng”. Đứa em cũng gật gù tỏ vẻ đồng tình cùng chị mình. Nhìn hai đứa trẻ ăn rất ngon món ăn mẹ nấu, gợi nhớ trong tôi thật nhiều ký ức, nhớ những ngày mưa xứ Huế… thật đầm ấm và tràn ngập yêu thương.

Với tôi, không có món ăn nào có thể thay thế được hương vị, chứa cả hồn quê như nước mắm của quê nhà; không đơn thuần là một thứ gia vị mà nước mắm còn là sản phẩm lưu giữ  “hồn cốt” của quê hương.

Vỹ Dạ

Chuyên mục khác