Nhớ Mẹ!

16/11/2019 13:41

Xa xứ, mỗi lần nhớ mẹ chỉ biết thở vắn thở dài. Nhớ mẹ! Nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười hóm hỉnh, nhớ từng lời nói, nhớ lời hỏi han ân cần khi thấy con vừa ở xa về, xuống xe trước cổng nhà mẹ đã đon đả “về đó hả con”...

Lạ lắm. Giữa mùa khô mà Kon Tum có mưa. Mưa không nặng hạt nhưng cũng đủ làm trĩu lòng người xa xứ.

Xa xứ đã lâu nhưng mỗi lần về quê, trong mắt mẹ thì con vẫn còn thơ dại lắm.

Xa xứ, mỗi lần nhớ mẹ chỉ biết thở vắn thở dài. Nhớ mẹ! Nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười hóm hỉnh, nhớ từng lời nói, nhớ lời hỏi han ân cần khi thấy con vừa ở xa về, xuống xe trước cổng nhà mẹ đã đon đả “về đó hả con”.

Nhớ những xế chiều, mẹ luôn lại gần và hỏi “ăn gì mẹ mua”. Những món ăn mẹ mua rất dân dã, gợi nhớ tuổi thơ, đậm đà hương vị quê nhà và trong thẳm sâu là tấm lòng của mẹ dành cho con.

Món ăn mẹ mua chỉ là những lát bánh xèo thơm mùi hành tươi có vài con tôm, có khi là thịt vịt bằm thơm nức mùi sả, chấm với nước mắm pha hơi loãng có ớt, tỏi, đường, một chút chanh. Khi thì mẹ mua cho đĩa bánh bèo nhưn sền sệt bột gạo, tôm, thịt nạc bằm nhuyễn pha chút màu bột tôm, nóng hổi, mùi thơm xộc vào tận mũi. Ở quê nhà, ngoài bánh bèo còn có bánh lọc làm bằng bột nếp dẻo quẹo, đã ăn rồi rất khó quên. Có khi, mẹ mua cho tô don. Tô don cũng khá hấp dẫn, có bánh tráng sống bẻ nhỏ cho vào tô trước khi nước don nóng được múc vào, thêm ít hành tây, hành lá xắt nhỏ, dằm trái ớt sim cay nồng, bỏ vào một chút nước mắm cay, một miếng chanh, thêm một cái bánh tráng nướng mỏng bẻ vụn cho vào tô don, vừa ăn vừa hít hà chảy nước mắt, đổ mồ hôi ròng.

Nhìn con ăn ngon miệng, mẹ cười hóm hém, mắt nheo nheo, ra chiều mãn nguyện lắm.

Mẹ là vậy.

Nhớ mẹ! Nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười hóm hỉnh. Ảnh: Internet

 

Thoảng những chiều mẹ không sắp xếp giấy cúng để bán buổi chợ mai thì mẹ ra ngồi ghế đá, dưới bóng cây bưởi trước sân nhà đợi anh chị đi làm về, đợi các cháu đi học về. Dáng mẹ chiều hôm hom hem lắm, trông như chiếc lá chiều thu.

Buổi sáng, mẹ dậy thật sớm, cầm cây chổi quét quanh sân nhà. Nhà có cây khế ít hơn tuối mẹ song lại nhiều tuổi hơn các con. Cây khế càng già, thân càng to, ra hoa kết trái, đong đưa trước gió quanh năm. Chỉ có mẹ mong manh trước những cơn gió thời gian.

Ngày còn khỏe, mẹ quét lá khế rụng quanh sân nhà chừng 10 phút là xong. Khoảng 5 năm trước khi chạm tuổi 88, việc quét dọn của mẹ chậm dần lại. Sự lanh lợi, nhanh nhẹn vốn có cũng không còn như xưa. Đôi mắt một thời đi buôn lanh lợi, đã mệt mỏi, mờ dần theo thời gian.

88 tuổi, mẹ mỗi ngày ngồi chợ một buổi sáng bán hàng. Mẹ già rồi, sạp hàng tạp hóa cũng xẹp dần. Mỗi buổi chợ, mẹ bán đi mua lại chỉ là vài lít dầu phụng, cân đường, cân đậu, gói bột ngọt, quả cau, lá trầu, các loại giấy cúng…

Ấy vậy mà mẹ vui. Vui vì được gặp gỡ, chuyện trò với người quen. Vui vì có đồng ra đồng vào, không ngửa tay xin con tiền ăn sáng, tiền mua quà cho cháu.

Mẹ là vậy.

Tuổi 88, mẹ không còn khỏe như xưa nhưng không muốn dựa dẫm vào các con. Mẹ rất ngại làm phiền con cháu. Mẹ cũng có khác gì cây khế quanh năm đơm hoa kết trái, kiên nhẫn làm lụng và kiếm đồng tiền bằng mồ hôi của chính mình.

Mẹ là vậy.

Mẹ như cây khế già tự đơm hoa cho con cháu những quả ngọt cuộc đời. Những quả ngọt hình thành đều từ đôi bàn tay gầy guộc của mẹ. Bàn tay mẹ đã dìu các con qua chốn chợ đời khó nhọc và bao cay đắng. Bàn tay mẹ dìu các con vượt qua những tháng ngày khốn khó. Có mẹ thật vui vẻ và ấm áp biết bao.

Xa quê, mỗi lần về nhà được gặp mẹ, ngồi bên mẹ trò chuyện ở hiên nhà, nằm bên mẹ trò chuyện những đêm đông. Những câu chuyện của thời quá khứ vất vả, những câu chuyện hiện đại xô bồ, những câu chuyện về việc mua bán hàng ngày của mẹ…, đưa hai mẹ con vào giấc ngủ tự khi nào cũng không hay biết.

Cứ ngỡ, trở về quê nhà là sẽ được cùng mẹ to nhỏ chuyện xưa, chuyện nay nhiều hơn. Vậy mà, mẹ đã đi xa qua hai tháng Mười. Mẹ ra đi nhưng không biết mình bị bạo bệnh. Ba tháng mẹ ở nhà để dưỡng bệnh là ba tháng mẹ thong thả nhất trong cuộc đời.

Đêm đông tháng Mười, mẹ lặng lẽ rời đi ở cái tuổi 88.

Cơn mưa đêm ấy đã giúp mẹ gội rửa bụi trần gian, nhẹ nhàng về với ông bà tổ tiên.

Tháng Mười, nhớ mẹ lắm, mẹ ơi!                  

Sông Trà

Chuyên mục khác